Lương tối thiểu vùng chưa thể tăng vào 1/1/2024?

Trong 10 năm qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có 10 lần khuyến nghị Chính phủ tăng lương hoặc giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng. Gần đây nhất vào cuối tháng 7/2023, Hội đồng đã họp bàn về vấn đề này. Về việc tăng lương tối thiểu vùng vào 1/1/2024 tới đây, Hội đồng dự kiến họp bàn, thương lượng vào cuối tháng 11/2023, do đó việc tăng lương chưa thể thực hiện như dự kiến.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Ảnh minh họa: Ngô Sơn

Sau phiên họp ngày 9/8/2023, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 của cơ quan này là từ 5 - 6%.

Trình bày quan điểm tại phiên họp đó, ông Lê Đình Quảng đã dẫn số liệu kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện để cho thấy bức tranh đời sống của công nhân - lao động.

Kết quả khảo sát với gần 3.000 lao động ở 4 vùng với các loại hình DN, cho thấy 17,3% công nhân - lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an; 24,5% công nhân - lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ.

Vì thế, dù rất chia sẻ với những khó khăn mà DN đang phải đối mặt, ông Lê Đình Quảng vẫn bày tỏ kiến nghị mong muốn điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5 - 6%.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là rất chia sẻ với những khó khăn của DN, tuy nhiên người lao động là đối tượng dễ bị tổn thương và hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc tăng lương vừa là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt nhưng trước hết là bảo đảm người lao động duy trì mức sống tối thiểu.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra 2 - 3 phiên, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8/2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ, lạm phát tăng 4,74%.

Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của DN trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.

Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.

Ông Lê Đình Quảng cho biết, cơ bản nhiều thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận song các DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, vì vậy họ mong muốn lùi thời điểm xem xét điều chỉnh tiền lương để DN có điều kiện duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng đánh giá, đời sống DN còn khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động, tìm đơn hàng. Do đó, ông đề nghị chưa nên tăng tiền lương lúc này.

Theo ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luong-toi-thieu-vung-chua-the-tang-vao-112024-357008.html