Lý do Mỹ tăng cường vũ khí hạng nặng cho Ukraine ở giai đoạn mới chiến dịch quân sự

8 tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ đang tăng cường cung cấp đạn pháo cho Kiev.

Lựu pháo M777 155mm. Ảnh: AP

Lựu pháo M777 155mm. Ảnh: AP

“Chúng ta đang ở thời kỳ quan trọng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hôm 21/4 khi thông báo ông đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Lô vũ khí này bao gồm 72 lựu pháo 155 mm, 144.000 viên đạn và hơn 120 thiết bị bay không người lái có vũ trang. Mỹ cũng cho biết sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng những vũ khí này.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, Mỹ đã cung cấp tổng cộng 3,4 tỷ USD chi phí hỗ trợ an ninh cho nước này. Đâylà khoản viện trợ quân sự bất thường mà Mỹ gửi cho một quốc gia mà Washington không có nghĩa vụ hiệp ước quốc phòng.

Song động thái này đã đẩy căng thẳng leo thang. Moskva cảnh báo rằng việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ gây ra những hậu quả “khó lường”. Nga tuyên bố họ coi làn sóng vũ khí quốc tế ồ ạt đưa vào Ukraine chính là hành động khiêu khích của phương Tây.

Tại sao vũ khí hạng nặng rất quan trọng với Ukraine trong thời điểm này?

Các loại vũ khí hạng nặng như pháo đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh ở vùng Donbas, phía đông Ukraine. Theo các chuyên gia, địa hình tương đối bằng phẳng ở khu vực này phù hợp với kiểu chiến tranh cơ động. Khi đó, xe tăng và các lực lượng trên bộ khác sẽ được hỗ trợ bởi pháo tầm xa, như lựu pháo 155 mm trong khi di chuyển.

Các loại pháo mà Mỹ gửi tới Ukraine sẽ là những mẫu mới nhất của Washington. Trong đó, có siêu lựu pháo M777, được biên chế trong Lục quân và Thủy quân lục chiến. Với kích thước nhỏ hơn và cơ động hơn so với mẫu cũ, M777 có thể được triển khai tới chiến trường bằng trực thăng hạng nặng và di chuyển tương đối nhanh giữa các vị trí.

Những ngày gần đây, Nga cũng đã triển khai thêm pháo binh đến khu vực Donbas, cùng với nhiều binh lính mặt đất và các loại vũ khí khác để hỗ trợ và duy cuộc chiến lâu dài đối với địa hình ở đây.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết chiếc đầu tiên trong số 72 lựu pháo dự kiến bắt đầu được chuyển đến châu Âu vào cuối tuần này. Hoạt động đào tạo lực lượng Ukraine sử dụng lựu pháo cũng đã bắt đầu vào hôm 20/4 tại một quốc gia bên ngoài không được tiết lộ.

Tổng thống Joe Biden bước xuống từ chiếc Marine One tại Căn cứ Không quân Andrews, hôm 21/4 Ảnh AP

Tổng thống Joe Biden bước xuống từ chiếc Marine One tại Căn cứ Không quân Andrews, hôm 21/4 Ảnh AP

Theo giới chuyên gia, động thái mới có thể vẫn chưa đủ để ngăn cản bước tiến của lực lượng Nga. Tổng thống Biden mới đây cho biết ông đã yêu cầu Lầu Năm Góc làm việc để hỗ trợ bổ sung quân sự tiềm năng cho Kiev.

Tổng thống Mỹ cho biết giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự của Nga sẽ “hạn chế hơn về mặt địa lý, chứ không phải về mức độ giao tranh”. Ông cũng thừa nhận cần Quốc hội phê duyệt các khoản ngân sách cần thiết khác để tiếp tục cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine ngoài gói 800 triệu USD mới nhất. Theo ông, khoản viện trợ này sẽ chỉ đảm bảo lượng vũ khí ổn định chỉ trong vài tuần tới.

Mỹ đã viện trợ những vũ khí nào cho Ukraine?

Hệ thống pháo binh Grad của Nga bị phá hủy ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AP

Hệ thống pháo binh Grad của Nga bị phá hủy ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AP

Ngoài 72 lựu pháo và các phương tiện cần thiết để di chuyển vũ khí xung quanh chiến trường, gói vũ khí mới nhất dành cho Ukraine bao gồm thiết bị bay không người lái có vũ trang và đạn được lấy từ kho vũ khí của Không quân Mỹ.

Ngoài ra, trong gói viện trợ trị giá 800 triệu USD được công bố vào tuần trước, Ukraine sẽ nhận được loại radar có khả năng nhắm mục tiêu nhắm vào pháo binh Nga, cũng như radar giám sát đường không và tàu bay không người lái.

Ông Mark Montgomery, Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu, người từng phục vụ tại Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, nhận định: “Pháo và thiết bị bay không người lái là những vũ khí tấn công chính xác mà Ukraine sẽ cần khi Nga triển khai chiến dịch tiếp theo ở phía đông và phía nam Ukraine”.

Đáng chú ý nhất trong lô vũ khí lần này là thiết bị bay không người lái mang tên Phoenix Ghost, được sản xuất bởi công ty Mỹ Aevex Aerospace. Hôm 21/4, Lầu Năm Góc cho biết loại drone “bóng ma” nàycó khả năng nhắm mục tiêu, tấn công và tự diệt, phù hợp với các yêu cầu chiến thuật của Ukraine ở mặt trận miền đông.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Kirby nhấn mạnh: “Chúng cũng có thể thu và cung cấp hình ảnh, nhưng chức năng chính vẫn là tấn công”. Ông cho biết loại máy bay này rất phù hợp với địa hình chiến đấu ở Donbass, song ông từ chối tiết lộ chi tiết về khả năng tấn công chính xác mục tiêu của drone này.

Hải Vân/Báo Tin tức (AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ly-do-my-tang-cuong-vu-khi-hang-nang-cho-ukraine-o-giai-doan-moi-chien-dich-quan-su-20220423105942034.htm