Lưu giữ giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc

Sáng 21-11, UBND xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức trọng thể lễ Công bố quyết định đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố đối với Đình làng Hương Lam và Văn chỉ La Châu trong niềm tự hào, phấn khởi của các tầng lớp nhân dân địa phương.

Giám đốc Bảo tàng TP Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện trao Bằng công nhận 2 Di tích cấp thành phố cho xã Hòa Khương.

Ngôi đình trong ký ức

Theo các bậc cao niên, không ai nhớ chính xác tuổi của ngôi đình, nhưng từ lúc sinh ra họ đã thấy đình làng xanh rêu mái ngói. Đình xưa dẫu không còn nhưng ký ức về hồn cốt ngôi đình vẫn còn nguyên vẹn đâu đó trong trí nhớ của nhiều thế hệ dân làng.

Đình Hương Lam không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân mà còn là "địa chỉ đỏ" gắn liền với nhiều chiến công. Ngày ấy, cả xã Hòa Khương chỉ có 4 ngôi đình làng: Hương Lam, La Châu, Phú Sơn và Diên Sơn; trong đó, đình Hương Lam thuộc hàng "hoành tráng" nhất. Cái bề thế của đình Hương Lam ngày trước không chỉ vì tọa lạc trên mảnh đất rộng gần 1.000m2 trông ra cánh đồng mà còn ở lối kiến trúc cổ xây bằng gạch, cuốn vòm, lợp ngói âm dương vô cùng vững chãi… Năm 1945, đình là nơi tập họp dân làng đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền ở Tổng An Phước, kêu gọi thanh niên tòng quân cứu nước, là trụ sở các cơ quan của huyện, xã hoạt động, hội họp trong các cuộc kháng chiến và cũng từng giam giữ lính Nhật, tù binh Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng tiếp tục là nơi gắn liền với những chiến công, sự kiện lịch sử trong công cuộc giải phóng quê hương với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời". Năm 1969, do du kích thường xuyên đặt mìn đánh phá tuyến QL14B nhằm cắt đứt giao thông, ngăn chặn đường hành quân của địch, giặc Mỹ điên cuồng cày ủi, đánh sập ngôi đình để lấy đá vá đường; cùng với đó là thiên tai tàn phá nên ngôi đình chỉ còn trong ký ức…

Năm 2018, bằng nguồn vốn xã hội hóa, dân làng Hương Lam tái dựng mái đình nhỏ trên nền đất cũ với lối kiến trúc đơn giản, lợp tôn, tường xây để có nơi hương khói cho các bậc tiền nhân. Từ thực tế đó, năm 2022, UBND huyện đề xuất UBND thành phố phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng đình làng Hương Lam tại vị trí mới với diện tích nghiên cứu quy hoạch rộng 1.291m2; trong đó, xây dựng ngôi đình rộng 77m2, khối nhà phụ trợ rộng 33m2, sân đình rộng 718m2, diện tích trồng cây xanh rộng 211m2, diện tích còn lại là bãi để xe…

UBND H. Hòa Vang tổ chức khánh thành Văn chỉ La Châu được phục dựng, mở rộng trên nền đất cổ xưa.

Biểu tượng truyền thống hiếu học

Văn Chỉ La Châu được sáng lập, xây dựng cách đây hơn 170 năm, là biểu tượng văn hóa làng mang đậm bản sắc dân tộc và là hình thái "Văn miếu" cấp huyện để thờ Đức Khổng tử và các cao đệ của ngài gồm "Tứ Phối" và 72 hiền triết. Đây là nơi sinh hoạt tinh thần của tầng lớp văn thân, sĩ phu thuộc hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo; đồng thời là nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc tại địa phương. Người có công sáng lập là ông Đỗ Thúc Tịnh (1918 tại làng La Châu, mất năm 1862 và được an táng ở quê nhà). Ông thi đỗ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thân (1848). Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhân chuyến về thăm nhà, ông đã bàn thảo với thân hào, nhân sĩ trong Hội Tư Văn huyện xúc tiến xây dựng "Văn miếu" hàng huyện, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành. Ông là người chấp bút viết bài văn bia khắc dựng trước văn chỉ khi đang giữ chức Tri phủ huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, từ thời phong kiến suy tàn đến 2 cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, di tích gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng gạch và 5 văn bia. Rất may, trong số đó có 2 văn bia bị vỡ nhưng chữ viết trên bia còn nguyên vẹn, thể hiện thời gian xây dựng, trùng tu cũng như sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, thân hào địa phương. Năm 2015, Văn chỉ La Châu được trùng tu sửa chữa, xây mới nhà bia cùng sân hành lễ rộng 500m2 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách UBND H. Hòa Vang. Việc phục dựng Văn chỉ La Châu trên nền đất cổ xưa không chỉ đơn thuần là lưu giữ giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương trong thời đại mới, nhất là giáo dục truyền thống hiếu học cho người dân địa phương. Bởi họ không chỉ có nghĩa vụ trách nhiệm đối với các bậc cao niên ngày trước đã có công lập làng, giữ nước mà còn là cách hành xử đối với người trong quá khứ, giống như "cây có cội, nước có nguồn", làm người phải nhớ đến tổ tiên…

Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí chia sẻ, năm 2023, một trong những nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm của địa phương là phát huy giá trị di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn nhằm bảo tồn, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa địa phương. Theo đó, Văn chỉ La Châu đến nay đã được phục dựng, mở rộng; còn đình làng Hương Lam đang được thành phố, huyện đầu tư xây dựng tại vị trí mới với tính chất quy mô; đồng thời trùng tu, lưu giữ một phần "dấu tích" của ngôi đình cũ. Thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Khương tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, tạo những giá trị mới đích thực, tô đậm thêm truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương trong sự nghiệp đổi mới của đất nước hôm nay.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/luu-giu-gia-tri-lich-su-truyen-thong-cua-dan-toc-post286865.html