Lương thấp, gây khó đủ điều

Thu nhập thấp, quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp chưa phù hợp khiến các trường học, đơn vị y tế khó tuyển dụng và giữ chân người lao động

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức sáng 17-10, ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay do tiền lương không đủ sống nên nhiều giáo viên (GV) phải làm thêm các công việc như bán hàng online, gia sư… để kiếm thêm thu nhập hoặc xin nghỉ việc, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Lương không đủ sống

Ông Lực cho biết thu nhập của GV trong 5 năm đầu, bao gồm cả lương và phụ cấp chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng/người. Đối với những người phải thuê trọ, sau khi trừ chi phí thuê nhà khoảng 3 triệu đồng thì chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/tháng, không bảo đảm cuộc sống nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình.

Trường đã tạo điều kiện để GV được làm thêm các công việc khác nhưng thu nhập hằng tháng vẫn không bằng lao động phổ thông (khoảng 8-10 triệu đồng/tháng).

Cũng theo ông Lực, lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng nhưng điều này chỉ mang ý nghĩa động viên, chưa theo kịp đà tăng giá hàng hóa và nhu cầu đời sống ngày càng cao của người lao động (NLĐ), do vậy nhiều GV không thể gắn bó lâu dài với nghề.

Cần có chính sách tiền lương hợp lý để đội ngũ nhân viên y tế an tâm làm việc và cống hiến Ảnh: MAI CHI

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP HCM), cho biết để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới và xu hướng chuyển đổi số, trường cần nhân sự cho một số vị trí đòi hỏi chuyên môn, không thể sử dụng GV kiêm nhiệm như nhân viên thiết bị, phòng thí nghiệm, công nghệ thông tin…, song rất khó tuyển dụng, do chính sách tiền lương quá bất cập.

Chẳng hạn, trong khi hệ số lương khởi điểm của GV là 2,34 (chưa kể phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên), thì hệ số lương của nhân viên văn thư chỉ 1,35 và không có khoản phụ cấp ưu đãi nào khác. Do vậy, khi cải cách chính sách tiền lương, cần quan tâm cả lực lượng GV lẫn đội ngũ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để họ yên tâm làm việc và cống hiến lâu dài.

Lương không đủ sống cũng là thực trạng đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực y tế. Ông Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho hay hiện nay, mức lương khởi điểm của bác sĩ đang được áp dụng bằng chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học là mức 1, hệ số 2,34 (khoảng 4,2 triệu đồng/tháng).

Điều này chưa hợp lý bởi để hành nghề, một bác sĩ phải trải qua thời gian đào tạo đại học trong 6 năm, sau đó phải trải qua 18 tháng thực hành tại bệnh viện. Ngoài ra, khi về công tác tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa, bác sĩ lại phải học thêm chuyên ngành, tham gia các khóa đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, tốn kém rất lớn. Do vậy, nếu áp dụng mức lương khởi điểm như hiện tại thì khó bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của bác sĩ.

Bất cập chính sách tuyển dụng, vị trí việc làm

Tại hội nghị, nhiều bất cập trong quy định hiện hành liên quan đến công tác tuyển dụng, bố trí vị trí làm việc cũng được các đại biểu thảo luận.

Ông Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ quy định "cứng" tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là nhân viên y tế cần đáp ứng đúng tiêu chuẩn trình độ của ngành tương ứng về vị trí việc làm đang khiến các đơn vị y tế gặp khó trong việc tuyển dụng nhân sự, đồng thời hạn chế việc thi tuyển đối với những lao động muốn tham gia thi tuyển. Với quy định này, các đơn vị y tế chỉ có thể tuyển dụng người đúng tiêu chuẩn trình độ, không thể tuyển người có trình độ cao hơn và phía NLĐ có trình độ cao cũng không thể tham gia ứng tuyển.

"Theo tôi, chỉ nên quy định mức sàn tiêu chuẩn tối thiểu, không nên quy định phải đúng tiêu chuẩn nhằm tạo cơ hội cho đơn vị thu hút đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao" - ông Hiếu đề xuất. Ông Võ Đức Hiếu cho biết quá trình xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị thời gian qua cũng phát sinh bất cập.

Cụ thể, căn cứ đề án vị trí việc làm năm 2020 đã được phê duyệt, bệnh viện đã tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng với 5 viên chức. Tuy nhiên, khi Thông tư 03 của Bộ Y tế ban hành thì tại cơ sở khám chữa bệnh không có chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng, bệnh viện buộc phải chuyển họ sang làm các vị trí mới như chuyên viên, y tế công cộng. Điều này gây lãng phí và không công bằng khi mà cử nhân y tế công cộng chỉ học 4 năm còn bác sĩ y học dự phòng phải qua thời gian đào tạo 6 năm.

Đào tạo, bồi dưỡng cũng gặp khó

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay việc thực hiện lộ trình nâng cao trình độ cho đội ngũ nữ hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật y sinh đạt chuẩn trình độ từ cao đẳng trở lên tại TP HCM cũng đang gặp khó khăn. Thành phố đang thiếu hụt lực lượng nhân viên y tế này, nên khi bố trí họ đi học để nâng cao trình độ thì việc thiếu hụt càng nghiêm trọng. Nên kéo dài lộ trình thực hiện đến năm 2030 để có thời gian đào tạo và các đơn vị y tế có điều kiện bổ sung nguồn nhân lực.

MAI CHI - HUỲNH NHƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/luong-thap-gay-kho-du-dieu-20231017201424927.htm