Lương y lưu truyền và gìn giữ nhiều bài thuốc hay

Lương y Trần Huy Thuấn, hội viên Hội Đông y Cẩm Phả - Quảng Ninh vốn xuất thân trong một gia đình truyền thống làm nghề thuốc. Vì thế mà ngay từ nhỏ ông đã mong ước lớn lên được nối nghiệp gia đình chữa bệnh cứu người.

Lương y Trần Huy Thuấn có cụ Nội và bà Nội đều bào chế các loại thuốc Đông Nam dược gia truyền để chữa bệnh cho bà con tại quê nhà. Vì thế mà ngay từ nhỏ, ông đã luôn mong ước, lớn lên sẽ nối được nghiệp của gia đình và tìm ra được nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh cho mọi người.

Năm 1990 ông nhập ngũ và tham gia học lớp quân y sau đó được phân công về Quân khu 3 ở Tiên Yên- Quảng Ninh. "Ngày đó thuốc còn khan hiếm nên ngoài kiến thức đã học, những bài thuốc của gia đình, tôi đã tìm tòi học hỏi thêm các bài thuốc, cây thuốc khác để chữa bệnh trong đơn vị".

Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, bố mất sớm, mẹ hay ốm nên ông Thuấn đã xin về địa phương để phục vụ. "Thời gian về quê hương tôi đi làm công nhân nhà máy cơ khí để phụ giúp gia đình nhưng trong trong tôi vẫn còn nguyên niềm đam mê các bài thuốc gia truyền"- Ông Thuấn chia sẻ.

Các loại cây thuốc nam sẵn có tại vườn để điều trị các bệnh thông thường

Các loại cây thuốc nam sẵn có tại vườn để điều trị các bệnh thông thường

Năm 1999 ông Thuấn quyết định theo học lớp lương y đa khoa tại trường cao đẳng Y tế Quảng Ninh và từ đó đến nay ông tham gia Hội Đông Y Cẩm Phả. Kể từ đó, ông luôn tìm tòi và phát huy các bài thuốc để chữa bệnh cho bà con trong vùng. "Bản thân tôi vừa bắt mạch, chữa bệnh vừa tìm tòi học hỏi, chắt lọc những tinh hoa của các bài thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh cho bà con"- Ông Thuấn chia sẻ thêm.

Theo ông Thuấn, việc gìn giữ và phát huy giá trị của cây thuốc Nam là vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điển hình như bài thuốc thuốc chữa đau dạ dày gồm mật ong và nghệ; Bài thuốc sử dụng lá bạc hà chữa đau răng; cây bông mã đề và râu ngô sử dụng đun làm nước uống chữa viêm đường tiết niệu; Bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan B bằng các loại thảo dược như: Cây lá gan, cà gai leo, nhân trần … Các loại thuốc Nam này đều rất dễ kiếm, an toàn khi sử dụng vì là các loại cây được lấy từ thiên nhiên.

Lương y Trần Huy Thuấn - Hội viên Hội Đông y Cẩm Phả - Quảng Ninh đang bắt mạch cho bệnh nhân.

Lương y Trần Huy Thuấn - Hội viên Hội Đông y Cẩm Phả - Quảng Ninh đang bắt mạch cho bệnh nhân.

Những bài thuốc ấy được ông phân loại thành từng nhóm với từng bài riêng. Ví dụ: 9 bài chữa bệnh về khớp xương, 7 bài chữa bệnh mẩn ngứa, dị ứng, 11 bài hỗ trợ chữa bệnh viêm gan B, v.v. Theo ông, đây là những bài thuốc đơn giản và dễ sử dụng trong các gia đình; có nguồn gốc từ thực vật, cây cỏ, thường gặp, hoặc những loại rau, cây ăn quả mình ăn uống hằng ngày.

Ông Thuấn tâm sự: " Bất kỳ bệnh nhân tìm đến tôi đều tư vấn tận tình và động viên tinh thần để họ yên tâm, kiên trì chữa bệnh. Tôi làm tất cả đều xuất phát từ cái tâm của một người thầy thuốc, được nhìn thầy người bệnh khỏe lại, nhìn thấy những nụ cười, những niềm hy vọng trong ánh mắt của mỗi bệnh nhân là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi".

Mỗi khi có bệnh nhân, ông trò chuyện ân cần, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, coi người bệnh như người thân trong gia đình. Thấm nhuần 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều y đức của Bộ Y tế và thực hiện lời dạy của Bác " Lương Y như từ mẫu", Lương y Trần Huy Thuấn không ngừng trau dồi kiến thức, tích cực học tập và làm theo gương Bác từ những việc nhỏ nhất.

Với đặc điểm có nhiều xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cộng thêm hệ sinh thái biển đa dạng, Quảng Ninh được đánh giá là nơi có nguồn dược liệu phong phú, đa dạng. Không những thế, từ xưa đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều lương y sinh sống trải khắp tỉnh với các bài thuốc quý…

Có thể khẳng định rằng, hệ thống y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Tại tuyến xã, hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đang ngày càng phát huy hiệu quả. Tất cả các trạm y tế đều có cán bộ được bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực này, có vườn giới thiệu cây thuốc nam dùng làm mẫu theo quy định của Bộ Y tế. Các cán bộ y tế đã hướng dẫn cho nhân dân biết và sử dụng các loại cây thuốc nam sẵn có tại địa phương để điều trị các bệnh thông thường. Nhiều trạm y tế đã sử dụng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và thuốc y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân…

Lê Hoa- K.Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luong-y-luu-truyen-va-gin-giu-nhieu-bai-thuoc-hay-16923092413532056.htm