Lý do đề xuất Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực sớm từ 1-7

Việc cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực sớm được đánh giá là sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản và đất đai.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ ngày 1-7-2024, thay vì từ ngày 1-1-2025.

Trước đó, tại Nghị quyết số 44 ngày 5-4, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này.

Phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai

Theo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở là hai đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hai luật này là nền tảng để thực thi chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội của cả nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở 2023 cũng có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, trong đó có chính sách về nhà ở xã hội, phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 đã luật hóa một số quy định của Nghị định hiện hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để nâng cao hiệu lực pháp lý và bổ sung một số quy định đặc thù, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho vấn đề cải tạo chung cư cũ. Ảnh: P.D

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng có nhiều nội dung mới như công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; hợp đồng trong kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản và môi giới bất động sản...

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 388/2023 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Chính vì vậy, đẩy thời gian Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai hiện nay cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực sớm vào ngày 1-7-2024. Việc có hiệu lực sớm của Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng…

Tháo gỡ sớm vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp

Để thực hiện đề xuất trên, Bộ Xây dựng đã có báo cáo đánh giá tác động về việc đề xuất có hiệu lực sớm hoặc giữ như quy định hiện hành.

Trường hợp giữ nguyên thời điểm có hiệu lực từ 1-1-2025, đối với Nhà nước sẽ kéo dài thời gian đưa các nội dung, chính sách đổi mới về chính sách nhà ở, kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, giảm khả năng tiếp cận chính sách mới về nhà ở, kinh doanh bất động sản cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, sản xuất kinh doanh; chậm tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp sẽ kéo dài việc tiếp cận chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, chậm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhà ở hạn chế tiềm năng, nguồn lực nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh đang được thi công. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Về phía người dân, luật có hiệu lực muộn hơn sẽ khiến chậm tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh; chưa khắc phục những hạn chế về tiếp cận nhà ở, kinh doanh bất động sản, thủ tục hành chính đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành hai luật.

Trong khi đó, nếu cho phép thi hành sớm hai luật vào ngày 1-7-2024 thì sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến nhà ở, bất động sản, đất đai của doanh nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản và nhà ở phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai.

Còn đối với người dân, tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận nhà ở, bất động sản, thực hiện thủ tục hành chính.

N. NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-de-xuat-luat-nha-o-2023-luat-kinh-doanh-bds-2023-co-hieu-luc-som-tu-1-7-post788432.html