Lục tìm ký ức

Được 'gặp gỡ' đồ cũ, gói ghém trong đấy còn có cả chữ duyên. Hữu duyên mà gặp. Vậy nên, với người chơi đồ cũ, món đồ nào cũng là kỷ niệm...

Ông Thái và những chiếc xe đạp đi cùng năm tháng.

Màu thời gian - giá trị cũ

Đồ cũ, đồ xưa với người chơi, đều là vô giá. Thậm chí, có những món đồ tưởng như đã bỏ đi lại trở nên giá trị với họ. Vậy nên, ở cuộc chơi này, họ đã có một cuộc hành trình đẹp với những giá trị cũ. Họ là những người hoài cổ, “đi tìm vẻ đẹp họ trót bỏ quên trong quá khứ”.

Hữu duyên, tôi được gặp ông Thái, một trong những người cũng có tiếng trong giới chơi đồ cũ xứ Thanh. Số 62, Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) là nhà của ông. Ngay gian ngoài căn nhà nhỏ, ông Thái “trưng bày” 5 chiếc xe đạp đời cũ, trong đó có 2 chiếc xe đạp Thống Nhất được ông treo trên tường. Ngoài ra, ông còn sở hữu chiếc Peugeot cá vàng đời 1979 của Pháp, Peugeot 1954... Tất nhiên, bộ sưu tập xe đạp của ông Thái không chỉ dừng ở con số 5 này, mà còn nhiều hơn thế. Trong suốt 35 năm với thú chơi, ông đã “rinh” về gần 30 chiếc xe đạp đời cũ ở trong và ngoài nước. Ngoài dòng xe Peugeot (Pháp) còn có Favorit, Eska (Tiệp Khắc cũ), Mifa (Đức). Ngoài xe đạp Thống Nhất thời bao cấp của Việt Nam, trong bộ sưu tập của ông Thái còn có xe đạp Hữu Nghị, Sông Mã.

Cặp lồng, đèn dầu... đã được anh Đỗ Kiên Cường cất giữ trong chiếc tủ thời gian.

Cuộc chơi nào cũng bắt đầu từ những đam mê. Thú chơi đồ cũ, “ngấm” vào người, bởi ông Thái muốn “sống” lại cùng những kỷ niệm đẹp đã qua. Ông “say” xe đạp vì trong ký ức của ông, chiếc xe đạp là tuổi thơ, là tình yêu của bố mẹ... Ông Thái nhớ lại: “Nhà tôi trước đây có một chiếc xe đạp Thống Nhất nam. Tôi thường được bố cho ngồi ở phần khung xe, dưới có lót một chiếc gối êm để tôi ngồi đỡ xóc. Phía sau là mẹ. Đi đâu, 2 mẹ con cũng được bố chở, rất bình yên, ấm áp. Sau này, do điều kiện gia đình khó khăn, chiếc xe đã bị bán đi. Đến năm 1989, khi 24 tuổi, sau khi rời quân ngũ, tôi bắt đầu tìm lại chiếc xe đạp Thống Nhất ấy. Cũng từ đấy, tôi ngược thời gian, tìm về những giá trị cũ”.

Những nhân vật hoài cổ mà tôi được gặp, trò chuyện đều đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Họ rong ruổi, miệt mài trong cuộc chơi của mình. Họ chọn đồ cũ, đồ xưa giữa những giá trị mới đang hiện hữu, phong phú, đa dạng. Phạm Hồng Chiến cũng là người như vậy. Chiến sinh năm 1979, ở phố Bắc Sơn, phường An Hưng (TP Thanh Hóa). Chiến cũng là người nổi tiếng trong giới chơi đồ cũ xứ Thanh. Anh thích sưu tầm đài, đặc biệt đài cassette. Đến nay, sau 20 năm “săn lùng”, Chiến đã có hơn 100 chiếc đài đời cũ, chủ yếu đến từ Nhật Bản như các hãng Panasonic, Sharp, Sony... Trong đó phải kể đến Sharp QT- 88, là một trong nhiều model của Sharp được nhập về Việt Nam ở những năm cuối thập niên 80 hay Sharp QT-27, Sharp GF-909... “Nói đến đài cassette, đó là câu chuyện của thời gian, đã rất cũ rồi. Tôi bị cuốn vào cuộc chơi âm thanh vì đó chính là một phần tuổi thơ tôi”. Anh Chiến kể. “Khi càng lớn tuổi, tôi càng muốn quay trở về những năm tháng đẹp đấy. Tôi gắn với những chiếc đài cũ, bắt đầu từ đâu ư? Có lẽ, từ chiếc Sony 1000s của bố tôi. Đây là chiếc đài được sản xuất từ năm 1987 tại Malaysia. Ông rất thích chiếc đài này. Bản thân tôi, nhân những lúc bố vắng nhà, thường lôi chiếc đài ra để nghịch và tìm cách “phá” nó, sau đó lại tìm cách “lắp” nó lại... Tôi đã quên chiếc đài một thời gian đấy là khi tôi đi học xa nhà. Năm 2003, lúc này tôi đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Trong một lần dọn đồ, tôi vô tình “gặp” lại chiếc đài cũ của bố. Ký ức ùa về. Tôi cũng về với cuộc chơi âm thanh từ đó, bên những chiếc đài đã nhuốm màu thời gian...”.

Cơ duyên

Những người hoài cổ thường có cách chơi riêng bởi họ luôn hướng về những giá trị cũ. Một cuộc chơi không bình thường! Nhiều người đã nghĩ như thế. Bởi ngay cả những món đồ đã được mang ra hàng đồng nát thì vẫn được họ mua về với một cảm giác như “bắt được vàng”. Đỗ Kiên Cường, sinh năm 1984, ở 45 đường Âu Cơ, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), người đang sở hữu nhiều đồ xưa đã nhiều lần với tâm trạng như thế. Ở nhà Cường có đặt một chiếc tủ kính mà như cách nói của anh, đó là chiếc tủ của thời gian, được rất nhiều người trong giới chơi đồ cũ mơ ước. Trong chiếc tủ đấy, Cường cất tem phiếu, giấy tờ thời bao cấp, những chiếc đèn dầu hay chiếc ăng-gô (cặp lồng), hàng Liên Xô cũ viện trợ trước năm 1975... Nhắc đến những hiện vật quý này, Cường cười giòn, khoe: “Thú chơi đồ cũ rất lạ, cứ thấy ai bán đồng nát hay hàng sắt vụn là phải liếc ngay để có cơ hội nhờ vả họ. Bởi họ chính là người mang cơ duyên đến cho những người chơi đồ cũ. Đồ cũ ở nhà tôi, phần lớn là nhờ vào những người bán đồng nát ấy”.

Một góc đồ cũ của anh Phạm Hồng Chiến.

Được “gặp gỡ” đồ cũ, gói ghém trong đấy còn có cả chữ duyên. Như Đỗ Kiên Cường nói: "hữu duyên mà gặp. Vậy nên, với người chơi đồ cũ, món đồ nào cũng là kỷ niệm"... Cũng như Đỗ Kiên Cường, anh Phạm Hồng Chiến, người đang sở hữu hơn 100 chiếc đài đời cũ thì có hơn 1 nửa trong tổng số đài này đã được mua ở hàng sắt vụn và những người bán đồng nát. Như chia sẻ của Chiến, ngay cả những chiếc đài không còn “sống” anh vẫn mua về để sửa chữa, giúp nó “tỉnh” lại. “Tôi cứ lang thang đến các hàng sắt vụn, hoặc gặp ai mách bảo, tôi cũng lên đường đi ngay. May, thì gặp chiếc đài còn nguyên bản, chỉ việc vệ sinh nó. Nếu nó im lặng thì cố gắng sửa cho sống lại. Không được thì chấp nhận để đấy, cất đi”, Phạm Hồng Chiến cho biết.

Có một điều đặc biệt, với những người chơi đồ cũ, như Chiến, không chỉ là sự hiểu biết về món đồ tìm được mà kiêm luôn thợ nghề. Cuộc chơi của âm thanh với những đồ cũ giúp Chiến nhận ra: Nếu nghe cassette sẽ để lại cảm xúc với chút hoài cổ hơn nghe một dàn loa chạy qua Youtube hay đĩa CD. Hay chơi Sharp không hay bằng National bởi National hơn ở cấu tạo và chất âm... Chiến nói: “Tôi là con người của thế hệ 7X. Tôi chơi đồ cũ vì tôi có kỷ niệm về nó nên “say” thôi. Thực ra cái cũ không thể bằng cái mới, vẫn có thể dùng thiết bị mới để nghe âm thanh xưa, vẫn hay nhưng sẽ không mang sự hoài cổ trong đấy...”.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/luc-tim-ky-uc/30466.htm