Lý do tòa trả hồ sơ vụ 'thiếu gia' điện gió lừa đảo?

Tòa trả hồ sơ vụ án liên quan cha con 'thiếu gia' điện gió Tô Công Lý là do còn nhiều chứng cứ quan trọng cần chứng minh mà không thể bổ sung tại phiên tòa.

Chiều 29/3, sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Cà Mau quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.

Lý do trả hồ sơ theo HĐXX là qua xem xét, thảo luận những kết quả xét hỏi và tranh luận tại tòa, HĐXX nhận thấy vụ án còn nhiều chứng cứ quan trọng cần chứng minh mà không thể bổ sung tại phiên tòa. (Ảnh: VOV)

Từ ngày 28/3, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên tòa trên để xét xử 3 bị cáo là ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Công Lý; Tô Công Lý (con trai cả ông Dân), Phó Tổng giám đốc Công ty Công Lý và Nguyễn Bá Đam, nhân viên của công ty Công lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Tiền Phong)

Tại phiên xét xử ngày 29/3, đại diện VKSND tỉnh Cà Mau đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tô Công Lý từ 12 - 13 năm tù; bị cáo Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam mỗi bị cáo từ 7 - 8 năm tù, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo đại diện VKS, các bị cáo đã lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để nhận hỗ trợ đầu tư cho hai công trình với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng. Quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, từ năm 2009 đến năm 2012, bị cáo Lý đã trực tiếp và chỉ đạo bị cáo Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình gồm hệ thống xử lý nước thải và khu tiếp nhận và phân tách rác trị giá hơn 14,6 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Lý đưa cho ông Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án để trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ hơn 7,3 tỷ đồng vốn đầu tư cho hai hạng mục công trình khống. Theo đại diện VKS, Tô Công Lý có vai trò chủ mưu. Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam bị truy tố với vai trò đồng phạm. (Ảnh: NLĐ)

Trong phần xét hỏi, 3 bị cáo phản cung toàn diện, cho rằng không có việc lập hồ sơ khống 2 hạng mục công trình để lấy của Nhà nước số tiền hơn 7,3 tỷ đồng như cáo buộc của Viện Kiểm sát. Các bị cáo cho rằng, trong quá trình điều tra, do không được minh mẫn, bị ảnh hưởng tâm lý nên thừa nhận hành vi phạm tội. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định "không có cơ sở chấp nhận".

Các luật sư cùng đại diện Viện Kiểm sát đã tranh luận xung quanh vấn đề có hay không việc 3 bị cáo đã lập hồ sơ khống 2 hạng mục công trình là "Khu tiếp nhận phân tách rác" và "Hệ thống xử lý nước thải" để lừa đảo chiếm đoạt của nhà nước 7,3 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, quá trình đầu tư Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, từ năm 2009 – 2012, bị cáo Lý đã trực tiếp và chỉ đạo bị cáo Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm: Hệ thống xử lý nước thải và Khu tiếp nhận và phân tách rác, tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Tô Công Lý trình cho cha mình là Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án và để bị cáo Dân ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục công trình khống với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng.

Trước đó, Tô Công Lý bị Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã bắt giữ về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào năm 2019. Thời điểm bị bắt, Lý là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu; chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau.

Trước khi bị bắt, Tô Công Lý nổi tiếng với độ chịu chơi và được nhiều người ví là " thiếu gia" điện gió ở miền Tây. Khi đó, Lý sở hữu khối tài sản lớn, di chuyển bằng các loại xe đắt tiền, biển số đẹp, và mặc toàn hàng hiệu. Lý cũng thường xuyên đăng ảnh khoe xe sang, điện thoại đắt tiền hay hàng cọc USD.

Công ty của gia đình Tô Công Lý từng được biết đến khi tặng 2 siêu xe Lexus trị giá hơn 6 tỷ đồng cho tỉnh Cà Mau để phục vụ cho công tác kiểm tra, chỉ đạo phòng chống, khắc phục sự cố đê kè, hạn hán; phòng chống sạt lở đất, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng... Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh này đã trả cả hai xe cho công ty Công Lý. Thời điểm Lý bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dư luận khá bất ngờ.

Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ly-do-toa-tra-ho-so-vu-thieu-gia-dien-gio-lua-dao-1973601.html