Lý do đồng Nhân dân tệ chịu nhiều áp lực

Trong những tuần tới, Nhân dân tệ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, đặt ra câu hỏi liệu Ngân hàng Trung ương có can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của họ, vốn đã suy yếu 4,7% so với đôla Mỹ kể từ đầu năm.

Hôm thứ Năm (29/6), một lần nữa đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng đôla Mỹ, trước đó đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng vào thứ Tư (28/6).

“Chúng tôi tin rằng mặc dù tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ có thể không ổn định trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai, đà mất giá sẽ dần yếu đi”, công ty Chứng khoán Đông Bắc (Trung Quốc) cho biết hôm thứ Năm.

 Ngân hàng trung ương Nga và Bộ tài chính nước này đã bán đồng Nhân dân tệ kể từ đầu năm khi đồng tiền này bắt đầu bù đắp cho sự thiếu hụt doanh thu do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Reuters.

Ngân hàng trung ương Nga và Bộ tài chính nước này đã bán đồng Nhân dân tệ kể từ đầu năm khi đồng tiền này bắt đầu bù đắp cho sự thiếu hụt doanh thu do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích cho biết sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu của đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ, cũng như chênh lệch lãi suất giữa hai nước.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho đến nay đã hạn chế can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối để ổn định đồng Nhân dân tệ.

Vào cuối ngày 30/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng "các biện pháp toàn diện và ổn định kỳ vọng" về tiền tệ. Cũng trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý, cơ quan này khẳng định sẽ "kiên quyết ngăn chặn rủi ro biến động lớn".

Ngoài ra, sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế trên phạm cách rộng rãi hơn, vì nhu cầu trong nước vẫn "chưa mạnh".

Động thái trên của PBOC được đưa ra sau thông tin được công bố sáng cùng ngày rằng hoạt động sản xuất của nước này đã bị thu hẹp lại trong tháng 6 còn các lĩnh vực khác cũng không tạo được động lực.

Sau tin tức trên, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua, so với đồng đô la Mỹ, đưa mức giảm trong quý này lên hơn 5%, theo Bloomberg. Mức giảm này chỉ còn cách mức đáy trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11 chưa đến 1%.

Công ty Chứng khoán Đông Bắc cho biết thêm, PBOC cũng có thể tăng tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối của các ngân hàng, cũng như phát hành tín phiếu trên thị trường Nhân dân tệ ở nước ngoài, để ngăn chặn kỳ vọng rằng đồng tiền này có thể giảm hơn nữa.

Trong khi đó, khi Trung Quốc thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế nhiều hơn, các nhà xuất khẩu ở nước ngoài cũng đã bán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để đổi lấy các loại tiền tệ có thể chuyển đổi nhiều hơn, chẳng hạn như đồng đô la Mỹ và đồng euro, khiến đồng nội tệ mất giá hơn nữa, các nhà quan sát cho biết.

Kể từ năm 2023, Ngân hàng trung ương Nga và Bộ tài chính nước này đã bán đồng Nhân dân tệ khi đồng tiền này bắt đầu bù đắp cho sự thiếu hụt doanh thu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt quan trọng.

Đầu tháng này, Bộ tài chính Nga cho biết họ sẽ bán ngoại tệ trị giá 3,6 tỷ rúp (42 triệu USD) mỗi ngày từ ngày 7/6 đến ngày 6/7, tăng khối lượng giao dịch hàng ngày so với tháng trước.

Bên cạnh đó, Moscow tuyên bố sẽ bán đồng Nhân dân tệ, thay vì đồng tiền các phương Tây “không thân thiện”, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng tiền Trung Quốc trong việc đảm bảo ổn định kinh tế ở Nga bất chấp lệnh trừng phạt.

Henry Chan, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cho biết Bắc Kinh có khả năng ổn định tiền tệ vì Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Suốt hơn một năm qua, đồng Nhân dân tệ đã chịu áp lực giảm giá, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Lãi suất ở Mỹ tăng đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng theo, vượt lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc, theo đó khuyến khích giới đầu tư toàn cầu bán ra trái phiếu định giá bằng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên, Nhân dân tệ vẫn duy trì xu hướng giảm trong tháng 6 này, ngay cả khi Fed tạm dừng việc tăng lãi suất sau 10 đợt tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái.

Đồng nội tệ suy yếu sẽ giúp ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc, vì làm cho hàng hóa của quốc gia này rẻ hơn đối với các đối tác thương mại lớn của nước này.

Tuy nhiên, tình trạng mất giá của Nhân dân tệ cũng đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có hoạt động kinh doanh quốc tế, bao gồm cả các doanh nghiệp bất động sản có mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, với các khoản nợ nước ngoài phải được thanh toán bằng USD.

Điệp Nguyễn (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-dong-nhan-dan-te-chiu-nhieu-ap-luc-post254478.html