Lý do khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư xanh

Nguồn tín dụng cho đầu tư vào các lĩnh vực xanh ngày càng nhiều hơn, nhưng các doanh nghiệp chưa cung cấp đủ dữ liệu và kế hoạch để đáp ứng các tiêu chí đánh giá của các tổ chức tín dụng, bỏ lỡ các cơ hội gọi vốn...

Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital cho rằng doanh nghiệp cần có báo cáo bền vững minh bạch và chi tiết, giúp tăng cường uy tín và hình ảnh trên thị trường tài chính.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động của các quỹ đầu tư đang có sự chuyển biến đáng kể, chú trọng hơn vào các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh xanh, mang lại những tác động tích cực cho xã hội và hướng tới phát triển bền vững.

Một điểm quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý là làm thế nào đo lường và báo cáo về các tác động tích cực cho xã hội và môi trường, để có thể thu hút nguồn vốn xanh, tận dụng được cơ hội từ các chính sách tài chính khí hậu và cơ chế tín dụng carbon.

“ĐIỀU ĐẦU TIÊN QUỸ ĐẦU TƯ HỎI LÀ CHÚNG TÔI CÓ ĐO LƯỜNG ĐƯỢC CÁC HOẠT ĐỘNG TÁC ĐỘNG XÃ HỘI KHÔNG”

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), khi nói về tài chính xanh, một thông điệp quan trọng nổi lên chính là “dòng vốn xanh chưa bao giờ dừng lại ở biên giới của Việt Nam nhiều như vậy”. Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng thông điệp đó cũng làm bật lên những vấn đề về việc sử dụng nguồn vốn xanh này. Bởi vì hiện nay các quy định pháp lý về giải ngân xanh, các tiêu chí cũng như quy định của Chính phủ về tín dụng xanh chưa được ban hành cụ thể.

Trong một chương trình gần đây, khi nói về những vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư xanh, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital đã đề cập đến sự cần thiết phải hoàn thiện các chính sách về tăng trưởng xanh, xây dựng một danh mục rõ ràng hơn cũng như các tiêu chí đánh giá cho các dự án xanh. Trong bài toán phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có sự đồng thuận và đồng hành từ các nhà phát triển chính sách để giải quyết các thách thức này.

Mặc dù vậy, bên cạnh việc chờ đợi các diễn biến về mặt pháp lý, thì một tâm thế chuyển động mạnh mẽ đang diễn ra trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang bắt đầu, thậm chí có những doanh nghiệp đi tiên phong nhằm đón đầu xu hướng mới: số và xanh hướng tới phát triển bền vững.

Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) là một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị và gần đây đang chuyển tiếp sang mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội tích cực. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex, khi tiếp cận với các quỹ đầu tư, “điều đầu tiên họ hỏi là liệu chúng tôi có báo cáo tác động và chứng minh được tác động của chúng tôi đối với môi trường không”.

Theo bà Huyền, nếu doanh nghiệp không đo lường tác động và không đưa ra được những báo cáo này, cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư sẽ bị hạn chế. “Chúng tôi may mắn khi có những số liệu cụ và bảng đo lường các chỉ tiêu này, giúp chúng tôi vượt qua vòng “sát hạch” đầu tiên. Những điều này đã tạo ra cơ hội cho chúng tôi tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các quỹ đầu tư và ngân hàng”, Tổng Giám đốc Vinasamex nói và cho biết “đã có rất nhiều ngân hàng muốn hợp tác, khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện về thực hiện ESG và tác động xã hội của mình”.

CHUYỂN ĐỔI XANH: NHỮNG TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG KHI QUỸ ĐẦU TƯ QUYẾT ĐỊNH RÓT VỐN

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết theo một nghiên cứu trong ba năm gần đây, từ 2019 đến 2022, hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn trên thế giới đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ, tổng quy mô số tiền của các quỹ liên quan đến tăng trưởng bền vững và phát triển xanh đạt khoảng hơn 3.000 tỷ USD, tăng gấp ba lần trong ba năm qua. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng đánh giá cao các hoạt động chuyển đổi xanh và phát triển bền vững như một mục tiêu dài hạn khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp.

Giám đốc tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital cho rằng doanh nghiệp cần có báo cáo bền vững minh bạch và chi tiết, giúp tăng cường uy tín và hình ảnh trên thị trường tài chính. Việc báo cáo rõ ràng về các hoạt động giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và cộng đồng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư xanh.

Nhiều nguồn tín dụng muốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh hơn, nhưng các doanh nghiệp chưa cung cấp đủ dữ liệu và kế hoạch để đáp ứng các tiêu chí đánh giá của các tổ chức tín dụng, sẽ mất cơ hội được hỗ trợ vốn. Câu chuyện từ công ty Vinasamex cho thấy bên cạnh vấn đề chính sách, nội tại vận hành và phát triển của chính các doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Giá trị của doanh nghiệp không chỉ bao gồm giá trị hữu hình mà còn có giá trị vô hình.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex)

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex, cho biết: “Trước đây, chúng tôi không chú trọng đến giá trị vô hình nhiều và chỉ tập trung vào các chỉ tiêu hữu hình trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với các quỹ đầu tư, chúng tôi nhận ra rằng việc thực hiện các tiêu chí ESG cũng đóng góp vào việc tạo ra giá trị vô hình, không chỉ là nâng cao năng lực nhân sự mà còn gia tăng thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường”.

Theo Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững của FPT Digital, việc đầu tư áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường sẽ là những “điểm cộng lớn” thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tài chính xanh.

Một hoạt động quan trọng nữa là đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự hiểu biết về các yêu cầu, tiêu chuẩn phát triển bền vững. Ngoài ra, tham gia vào các sáng kiến quốc tế và mạng lưới liên quan đến tài chính xanh có thể giúp doanh nghiệp mở rộng kiến thức, tạo dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quan tâm đến lĩnh vực này, nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn tài chính bền vững.

Thêm một khía cạnh đáng quan tâm của câu chuyện đầu tư xanh, phát triển bền vững đó là cơ chế tín chỉ Carbon. Cơ chế này đã bắt đầu được triển khai tại một số quốc gia phát triển như nhóm quốc gia thuộc EU, Nhật Bản, Mỹ,... Tại Việt Nam, chính phủ đang trong giai đoạn hoàn thiện chính sách để chuẩn bị ban hành. Từ kinh nghiệm thế giới, cơ chế này cho phép các doanh nghiệp có dự án giảm phát thải được công nhận, có khả năng tạo ra và bán tín chỉ Carbon từ những dự án này và thu về nguồn lực tài chính.

Số tiền này có thể được sử dụng để tái đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải và cung cấp thêm vốn cho doanh nghiệp. Ngược lại, những doanh nghiệp có mức phát thải cao hơn hạn ngạch sẽ phải mua tín chỉ Carbon để cân bằng phát thải của họ.

Trong dài hạn, điều này sẽ tạo động lực cho họ cải thiện hiệu suất và giảm phát thải để tránh các chi phí này. Nếu họ tiếp tục phát thải cao, sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế, và tín dụng xanh có thể là một giải pháp khả thi để các doanh nghiệp xem xét khi định hướng phát triển chiến lược cũng như đặt ra kế hoạch áp dụng phù hợp, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Hoàng Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ly-do-khien-doanh-nghiep-bo-lo-nhieu-co-hoi-tiep-can-nguon-von-dau-tu-xanh.htm