Lùng Cúng vào xuân

Cái lạnh của mùa đông đã dần tan, gió nhẹ và mưa xuân đã lớt phớt bay, đào phai đã đua nhau khoe sắc. Từ vườn nhà đến nương đồi, cỏ cây thay áo mới nhú lộc, bung chồi… Xuân đã về với người dân trên bản Lùng Cúng - bản người Mông khó khăn nhất nhì của xã Nậm Có nhưng cũng là một trong những bản du lịch đẹp của huyện Mù Cang Chải.

Một góc bản Lùng Cúng.

>> Hội Tầu sừ của người Mông

Lùng Cúng nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, chưa có đường ô tô lên bản, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Bù lại, Lùng Cúng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đai, khí hậu đẹp, mát mẻ quanh năm - được du khách nước ngoài ví như Sa Pa thứ hai của Việt Nam.

Ở bản Lùng Cúng, đồng bào Mông còn giữ được cơ bản những nét văn hóa truyền thống, từ bản sắc văn hóa ẩm thực, trang phục, văn hóa trong nghi thức thờ cúng, đến nếp nhà và trong các sinh hoạt thường ngày...

Mỗi độ xuân về là mùa của tình yêu đôi lứa, là dịp để các chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu đi hội khèn, hội ném pao, hội đánh cù của bản. Ở Lùng Cúng, người dân thường trẩy hội xuân từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng.

Những ngày diễn ra hội xuân, Lùng Cúng không chỉ đẹp thơ mộng trong sắc hoa đào, hoa mận, trong màn sương sớm, khi các tia nắng đầu tiên lấp ló qua những đỉnh núi, rừng đào đầu bản khoe sắc thắm cũng là khi tiếng khèn của các chàng trai Mông réo rắt gọi bạn, tìm bạn hội xuân.

Trên bãi đất trống rộng thênh thang đầu bản, những thiếu nữ Mông duyên dáng, e ấp trong trang phục sặc sỡ hoa văn mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Mông lềnh với mũ truyền thống (hấu phủa), vòng cổ, hoa tai, áo hoa văn vẽ bằng sáp ong (so cùa giàng, so cùa sông), váy thêu hoa văn hình cái cây, ốc xoắn, hình chim bay, cá bơi, chân cuốn xà cạp xiên hạt cườm óng ánh...

Tất cả những trang phục và phụ kiện ấy đều tự tay các bà, các mẹ, các thiếu nữ chuẩn bị công phu trong cả một năm đợi tết về khoe sắc hội xuân. Trong hội xuân, hát giao duyên là sinh hoạt thu hút được sự tham gia của nhiều trai làng, gái bản. Khi tiếng khèn cất lên vang vọng, trầm bổng giữa đại ngàn cũng là lúc các chàng trai, cô gái trổ tài đối đáp.

Tiếng khèn của chàng trai Mông thánh thót: "Năm nay nhà anh đã dựng ngôi nhà to chưa ai ở / Đã cày mảnh ruộng lớn chưa ai cấy / Đã sắm con ngựa tốt chưa ai chăn... / Nếu em không chê vất vả / Không chê ngựa anh gầy thì hãy lên ngựa cùng anh về...”.

Tiếng hát cất lên đáp lời các cô gái mà rằng: "Em gặp anh trong ngày hội xuân / Em tung pao nếu anh bắt / Thì đôi ta gặp nhau hẹn hò Nguyện thề lời ước bên nhau trọn đời / Em sẽ về làm dâu mẹ anh / Mùa xuân em theo anh lên rẫy / Đông tới e may áo ấm cho anh...”.

Hòa cùng các hoạt động ngày hội xuân của bản với tiếng tỏ tình đôi lứa của các chàng trai là những tiết mục giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đội văn nghệ các bản thể hiện khát vọng về một năm mới hạnh phúc, một năm mới phồn thịnh. Lời ca, tiếng hát tiếp thêm động lực, sức sống mới cho dân bản, cho hoa đào trên núi cao càng thêm rực rỡ, hoa mậm hoa lê thêm sai cành trĩu trái.

Trong lễ hội đầu xuân còn có rất nhiều trò chơi sôi động như: ném pao, đánh quay, kéo co, đẩy gậy... Nếu như múa khèn được xem là tài năng, là bản lĩnh, là thước đo về sức khỏe, độ dẻo dai, khéo léo của các chàng trai Mông thì trò đánh quay là biểu hiện cho sức mạnh, sự tài hoa, tinh nhanh của các chàng trai Mông.

Còn với người con gái, thước đo về tài hoa, năng khiếu, sự đảm đang, chăm chỉ lại được nhìn nhận ở khả năng phối màu, độ chi tiết, tỉ mỉ, sắc nét của các hoa văn trên trang phục, ở lời ca, câu đối...

Mỗi độ xuân sang, nhiều trai làng, gái bản nên đôi nên lứa, nên duyên chồng vợ. Niềm tin sắt son với Đảng cùng ước nguyện về một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc chính là động lực để đồng bào Mông Lùng Cúng đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Châu Á

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/318288/lung-cung-vao-xuan.aspx