Lương giáo viên: Nỗi lo chảy máu chất xám

Để giữ nhân lực trẻ, có chuyên môn cống hiến với cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tài chính là việc còn nhiều khó khăn...

PGS.TS Lê Minh Thống (ngoài cùng bên trái) cùng sinh viên tham gia hội thảo. Ảnh: NVCC

Mặc dù từ 1/7, chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng song nỗi lo chảy máu chất xám, thiếu nguồn nhân lực trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học vẫn luôn canh cánh trong lòng mỗi nhà quản lý. Bởi giảng dạy không đơn thuần cần chuyên môn mà phải có kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt…

Trăn trở giữ người tài

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018. Như vậy, mức lương khởi điểm của công chức, viên chức tăng từ hệ số 2,34 (khoảng 4,2 triệu đồng/tháng) lên 2,68 (hơn 4,8 triệu đồng/tháng).

Dù chính sách tiền lương mới có nhiều thay đổi và dành ưu tiên nhất định cho lĩnh vực giáo dục, nhưng để giữ nhân lực trẻ, có chuyên môn cống hiến với cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tài chính là việc còn nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS Lê Minh Thống - Phó Trưởng khoa Kinh tế - Kinh doanh, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, chính sách cải cách tiền lương mới sắp áp dụng là một trong những yếu tố để giữ chân người có chuyên môn tham gia công tác, giảng dạy. Tuy nhiên với mức lương này khó thu hút sinh viên giỏi ở lại công hiến, giảng dạy, nhất là hiện nay mức sống ở các thành phố rất cao và lĩnh vực giáo dục luôn yêu cầu phải đầu tư học tập để trau dồi kiến thức như các giảng viên lại càng khó.

“Với trường đại học công lập, chưa tự chủ tài chính, gần như tất cả chế độ, chính sách, tiền lương, thu nhập của người lao động phải theo quy định của Nhà nước; điều này rất khác với các trường tư, trường công lập tự chủ. Bởi những trường này được xây dựng cơ chế riêng để trả lương và thu nhập cho người lao động. Do đó, các trường sẽ chủ động hơn trong thu hút giảng viên” - PGS.TS Lê Minh Thống cho biết.

PGS.TS Lê Minh Thống nêu dẫn chứng, ví dụ cùng vị trí việc làm, nếu đang công tác tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, thu nhập hàng tháng của giảng viên khoảng 10 triệu đồng nhưng khi chuyển sang trường ngoài công lập, trường công đã tự chủ có thể xây dựng chính sách tuyển dụng nhân sự hấp dẫn sẽ nhận được mức lương khoảng 15 - 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, để tuyển dụng, các trường đại học công lập như Trường ĐH Mỏ - Địa chất phải xây dựng đề án vị trí việc làm và được Bộ GD&ĐT phê duyệt mới được tuyển dụng.

“Khoa Kinh tế - Kinh doanh có những giảng viên vào trường 10 năm nhưng lương vẫn chỉ được 7 - 8 triệu đồng/tháng; có những người là tiến sĩ học ở nước ngoài về cũng chỉ khoảng 8 triệu đồng. Vì vậy, hiện tượng chảy máu chất xám, xin chuyển công tác xảy ra không chỉ ở khoa mà còn cả trường.

Trên thực tế, để đào tạo được một giảng viên tốt, có chuyên môn không hề dễ dàng. Bởi không phải cứ có bằng cấp (chẳng hạn tiến sĩ) là có thể dạy được ngay, ngoài kiến thức họ phải có quá trình dài nghiên cứu, trải nghiệm tìm tòi, rèn luyện để có phương pháp giảng dạy và truyền đạt cho sinh viên”, PGS Lê Minh Thống nói.

Chia sẻ thêm ở góc độ là người quản lý khoa, PGS.TS Lê Minh Thống vô cùng lo lắng trước thực trạng chảy máu chất xám. Bởi nhà trường có giữ lại sinh viên giỏi đi chăng nữa nhưng mới ra trường chỉ làm trợ giảng, thu nhập không cao, sau đó phải học lên và rèn luyện bài bản mới đủ điều kiện giảng dạy. Khi đã có chuyên môn, kinh nghiệm… nhưng với mức lương đãi ngộ chưa tương xứng họ cũng có thể tìm bến đỗ mới. Bởi vậy, giữ người trẻ đang là thách thức lớn.

Ảnh minh họa ITN.

Bươn chải mưu sinh

Theo ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), chính sách tiền lương mới nhằm thu hút giảng viên trẻ, có năng lực chuyên môn đến và gắn bó với cơ sở giáo dục. Nhưng đây không phải là nhân tố quyết định. Bởi đối với người trẻ, yếu tố để gắn bó với công tác đào tạo chính là môi trường làm việc tốt, phù hợp chuyên môn, sở thích, cơ hội phát triển, mức độ thăng tiến…

Mức thu nhập ở đơn vị Nhà nước, nhiều người đã hình dung được do đó quan trọng nhất là tạo cơ chế, môi trường để đội ngũ muốn ở lại gắn bó (thu nhập chỉ là một phần trong nhiều yếu tố cộng lại). “Hiện với tiến sĩ trẻ giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học ngoài tiền lương có thể tìm thêm các đề tài nghiên cứu. Đó cũng là một cách để tăng thu nhập cho giảng viên ngoài giảng dạy. Song chúng ta cần nhìn nhận, chính sách tiền lương mới giúp thầy cô đỡ vất vả, bôn ba khắp nơi mưu sinh, từ đó sẽ yên tâm công tác hơn”, ThS Phùng Quán nói thêm.

Tương tự, PGS.TS Trần Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cần tạo điều kiện để các giảng viên có thu nhập tốt mới có thể toàn tâm, toàn ý công tác. Hiện giảng viên có nhiều cơ hội việc làm, phát triển; các trường đại học cũng có chế độ khuyến khích để giảng viên nghiên cứu các đề tài, bài báo để đăng trên các tạp chí uy tín được thưởng, đây cũng là cách để kiếm thêm thu nhập… trang trải cuộc sống.

Chính sách lương mới sẽ là một trong những yếu tố thu hút nhân lực trẻ có chuyên môn gắn bó với giảng dạy, cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đáng kể đối với giảng viên, nhất là người trẻ mới tốt nghiệp gắn bó ở lại công tác tại các trường đại học. Vì vậy, tôi mong Nhà nước, bộ ngành chủ quản của các trường đại học công lập, ngoài xây dựng chính sách tiền lương hợp lý thì tạo cho đơn vị một cơ chế để thu hút và giữ chân nhân lực trẻ ở lại. - PGS.TS Lê Minh Thống

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luong-giao-vien-noi-lo-chay-mau-chat-xam-post675493.html