Lý do nhà tuyển dụng coi trọng kỹ năng mềm của ứng viên

Chuyên gia nghề nghiệp cho rằng thông qua kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng có thể xác định cách bạn làm việc độc lập, khả năng làm việc nhóm hay quản lý nhiệm vụ.

 Kỹ năng mềm có thể đóng vai trò quyết định trong việc trong việc nhà tuyển dụng đưa ra thư mời trúng tuyển hoặc lọt vào vòng phỏng vấn thứ 2. Ảnh: Pexels.

Kỹ năng mềm có thể đóng vai trò quyết định trong việc trong việc nhà tuyển dụng đưa ra thư mời trúng tuyển hoặc lọt vào vòng phỏng vấn thứ 2. Ảnh: Pexels.

Khi nộp hồ sơ xin việc, thông tin học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của ứng viên thường được sàng lọc bởi nhà tuyển dụng, quản lý nhân sự hoặc thậm chí là ứng dụng máy tính.

Nếu được mời tham gia vòng phỏng vấn đầu tiên, ứng viên có thể sử dụng các chiến lược bổ sung để bản thân nổi bật, bao gồm thể hiện các kỹ năng mềm như tính cách, khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm...

Theo các chuyên gia nhân sự, nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở ứng viên những kỹ năng có thể chuyển đổi như trên. Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm đến những người lao động toàn diện, có thể dễ dàng hòa nhập các nhóm hiện có.

Kỹ năng mềm ứng viên cần có

Theo Fox Business, các chuyên gia chỉ ra kỹ năng mềm bao gồm nhiều kỹ năng phi kỹ thuật, gắn liền với khả năng lãnh đạo, giao tiếp giữa các cá nhân, khả năng thích ứng, sáng tạo và năng suất.

"Kỹ năng mềm rất quan trọng, thậm chí có phần quan trọng hơn các kỹ năng cứng như trình độ học vấn, kinh nghiệm. Thông qua kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng có thể xác định cách bạn làm việc độc lập, làm việc nhóm, quản lý nhiệm vụ hay quản lý đội nhóm", bà Ciara Harrington, Giám đốc nhân sự của Skillsoft (công ty công nghệ giáo dục của Mỹ), nhận định.

Tương tự, theo David Bach, Phó chủ tịch phụ trách thu hút nhân tài của DroneUp (công ty công nghệ ở Mỹ), đối với hầu hết nhà tuyển dụng và người quản lý, trí tuệ cảm xúc cũng quan trọng như chỉ số IQ.

"Mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu bạn là người thông minh nhất phòng nhưng không ai muốn lắng nghe bạn. Các công ty đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng thuyết phục, hiểu và đồng cảm với người khác", ông David Bach nói.

Nhà tuyển dụng này nói thêm rằng khi xu hướng làm việc từ xa phát triển, ứng viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt, bao gồm cả giao tiếp bằng lời nói và văn bản. Một kỹ năng khác cũng được các công ty đánh giá cao, đó là sự tháo vát, linh hoạt.

Ngoài ra, theo ông Bach, lòng tốt, sự tử tế, chuyên nghiệp và đồng cảm cũng là nền tảng của một bộ kỹ năng mềm tốt. Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ đó có thể là điểm yếu và cố gắng không bộc lộ chúng. Chính vì vậy, ông Bach khuyên ứng viên nên kiên định trong cách tiếp cận.

"Một số người có thể cố gắng lợi dụng lòng tốt và sự đồng cảm của bạn, nhưng đừng để điều đó thay đổi cách bạn đối xử với mọi người, đồng thời tránh để bản thân bị lợi dụng", ông Bach nói.

 Kỹ năng mềm bao gồm nhiều kỹ năng phi kỹ thuật gắn liền với khả năng lãnh đạo, giao tiếp giữa các cá nhân, khả năng thích ứng... Ảnh: Unsplash.

Kỹ năng mềm bao gồm nhiều kỹ năng phi kỹ thuật gắn liền với khả năng lãnh đạo, giao tiếp giữa các cá nhân, khả năng thích ứng... Ảnh: Unsplash.

Ứng viên nên làm gì?

Bà Harrington gợi ý khi ứng tuyển vào các vị trí mới, ứng viên lồng ghép các kỹ năng mềm trong quá trình thể hiện kinh nghiệm bản thân cũng như các kỹ năng cứng.

"Ví dụ, khi tóm tắt lại các dự án trước đây, bạn có thể làm nổi bật kỹ năng làm việc nhóm và cộng tác của mình bằng cách nói 'chúng tôi', thay vì 'tôi", đồng thời nhấn mạnh cách bạn đã làm việc với những người khác để đạt được thành công", bà Harrington nói.

Ngoài ra, ứng viên có thể đặt câu hỏi kích thích tư duy trong các cuộc phỏng vấn, thể hiện kỹ năng chuẩn bị và lập kế hoạch của bản thân. Một số câu hỏi cũng thể hiện khả năng giao tiếp và suy nghĩ chín chắn. Ứng viên cũng nên cho nhà tuyển dụng thấy bản thân có thể tương tác, làm việc với những người khác như thế nào trong tương lai.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-nha-tuyen-dung-coi-trong-ky-nang-mem-cua-ung-vien-post1426680.html