Lý do Không quân Israel thống trị Trung Đông

Nhập khẩu máy bay từ nước ngoài kết hợp phát triển trong nước và nâng cấp, trang bị vũ khí theo yêu cầu sử dụng riêng là cách để Không quân Israel độc bá Trung Đông.

Israel là một trong những quốc gia có diện tích nhỏ ở Trung Đông. Tuy nhiên, quân đội nước này, đặc biệt là không quân, có sức mạnh chiến đấu hàng đầu khu vực. Những năm 1950, quân đội Israel thường sử dụng vũ khí mua từ châu Âu, chủ yếu là Anh và Pháp.

Đặc biệt mối quan hệ với Pháp dần được mở rộng, dẫn đến việc chuyển giao các thiết bị vũ khí hiện đại lúc đó như tiêm kích Mirage, cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình hạt nhân của Israel. Các tiêm kích Mirage đã trở thành trụ cột của Không quân Israel (IAF) trong Cuộc chiến 6 ngày với khối Arab, trong đó IAF đã tiêu diệt phần lớn sức mạnh không quân các nước khối Arab.

Từ những năm 1960, IAF đóng vai trò trung tâm trong sức mạnh quốc phòng của nước này. Khả năng của IAF trong việc bảo vệ chiến trường và thường dân khỏi cuộc tấn công của không quân đối phương, cho phép quân đội nước này chiến đấu với một lợi thế rất lớn.

Đồng thời, IAF đã chứng minh tầm nhìn chiến lược và tấn công các mục tiêu quan trọng ở khoảng cách rất xa. Sự thống trị Trung Đông của IAF bắt nguồn từ quá trình huấn luyện chiến đấu bài bản, sự yếu kém của kẻ thù và cách tiếp cận linh hoạt trong thiết kế và mua sắm vũ khí.

Chiến lược phát triển quốc phòng độc đáo

Năm 1967, Pháp bất ngờ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Israel. Trong khi đó, quân đội nước này cần thêm máy bay chiến đấu, cũng như những tìm kiếm các khả năng mà Mirage không có được, bao gồm tấn công mặt đất tầm trung.

IAI Kfir chứng minh năng lực công nghiệp hàng không Israel trong việc chế tạo các máy bay hàng đầu thế giới. Ảnh: Theaviationist.

Trong điều kiện khó khăn đó, người Do Thái nghĩ ra phương án sao chép những gì họ cần. Để bổ sung cho khung máy bay đang có, Israel đã mua lại bản thiết kế máy bay Mirage thông qua con đường gián điệp.

Kết quả của chương trình này là sự ra đời của 2 máy bay chiến đấu bản địa IAI  Nesher và IAI Kfir do tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI) sản xuất. Trong đó IAI Kfir sử dụng động cơ phản lực mạnh mẽ của Mỹ, từng phục vụ như máy bay chiến đấu chính của quân đội Israel.

Cả 2 loại máy bay này đều xuất khẩu thành công cho Argentina và Colombia. Đối với nhiều người, sự thành công của IAI Kfir cho thấy Israel có thể đứng vững trong lĩnh lực hàng không vũ trụ, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Tuy vậy, Israel vẫn tiếp tục mua sắm vũ khí nước ngoài. Israel bắt đầu mua chiến đấu cơ F-4 Phantom vào cuối những năm 1960, F-15 Eagle vào cuối những năm 1970.

Trong giai đoạn những năm 1970, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, Israel bắt tay phát triển dự án tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ Lavi. Máy bay này có thể bổ sung cho F-15 và lấp đầy điểm yếu của F-16. Lavi bao gồm một số hệ thống được cấp phép bởi chính phủ Mỹ với thiết kế khí động học khá giống F-16.

Tuy nhiên, Lavi là một dự án lớn đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ. Hơn nữa, chính phủ Mỹ áp dụng bộ quy tắc xuất khẩu vũ khí rất nghiêm ngặt. Năm 1987, nội các Israel đình chỉ dự án Lavi bất chấp sự phản đối của IAF, đổi lại Israel được phép mua số lượng lớn F-16 từ Mỹ.

Sau đó có những đồn đoán rằng , Israel đã bí mật chia sẻ bản thiết kế Lavi cho Trung Quốc dẫn đến sự phát triển của tiêm kích J-10. Điều này dẫn đến việc Quốc hội Mỹ cấm xuất khẩu tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.

Những giải pháp hữu ích

Thay vì theo đuổi phát triển máy bay chiến đấu riêng, Israel gần đây chọn giải pháp sửa đổi và nâng cấp máy bay mua từ Mỹ. Các chiến đấu cơ như F-15I Ra'am, F-16I Storm đã trải qua đợt nâng cấp lớn để tối ưu hóa chúng cho chiến lược của IAF.

F-15I Ra'am, máy bay đánh chặn hạng nặng tầm xa độc đáo của Không quân Israel. Ảnh: IAF.

Hai máy bay này được mở rộng tầm bay, cải tiến hệ thống điện tử, cho phép IAF chiến đấu hiệu quả ở khoảng cách rất xa so với căn cứ. F-15I, phiên bản của F-15 Strike Eagle là chiến đấu cơ tấn công tầm xa quan trọng nhất của quân đội Israel.

Ngoài ra, Israel đạt được thành tựu lớn trong việc phát triển các phương tiện bay không người lái, tạo tiếng vang lớn trên thị trường thế giới và xuất khẩu cho nhiều quốc gia. Mặc dù Israel không thể phát triển dự án tiêm kích lớn như Lavi nhưng công nghệ hàng không của Israel vẫn đứng đầu khu vực, hậu thuẫn cho nền kinh tế dân sự. Chính sách công nghiệp của Israel tập trung vào mục tiêu đổi mới công nghệ cao tạo điều kiện cho cả quốc phòng lẫn dân sự.

Chiến lược hàng không của Israel hiện nay phụ thuộc vào “sức khỏe” mối quan hệ với Mỹ. Liên minh này có rất ít lý do để có thể tan rã. Mỹ cấm xuất khẩu F-22 Raptor vì lo ngại rò rỉ công nghệ cao nhưng không làm mất đi mối quan hệ chung.

Nếu liên minh sụp đổ, Israel hoàn toàn có thể tìm đến đối tác khác. Nền tảng công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Israel sẽ không thiếu các quốc gia muốn bắt tay với họ.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ly-do-khong-quan-israel-thong-tri-trung-dong-post754987.html