Lưu ly với “Giấc mơ cổ tích”

Mai Văn Hoan

(Cadn.com.vn) - Khi đọc tập thơ đầu tay của Lưu Ly, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trân trọng “đặt Bốn mùa yêu lên ngực mình để nghe tiếng đập của trái tim một loài hoa”. Còn nhà văn Trần Thùy Mai lắng nghe Gọi em ở cuối thiên đường lại dẫn người đọc vào một khu vườn “luôn vang vọng một tiếng gọi thu hút không thể nào cưỡng lại”. Sau một thời gian giấu trong thầm lặng, Lưu Ly lại tiếp tục cho ra mắt tập thơ mới Giấc mơ của trái tim em (NXB Hội Nhà văn, 2016). Đó là “giấc mơ cổ tích” của một tâm hồn đa cảm, luôn khao khát được yêu, luôn tin tưởng và không nguôi hy vọng.

Trong một bài viết trước đây của mình, tôi đã từng bày tỏ niềm cảm phục trước sự bạo dạn và chân thật của cây bút trẻ có cái bút danh rất dễ thương: Lưu Ly! Việc công bố chuyện tình riêng tư của mình trước bàn dân thiên hạ là điều mà nhiều phụ nữ ở lứa tuổi của chị không dám làm nếu không đủ dũng cảm và tự tin. Tuy không còn mạnh mẽ như thời Bốn mùa yêu, không còn ví mình như “ngựa hoang lạc đàn”, nhưng niềm khát khao được yêu thì hình như vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim đa cảm của nữ thi sĩ. Nhân vật trữ tình đã từng gặp một người đàn ông “lý tưởng”. Chị thành thật thú nhận: người ấy đã bước vào đời mình rất đỗi nhẹ nhàng, rất đỗi tình cờ mà “làm xáo trộn bao điều đã sắp xếp từ lâu”. Bao năm trời trôi qua mà mối tình thầm lặng ấy vẫn cứ thổn thức trong lòng. Nhân vật trữ tình vẫn không thể quên được hình bóng người ấy. Chị luôn băn khoăn, trăn trở: “Anh có nhớ em không?” (Anh đã yêu em như thế nào?). Nhân vật trữ tình cầu xin: Cho em “một mùa”, cho em “một giờ”, rồi cho em “một phút”… song “câu trả lời vẫn ở phía xa vời” (Cho một tình yêu). Ngay cả khi biết chắc chắn người ta đã thay lòng đổi dạ nhưng chị vẫn chờ, vẫn đợi:

Em vẫn đợi anh – như một thói quen

Dù biết trái tim anh giờ hướng về phía khác.

(Đợi)

Trong Bốn mùa yêu, Lưu Ly từng cảm thấy mình “như chim gãy cánh”. Chị độc thoại:

Hãy để riêng em trái tim đơn lẻ

Cho hạnh phúc người - phương ấy - được nhân lên!

Giờ đây, dẫu thừa biết: “Bốn mùa đi rồi lại đến/ Tình yêu đến rồi lại đi”, nhưng nhân vật trữ tình vẫn thích được yêu trộm, nhớ thầm. Bởi hơn ai hết, chị ý thức sâu sắc rằng: “tình yêu bao giờ cũng là điều diệu ảo”. Với trái tim đa cảm và luôn khao khát được yêu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn thấy “những con chữ ủ mầm lên nỗi nhớ”. Lưu Ly vẫn “vắt kiệt trái tim mình” cho “giấc mơ cổ tích”. Để rồi chị lại tiếp tục nếm trái đắng của mối tình vô hy vọng:

Cuối cùng

Em vẫn là người nằm ngoài trái tim anh

Tự thắp dối lừa lòng mình thêm lần nữa

Em không biết phải làm thế nào với vết dầu loang trên biển???

Vỡ ra từ trái tim mình !!!

(…Và những mùa đi)

Đây là cái kết của “giấc mơ cổ tích”:

Không còn mùa Thu rơi trong mắt em

Không còn gió gieo vào lòng nỗi nhớ

Anh đến rồi đi

Vô tình như thể…

Vết thương lòng năm tháng vẫn vẹn nguyên!

(Cuối cùng cho một giấc mơ)

Nhân vật trữ tình lại tiếp tục nhắn gửi với người đàn ông mà chị từng yêu tha thiết:

Nhưng làm thế nào anh hỡi

Để xóa đi một người – trong tận trái tim yêu.

(Giấc mơ cổ tích)

Nỗi đau của chị đã “lên men thành con chữ”, phổ thành những “đoản khúc” buồn:

Mưa như những đoản khúc không lời

Tan trong từng hơi thở

Rót vào lòng em nỗi nhớ

Miên man trong gió giao mùa…

So với thời viết Bốn mùa yêu và Gọi em ở cuối thiên đường, Lưu Ly ở Giấc mơ của trái tim em đã chững chạc hơn, vững vàng hơn, bản sắc hơn. Thơ chị không còn bị lây nhiễm, không còn bị vần điệu chi phối. Mặc dù đã trải qua bao nỗi cay đắng trên tình trường, chị không bao giờ đánh mất niềm tin:

Phía không anh – Mùa Đông đang gõ cửa

Màu hạnh phúc ngời lên từ cuối chân trời…

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_155726_luu-ly-vo-i-gia-c-mo-co-ti-ch-.aspx