Lý do chuyến thăm Hy Lạp của Thủ tướng Ấn Độ 'gây chấn động'?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hy Lạp sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Hy Lạp sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg từ ngày 22-24/8. (Nguồn: Twitter)

Theo Wion, chuyến thăm đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hy Lạp. Thủ tướng Ấn Độ gần đây nhất đến thăm Hy Lạp là bà Indira Gandhi vào năm 1983.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tới Athens vào năm 2021 đã đặt nền móng cho việc tăng cường cam kết giữa hai nước, nổi bật là lễ khánh thành bức tượng Mahatma Gandhi ở thủ đô nước này.

Hai bên đã ký kết Thỏa thuận khung về Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA), phản ánh cam kết chung đối với sự phát triển bền vững. Quốc hội Hy Lạp đã phê chuẩn thỏa thuận này vào tháng 3/2022.

Hợp tác quốc phòng song phương đang trên đà phát triển. Không quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận không quân đa quốc gia INIOCHOS-23 do lực lượng Không quân Hy Lạp đăng cai. Tương tự, tàu INS Chennai của Hải quân Ấn Độ tiến hành diễn tập hành trình với tàu Hải quân Hy Lạp Nikiforos Fokas trong chuyến thăm Vịnh Souda, Crete. Đáp lại, lực lượng Không quân của Hy Lạp đã được mời tham gia các cuộc tập trận của Không quân Ấn Độ vào tháng 9 tới.

Thông tin về chuyến thăm Hy Lạp của Thủ tướng Narendra Modi phủ sóng rộng rãi trên truyền thông Ấn Độ những ngày gần đây. Theo Greek City Times, sở dĩ chuyến thăm "gây chấn động" báo chí đất nước sông Hằng bởi thực tế rằng Athens, không giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, liên tục ủng hộ quan điểm của New Delhi về Jammu và Kashmir trong nhiều thập kỷ.

Việc Hy Lạp ủng hộ Ấn Độ tranh cử một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng thể hiện lợi ích chung của hai nước trong các vấn đề toàn cầu.

Điều tương đối ít được biết đến là sau các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào tháng 5/1998, khi hầu hết các nước phương Tây đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt chống lại Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp đã đến New Delhi vào tháng 12/1998.

Đây là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của một quốc gia NATO đến thăm Ấn Độ sau các vụ thử hạt nhân kéo theo sự chỉ trích từ quốc tế cũng như các lệnh trừng phạt. Hai bên ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.

Athens cũng đã ủng hộ sự tham gia của New Delhi tại Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) vào năm 2008 và vào năm 2016, Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), Thỏa ước Wassenaar (WA) và Nhóm Australia (AG).

Hiện ước tính cộng đồng người Ấn Độ tại Hy Lạp có khoảng 13.000 đến 14.000 thành viên, đóng vai trò là cầu nối giữa hai quốc gia.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-chuyen-tham-hy-lap-cua-thu-tuong-an-do-gay-chan-dong-238363.html