Lùi thời gian tăng học phí đại học: Giải pháp gỡ khó cho các trường

Mặc dù năm học mới đã bắt đầu gần một tháng nhưng hiện nay các trường đại học chỉ đưa ra mức học phí tạm thu cho học kỳ I năm học 2023 - 2024.

Trường thì tăng, trường lại giữ ổn định

Hiện nay, trong khi chờ Chính phủ đưa ra quyết định về học phí đại học (ĐH) năm nay, các trường đều thu học phí đa phần vẫn là tạm tính.

PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn dao động 23-29 triệu đồng một năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế dao động 25-90 triệu đồng, tương tự năm 2022. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thông báo sẽ sửa đổi Nghị định 81 về học phí công lập, nhà trường quyết định giữ nguyên mức thu học phí kỳ I như hai năm qua. "Từ kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, nhà trường vẫn thu như kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%".

Tương tự, học phí tạm thu kỳ I của Trường ĐH Bách khoa TP. HCM là 13,75-36 triệu đồng, tùy chương trình đào tạo. Mức này như năm ngoái, thấp hơn khoảng 10% so với dự kiến.

Trước đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM cũng thông báo dừng tăng học phí. Trường sẽ thu khoảng 10,6 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến. Mức thu mới tương tự năm học 2020-2021, đồng nghĩa bốn năm trường không tăng học phí.

Trường ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao cũng đưa ra mức tạm thu học phí kỳ I bằng năm ngoái.

Các trường đại học đều thông báo mức thu học phí là tạm tính trong khi chờ Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng về mức học phí năm học này. Ảnh minh họa

Trong khi đó, một số trường khác như Trường ĐH Thủ đô tăng 15 - 25% tùy từng ngành học so với năm học trước. Mức tăng này chưa đến trần học phí được quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ là tăng tối đa từ 30 - 53% tùy từng ngành học.

Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao và trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội. Tuy nhiên, nếu không có sự điều chỉnh về mức học phí thì các trường ĐH sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất…

Do vậy, đề xuất của Bộ GD&ĐT đó là vẫn tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng lùi lại 1 năm so với lộ trình tăng, có nghĩa là học phí của năm học này thu bằng mức học phí của năm 2022 - 2023 thay vì mức học phí của năm học 2023 - 2024 được quy định trong Nghị định 81.

Cách nào hỗ trợ các trường?

Nhiều trường ĐH từng bày tỏ việc không tăng học phí khiến các trường phải đối mặt với áp lực tài chính, khó cân đối thu chi cũng như thực hiện các kế hoạch chiến lược cho đào tạo, phát triển. Vậy làm thế nào để có được cơ chế tài chính bền vững cho giáo dục ĐH phát triển?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng các trường cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để tăng thu, giảm chi như tăng cường chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp...

GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến, theo Nghị định 81 và theo luật mới cũng phải xây dựng theo định mức kinh tế - kỹ thuật tức là tính đúng tính đủ để đảm bảo chất lượng đầu ra thì chúng tôi cũng đã thực hiện theo đúng lộ trình đấy. Năm nay lại dừng như thế nữa thì một năm nữa nhà trường lại tiếp tục không có nguồn kinh phí nào từ nguồn chi thường xuyên. Trong khi đó, mức thu học phí thì lại không có thì khó khăn nhân lên gấp đôi. "Với bối cảnh như vậy, rất mong Chính phủ cũng như các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT sớm có sự xem xét, thay đổi, sớm kịp thời điều chỉnh để làm sao tạo sự an tâm, vững tin cho cơ sở giáo dục đại học".

TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện nay, các trường công được Nhà nước cung cấp ngân sách để hoạt động. Tuy nhiên, năm vừa qua, việc chi cho giáo dục ĐH chỉ chiếm khoảng 0,27% GDP. Điều này khiến các trường khó thúc đẩy chất lượng.

Nếu nguồn thu từ sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng được khoản kinh phí đào tạo, các trường ĐH sẽ "hô hào" tìm kiếm tài chính từ các nguồn lực khác như: kêu gọi từ các nhà hảo tâm, các dự án đầu tư quốc tế, hoạt động nghiên cứu và lao động sản xuất…

Mức trần học phí với đại học công lập trong 4 năm tới do Bộ GD&ĐT đề xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bị cắt giảm, nguồn thu khác cũng không đáng kể nên buộc các trường phải tăng học phí để đảm bảo chất lượng, chiến lược đào tạo ổn định. Việc tăng học phí vô hình trung tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội. "Vấn đề mà các trường ĐH phải đặc biệt lưu tâm đó là cần tối ưu hóa chi phí. Khi các chi phí được tính toán, sử dụng hiệu quả tối đa, cắt giảm được những phần không cần thiết, nguồn thu sẽ dồi dào hơn".

Về phía Bộ GD&ĐT, nhìn nhận những khó khăn mà các trường ĐH đang phải đối mặt với quyết định không tăng học phí năm học này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra, đối với giáo dục ĐH, khoản thu từ học phí chiếm khoảng 50-90%. Trong điều kiện giá cả tăng, nguồn lực cho các cơ sở giáo dục ĐH không tăng trong 3 năm nay, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

"Để hỗ trợ các trường, Bộ GD&ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục ĐH, chưa thực hiện lộ trình tính giá vụ giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lui-thoi-gian-tang-hoc-phi-dai-hoc-giai-phap-go-kho-cho-cac-truong-16923092609220617.htm