Lưu giữ những lũy tre làng̣

Từng có một thời, nói về làng quê, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh lũy tre làng. Giờ đây, hình ảnh ấy đang dần vắng bóng ở Hải Dương...

Khung cảnh bình dị, hữu tình được tạo nên bởi bụi tre và chiếc vó bè bên cạnh bờ sông ở nông thôn Hải Dương giờ rất hiếm

Theo thời gian, cây tre - một trong những biểu tượng văn hóa tiêu biểu của làng quê Việt Nam đang dần vắng bóng. Song tại Hải Dương, hình ảnh, giá trị về loài cây này đang được một số người dân và cơ quan gìn giữ.

Để nhớ một thời

Trước lối đi dẫn vào ngôi nhà khang trang của ông Nguyễn Văn Khánh ở thôn Bùi Xá, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) có một bụi tre đã tồn tại hơn 1 thế kỷ. Phía trong vườn nhà ông còn có 2 bụi tre khác cũng trồng được mấy chục năm. Bao năm qua, sức sống của những bụi tre này vẫn cứ tiếp diễn trước sự chăm chút của ông Khánh. Những gốc tre già lụi tàn lại có những cây măng đội đất vươn mình đón ánh sáng. Thỉnh thoảng, ông Khánh chặt tỉa những cây tre trưởng thành làm giàn bầu, giàn mướp, chuồng nuôi gà, vịt. Mùa hè đến, ông lựa những cây tre tốt nhất mang về vót diều cho các cháu thả chơi giữa đồng.

Bà con hàng xóm nhiều lần khuyên phá bụi tre cho cảnh vật phong quang nhưng ông Khánh đều lắc đầu từ chối. Dù giá trị cây tre đem lại không còn nhiều như xưa nhưng với ông nó chất chứa biết bao kỷ niệm. “Bụi tre do ông nội tôi trồng, bố tôi gìn giữ và giờ là đến tôi. Ngày xưa, xung quanh nhà, ngoài đường đâu đâu cũng thấy tre, giờ chỉ còn lại vài bụi này nên tôi không nỡ phá. Cây tre đã làm ra không biết bao nhiêu vật dụng góp phần nuôi sống gia đình tôi. Tôi bảo các con sau này nếu có muốn phá đi thì hãy đánh mống về trồng trong vườn nhà để làm kỷ niệm, chỉ dạy cho lũ trẻ biết và trân trọng”, ông Khánh bộc bạch.

Ngoại trừ ngoài bờ sông, bãi đất trống chưa được sử dụng thì tre còn tồn tại rất ít ở trong cộng đồng dân cư thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hải Dương. Ở nhiều làng quê trong tỉnh, người ta thậm chí chẳng còn nhìn thấy bóng dáng của cây tre vì quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Thật may vì còn có những người như ông Khánh.

Bụi tre đã tồn tại hơn 1 thế kỷ được ông Nguyễn Văn Khánh ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) bảo tồn, lưu giữ

Tới một số địa phương ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, tôi ấn tượng khi nhiều gia đình dù đã xây dựng nhà to đẹp ngay cạnh đường lớn nhưng vẫn bảo tồn bụi tre gắn liền từ thuở ấu thơ. Vài gia đình sống cạnh quốc lộ 37 đoạn qua chợ đầu mối nông sản Hải Dương xây tường gạch bao quanh gốc tre trước cổng, đặt thêm bộ bàn ghế uống nước phía dưới làm nơi ngồi bán hàng, nghỉ ngơi. Một hộ dân ở thôn Liên Đông, xã Hồng Quang (Thanh Miện) dù đã giàu có nhưng vẫn giữ chiếc vó bè đặt cạnh bụi tre gần bờ sông cách cổng nhà vài bước chân để nhớ về một thời gian khó đã qua…

Ngay cả trong lòng TP Hải Dương cũng có một số ít người còn lưu giữ những gốc tre đã gắn liền với họ cả đời. Ngay đầu ngõ 443 đường Điện Biên Phủ có một bụi tre già vẫn ngày ngày chứng kiến từng dòng người, xe cộ, tàu hỏa qua lại tấp nập. Phía dưới gốc tre này, một cụ bà thi thoảng vẫn ngồi bán nước chè cho những người chạy xích lô, xe ôm. Người dân sống trong ngõ bảo chủ của bụi tre này là một cặp vợ chồng đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Họ đã chuyển đến phố khác sinh sống, phần lớn diện tích đất đã xây dựng cửa hàng cho thuê nhưng kiên quyết không cho ai phá bụi tre. Bà Nguyễn Thị Tám hằng ngày đạp xe đi chợ qua bụi tre này chia sẻ: “Ngày xưa khu vực này nhiều tre lắm. Người dân khai thác làm đủ thứ đồ dùng, vật dụng. Nay chỉ còn mỗi bụi tre này nên nó chẳng khác nào một nhân chứng sống về một thời khó khăn, vất vả đã qua”.

Trong khi nhiều quán xá nội thành hướng tới thiết kế không gian mới lạ để hút khách thì quán cà phê Smile view coffee (số 2 Nguyễn Trác Luân) lại lưu giữ và biến bụi tre khá to có từ mấy chục năm trước làm điểm nhấn. Cùng những người bạn trung niên tới đây thưởng thức cà phê, ông Nguyễn Xuân Bắc nói: “Cảm giác thật yên bình. Không gian này cho tôi phần nào có cảm giác được sống lại những ngày tháng cùng bố mẹ, anh chị em sống ở vùng quê nghèo nhưng giàu tình cảm”.

Không gian bếp Việt xưa tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều loại vật dụng làm từ tre

Lang thang tìm hiểu về những người còn quan tâm lưu giữ tre, tôi – một người thuộc thế hệ 8X, từng sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó ở huyện Tứ Kỳ cũng không khỏi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày đã qua. Thế hệ như tôi trở về trước nếu sống ở quê thì cây tre quá đỗi thân thuộc. Tre có nhiều loại nhưng ở quê tôi hay những vùng quê lân cận thường phổ biến có tre ta (thân nhỏ, cứng, rắn chắc) hoặc tre bương (thân to, ruột rỗng, cật cứng) và tre vân (loài tre mọc thấp, chỉ thích hợp làm tường rào xung quanh nhà). Tre ta, tre bương sống thành lũy cao lớn hai bên ven đường, trong vườn nhà, ngoài triền đê… Tre thân thuộc với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, có vô vàn tác dụng mà ít loài cây nào sánh được. Ông nội tôi kể ngày xưa trong chiến tranh, những lũy tre ken dày xung quanh làng kết hợp hào sâu làm cản đường di chuyển của quân thù, tạo nên thế phòng thủ vững chắc. Thân tre được sử dụng làm gậy, nỏ, cung tên, bàn chông bẫy quân thù, gậy hành quân của bộ đội…

Thời xưa, người dân dùng tre làm nguyên liệu chính trong xây dựng bếp, nhà, lều, chõng, giường, thang, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, bắc cầu, làm thuyền đánh bắt cá. Tùy vào đặc điểm, các giai đoạn phát triển của từng loại tre mà nhân dân kết hợp với các loại cây, dây khác để sáng tạo ra hàng loạt vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất như: bắp cày, tay bừa, giậm, giỏ, gầu tát nước, rổ rá, thúng, mủng, nia, giần, sàng, lồng bàn, bàn ăn, chạn bát, đũa, tăm, mành tre cửa, lạt buộc; cối xay gạo, cán cuốc, thuổng, vồ đập đất, néo đập lúa, quang gánh, đòn gánh; nơm bắt cá, rỉu bắt tép, chổi quét sân, vây chăn vịt, vỉ đập ruồi và châu chấu, bẫy chim, cò, điếu. Ngay cả phoi (ruột tre) trong quá trình vót để làm các đồ dùng cũng được sử dụng làm đồ rửa bát.

Dân ta xưa còn lựa những cây tre đực loại nhỏ, thân gốc xù xì về làm gậy cho người già. Lũ trẻ con chúng tôi hay dùng tre làm diều để thả mỗi dịp hè, lấy tay tre chặt khúc chơi chuyền, lại dùng nõn tre kết thành vòng đeo tay, đeo cổ... Cứ đến mùa, mẹ tôi lại lựa những gốc măng ngon nhất mang về muối giấm ớt, thi thoảng lắm mới có điều kiện nấu với thịt vịt ta thơm lừng khắp xóm. Bà nội tôi dùng lá tre với lá bưởi, hương nhu, sả, bạc hà, vỏ quế nấu làm thuốc giải cảm, chữa xoang.

Ngày nay, tre chủ yếu được sử dụng ở các làng nghề mây tre đan, thủ công mỹ nghệ. Tre được trồng để chắn sóng ngoài bờ sông. Bà con nông dân ở nhiều nơi vẫn sử dụng tre để làm móng nhà, làm giàn cho bầu, bí, mướp…

Một bụi tre ở đầu ngõ 443 đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) tồn tại nhiều năm nay

Giáo dục truyền thống

Tạp chí Văn nghệ Hải Dương tháng 6.2022 có đăng bài “Cây tre” của nhà sử học Tăng Bá Hoành phân tích khá kỹ về loài cây này. Theo tác giả bài viết, trong các di chỉ khảo cổ học, người ta đã thấy dấu vết tre đan trên đồ gốm thời tiền sử. Trong những mộ cổ cuối văn hóa Đông Sơn đã thấy tre kết như vạc giường, tạo thành quan tài, hình thức mai táng này còn mãi đến năm 1945… Trong bộ đồ chơi và tín ngưỡng dân gian từ cây nêu, cành phan, ống sáo, cầu thùm, cây đu, cà kheo đều làm từ tre. Ống đựng sớ, thần tích ở đình làng cũng làm từ ống vầu già, tiện rồi sơn, tồn tại vài thế kỷ… Trong kháng chiến chống quân Nguyên, thương là vũ khí được dùng phổ biến vì có cán dài, mũi nhọn, lưỡi sắc. Nguyễn Chế Nghĩa lập công lớn bằng loại thương này, sau làng Cối Xuyên (Gia Lộc) có lệ đánh côn bằng tre đầu xuân thay cho thương để giữ truyền thống đánh giặc của ông cha. Trong kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên, Anh hùng Núp bao lần diệt Pháp bằng tên tre… “Lợi ích của cây tre như vậy nên nó sớm đi vào văn học, nghệ thuật như: ca dao, tục ngữ, sự tích, thơ văn, nhạc họa, kiến trúc, điêu khắc… Tre phát triển phi thường trong mọi môi trường của đất nước, mang lại biết bao lợi ích mà bao thế hệ người Việt nương nhờ bóng mát của cây tre để tồn tại và phát triển”, nhà sử học Tăng Bá Hoành viết.
Việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của cây tre đã được một số đơn vị liên quan chú ý. Từ nhiều năm nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã dày công sưu tầm các loại dụng cụ gia đình, nông cụ làm từ tre. Trong khuôn viên, đơn vị cho trồng 2 khóm tre, đồng thời đã phục dựng lại “Không gian bếp Việt xưa”, “Nhà ở của ông Phạm Sỹ Ý” (ngôi nhà đại diện cho tầng lớp trung nông thế kỷ XIX) với rất nhiều hiện vật được làm từ tre. “Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức được hai chuyên đề giới thiệu về nông cụ và nghề truyền thống, trong đó đa số các hiện vật đều liên quan đến cây tre. Các sự kiện này đã thu hút một lượng đáng kể nhân dân, du khách tới tham quan, tìm hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ”, chị Lê Thị Thủy Ngọc, Phó Trưởng Phòng Trưng bày Bảo tàng tỉnh thông tin.

Quán cà phê Smile view coffee trở nên gần gũi, thanh bình nhờ bảo tồn, lưu giữ được bụi tre

Tại đền Bia, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng đã trồng một dãy hơn 100 cây tre, hiện đã cao khoảng 2,5 m. Việc trồng tre không chỉ có mục đích tạo cho không gian di tích thêm gần gũi mà còn góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến cây tre, để giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Đơn vị đã và đang sử dụng tre để trang trí trong khuôn viên di tích, tái hiện Trường thi hương trấn Hải Dương thế kỷ XIX…

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/luu-giu-nhung-luy-tre-lang-230462