Lưu giữ nét trung thu truyền thống của người Hà thành

Trong ký ức trẻ thơ của biết bao thế hệ người Việt, tò he là món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người trên mọi miền Tổ quốc. Nhìn những hình thù ngộ nghình, nhiều màu sắc, bất chợt trong ai mọi ký ức thơ ngây chợt ùa về!

Mỗi dịp rằm tháng Tám, tò he trở thành như một phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu truyền thống của người Hà Nội. Ảnh: Lê Trang

Vào những dịp lễ Tết, hội hè thì tò he lại nghiễm nhiên trở thành mặt hàng đắt giá, là lựa chọn của nhiều gia đình và là món quà không thể thiếu được của con trẻ. Đặc biệt mỗi dịp rằm tháng Tám, tò he trở thành như một phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu.

Dù rất yêu thích và ấn tượng với tò he, nhưng khi biết “quê hương” của món đồ chơi dân gian này có nguồn gốc từ Thủ đô sẽ khiến không ít người cảm thấy bất ngờ và thú vị khi biết món đồ xuất hiện trên khắp các miền quê, bản làng, ngõ phố lại được hun đúc từ mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Theo đó, tò he (còn được gọi là con giống bột), là một nét văn hóa dân gian, một loại đồ chơi dân dã, có thể ăn được. Nơi có truyền thống nặn tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo chia sẻ của các nghệ nhân của ngôi làng này về cách làm thì nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo được trộn đều theo tỷ lệ 10 phần gạo, một phần nếp, ngâm nước rồi xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay.

Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt với bốn màu cơ bản được sử dụng là vàng, đỏ, đen, xanh, có nguồn gốc từ thực vật. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những thúng bột nếp ngũ sắc vô tri vô giác, biến chúng thành những con tò he có hồn cốt với đủ hình thù phong phú...

Từ các nhân vật cổ tích, lịch sử như hình tượng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, cá chép cong mình vượt vũ môn, chú trâu thong dong gặm cỏ hay các hình thù đặc mang đậm dấu ấn cá nhân, các nghệ nhân đã khiến các tạo hình chứa đựng trong đó những nhân sinh quan, lối sống hiền hòa, gắn liền với cây cỏ thiên nhiên của người Việt hòa trong nét văn hóa độc đáo của người dân.

Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại hoa lá, trái cây… mà còn nặn thêm các hình thù, nhân vật hiện đại được trẻ con yêu thích như: siêu nhân, người nhện, Doraemon, Bạch Tuyết, Esala, Tôn Ngộ không, Trư Bát Giới...

Trước sự phát triển của đời sống xã hội, đã có những giai đoạn, món đồ chơi dân gian tò he tưởng chừng mai một, lép vế giữa “kinh đô” đồ chơi nhập ngoại, trở nên “nhạt nhòa” trước những cô búp bê xinh đẹp, lộng lẫy; hay những cỗ xe đồ chơi điện từ đủ màu sắc, kiểu dáng… thu hút mọi trẻ em thì nay, tò he đang hồi sinh và phát triển rực rỡ trên quê hương Xuân La, Hà Nội.

Trong sự phát triển không ngừng của cuộc sống hiện đại, kéo theo nhu cầu hưởng thụ và tiếp nhận của con trẻ em cũng ngày càng đa dạng, giữ muôn trùng các mặt hàng đồ chơi công nghệ đắt giá... thì vẫn còn rất nhiều em nhỏ bị thu hút bởi thứ đồ chơi dân dã mà dung dị mang dấu ấn và đậm đà bản sắc dân tộc. Việc chơi hay nặn tò he cũng rèn cho các em sự tập trung, khả năng quan sát, tìm tòi, đánh giá vật thể, đối tượng; đồng thời bồi dưỡng tình yêu của trẻ với trò chơi dân gian độc đáo, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ.

Mỗi dịp Trung thu về, giữa bạt ngàn những đồ chơi sắc màu, trên khắp phố phường Hà Nội hay các tỉnh, thành vẫn bắt gặp hình ảnh những quầy tò he cho thấy sức sống mãnh liệt và sự hồi sinh của những giá trị văn hóa truyền thống vẫn giữ một phần rất quan trọng trong nhịp sống hiện đại. Sự tồn tại những sản phẩm tò của làng Xuân La, cũng là cách thức bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống, trở thành một món quà tinh thần, khơi gợi những cảm xúc, ký ức tuổi thơ của biết bao người, không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng nao lòng, thu hút sự quan tâm, yêu mến của du khách quốc tế khi đến với Thủ đô được ngắm nhìn những nét riêng có đặc thù của Hà Nội.

Thùy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luu-giu-net-trung-thu-truyen-thong-cua-nguoi-ha-thanh-353836.html