Lương Sơn - quê hương anh hùng

Trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Lương Sơn đã lập nhiều thành tích xuất sắc, có những đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo tư liệu của Đảng bộ huyện ghi lại, từ khi thành lập, Đảng bộ Lương Sơn đã lãnh đạo thành công các cuộc đấu tranh cách mạng, góp phần xứng đáng cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuối tháng 1/1947, chi bộ Đảng cơ quan huyện chính thức được thành lập. Đây là cơ sở Đảng đầu tiên, cũng là tiền thân của Đảng bộ huyện Lương Sơn ngày nay. Từ đây, mọi hoạt động trong toàn huyện đều do Huyện ủy lâm thời trực tiếp chỉ đạo. Trong những năm 1948 - 1950, Lương Sơn là địa bàn có đường giao thông liên lạc huyết mạch đi qua, nối liền khu III, IV, V và Nam Bộ với khu căn cứ địa Việt Bắc. Hàng năm, quân dân trong huyện đón tiếp hàng nghìn, hàng vạn cán bộ từ khu III, IV, V, Trung Bộ, Nam Bộ qua địa bàn huyện vượt đường 6 lên chiến khu Việt Bắc và ngược lại...

Từ giữa năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Hà Nội, Hà Tây và tỉnh Hòa Bình. Trước sự đánh phá của địch, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương đã làm tốt công tác tư tưởng, khẩn trương tổ chức ổn định đời sống cho Nhân dân, nhất là những gia đình bị thiệt hại. Huyện ủy, Ủy ban Hành chính huyện và một số đoàn thể huyện kịp thời động viên, chỉ đạo sớm khắc phục thiệt hại, có kế hoạch, biện pháp sơ tán vào nơi an toàn hơn. Cùng với đó, Đảng bộ và Nhân dân Lương Sơn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ động chiến đấu và phối hợp với bộ đội chủ lực cùng chiến đấu.

Đặc biệt, đêm 21/12/1972, phát hiện máy bay F111 của Mỹ bị trúng đạn ở Hà Nội, bay ra và rơi tại đồi Bù (xã Hợp Hòa cũ - nay là xã Cao Sơn), Huyện đội kịp thời chỉ đạo bộ đội và dân quân các xã khép chặt vòng vây, truy lùng, bắt sống giặc lái; bố trí các khẩu đội súng máy phòng không, phối hợp với súng bộ binh của dân quân mai phục, đón lõng ở các điểm cao trong khu vực đồi Bù, sẵn sàng đánh địch đến giải cứu phi công. Ngày 29/12/1972, địch huy động hàng trăm lượt máy bay chiến thuật ném bom đánh phá ác liệt xung quanh và một tốp trực thăng đổ bộ xuống đồi Bù giải cứu phi công... Các lực lượng của ta lập tức giăng lưới lửa phòng không dày đặc, đánh hất tốp phản lực ra xa, bắn rơi tại chỗ 1 trực thăng địch, bắt sống 2 tên giặc lái.

Thống kê trong kháng chiến chống Mỹ, toàn huyện có 7.452 thanh niên vào bộ đội, 35 hộ có 3 con, 234 hộ có 2 con đi bộ đội. Dấu chân của con em Nhân dân huyện Lương Sơn đã in trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc, vì tình đoàn kết 3 nước Đông Dương.

Tổng kết trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới, Nhân dân các dân tộc huyện đã tiễn đưa hàng nghìn người con lên đường làm nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ thống nhất đất nước, toàn huyện có 4.873 người có công với cách mạng, trong đó có 21 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 521 liệt sỹ (1 anh hùng lực lượng vũ trang); 151 thân nhân là bố, mẹ, vợ liệt sỹ; 370 người thờ cúng liệt sỹ; 193 thương binh, 105 bệnh binh, 1 người có công với nước; 265 người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 9 người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; 3.715 người hoạt động kháng chiến được thưởng huân, huy chương.

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, huyện Lương Sơn đều làm tốt hoạt động đền ơn - đáp nghĩa. Bên cạnh đó, huyện quan tân đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng chí Hoàng Việt Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy chia sẻ: Thế hệ chúng tôi luôn tự hào về truyền thống cách mạng, về những chiến công của cha ông đi trước đã dày công gây dựng bằng xương máu và đánh đổi cả tính mạng của mình để chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn luôn được các cấp, ngành của huyện triển khai bằng nhiều hình thức, hoạt động đa dạng, phong phú, hiệu quả, góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên, giúp thế hệ trẻ tự hào về lớp lớp cha ông đi trước, đồng thời, hiểu biết sâu sắc lịch sử chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân huyện nhà trong kháng chiến chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ thành quả cách mạng, nỗ lực học tập tốt để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Hông Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/169602/luong-son-que-huong-anh-hung.htm