Lý do Israel đặt mua hàng chục nghìn quả đạn pháo 155mm

Israel đang mua lượng lớn đạn pháo 155mm, trị giá 60 triệu USD trong một thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của nước này với loại đạn dược đã được chứng minh là rất quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Israel đang mua hàng chục nghìn quả đạn pháo 155mm khi nhu cầu toàn cầu tăng vọt do cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Israel đang đặt mua hàng chục nghìn quả đạn pháo 155mm thông qua hợp đồng trị giá 60 triệu USD với Elbit Systems, trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới phía Bắc của nước này và sau khi Mỹ được cho là đã rút loại đạn trên khỏi kho dự trữ ở Israel, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng vọt do cuộc xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, Chính phủ Israel và công ty Elbit Systems mới đây đã công bố thỏa thuận cung cấp đạn M107-A3 cho lực lượng pháo binh của Israel. Thỏa thuận trên được kí kết chỉ vài tháng sau động thái của Mỹ rút 300.000 quả đạn pháo 155mm khỏi kho dự trữ ở Israel để chuyển cho Ukraine - kho dự trữ thuộc sở hữu của Mỹ nhưng được đặt ở Israel và quân đội Israel có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp.

Israel đã có một thỏa thuận với Mỹ, theo đó nước này có thể sử dụng đạn pháo cho các chiến dịch quân sự của họ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cho đến nay, bao gồm cả một cuộc phản công bị đình trệ, đã làm nổi bật vai trò một lượng lớn đạn dược đang được sử dụng, ảnh hưởng đến các kho dự trữ toàn cầu. Giống như Israel, Mỹ đã đầu tư vào việc tăng cường sản xuất đạn 155mm, vì nước này đã chuyển khoảng 1,5 triệu quả đạn tới Ukraine.

Vào tháng 7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày. Cơ sở công nghiệp quốc phòng của phương Tây hỗ trợ Ukraine đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.

Trong khi đó, biên giới phía Bắc của Israel chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa lực lượng phòng vệ của nước này và nhóm chiến binh Hezbollah.

Bộ Quốc phòng Israel cho biết việc giao đạn pháo của họ dự kiến vào năm 2024.

“Thỏa thuận với Elbit Systems sẽ hỗ trợ lực lượng phòng vệ của Israel cho các kịch bản chiến đấu khác nhau và sẽ đầu tư hàng triệu USD vào năng lực sản xuất ở trong nước, điều này sẽ củng cố ngành công nghiệp quốc phòng cũng như duy trì khả năng sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự của Israel”, Zeev Landau, người đứng đầu cơ quan quản lý mua sắm của Bộ Quốc phòng Israel, cho biết trong một tuyên bố.

Về phần mình, Udi Vered, một giám đốc điều hành của Elbit, nêu rõ: “Việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của chúng tôi sẽ cho phép tăng cường sản xuất (đạn pháo)”.

Elbit Systems đã chế tạo đạn pháo và xe tăng trong nhiều thập kỷ. Sau khi mua lại IMI Systems vào năm 2018 với giá 495 triệu USD, công ty này trở thành nhà cung cấp độc quyền đạn pháo cho Bộ Quốc phòng Israel. Người đứng đầu đơn vị kinh doanh đạn dược của Elbit thông báo rằng biến thể đạn A3 làm tăng hiệu quả của vũ khí và có thể đạt tầm bắn xa hơn M107 thông thường.

“Đạn pháo của chúng tôi được cung cấp với các bộ nạp (đạn) mô-đun thống nhất, độc đáo, cho phép đơn giản hóa hậu cần, giảm tỷ lệ hao mòn nòng súng, tăng hỏa lực và khả năng thích ứng hoàn toàn với các bộ nạp đạn tự động hiện đại”, một lãnh đạo của công ty trên cho biết với điều kiện giấu tên vì lý do bảo mật.

Trước đó Mỹ đã quyết định rút đạn pháo 155mm cùng một số loại đạn khác khỏi các kho dự trữ ở Israel, vốn được chuẩn bị sẵn để Mỹ sử dụng ở Trung Đông trong cái được gọi là "Kho Dự trữ Chiến tranh cho Đồng minh - Cơ sở Israel".

Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ, mặc dù các quả đạn pháo này chủ yếu dành cho mục đích sử dụng của các lực lượng Mỹ, nhưng kho dự trữ này cũng là một “lợi ích chiến lược” đối với Israel vì Chính phủ Israel có thể tự sử dụng các kho dự trữ một cách hợp pháp trong thời kỳ khủng hoảng nếu Washington cho phép.

Tờ The Times đưa tin Israel ban đầu cảnh giác với việc rút đạn pháo từ kho dự trữ, chủ yếu là vì lo ngại chúng có thể làm tổn hại mối quan hệ của nước này với Nga. Israel gần như giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine vì cần "sự đồng ý không chính thức" của Nga để hoạt động chống lại các nhóm chiến binh ở Syria.

Ở trong nước, Israel tiếp tục đổi mới với loại đạn pháo 155mm của riêng mình. Quân đội Israel cũng đang mua ATMOS để thay thế pháo M109 và nâng cấp hệ thống pháo binh của mình bằng loại pháo tự hành mới mang tên Roem.

Theo báo cáo “Thị trường hệ thống pháo binh toàn cầu 2023-2033” của GlobalData, Israel được dự đoán là thị trường hàng đầu cho các hệ thống pháo binh ở Trung Đông, chiếm 49,7% thị phần chi tiêu trong khu vực.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/ly-do-israel-dat-mua-hang-chuc-nghin-qua-dan-phao-155mm-20230807115452209.htm