Lực lượng đặc biệt của Triều Tiên tinh nhuệ như thế nào?

Được đánh giá có sức mạnh chỉ sau vũ khí hạt nhân, đó là Lực lượng đặc biệt của Triều Tiên. Hiện nay lực lượng này dự kiến có quân số khoảng 200.000 nghìn người; được trang bị, huấn luyện tốt và tinh thần chiến đấu gan dạ.

Quân đội Triều Tiên hiện có lực lượng đặc biệt lớn nhất trên thế giới, với số lượng 200.000 nghìn người, gồm cả nam giới và phụ nữ; họ được đào tạo về chiến thuật đặc công, có thể hoạt động trên khắp các địa hình của đất nước. Đây chính là lực lượng phi đối xứng, đối với kẻ thù được trang bị hiện đại của họ.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã duy trì một quân đội có quy mô lớn, với mọi quân binh chủng, từ xe tăng đến bộ binh cơ giới, pháo binh, lực lượng dù và lực lượng đặc biệt.

Do khó khăn về kinh tế và cấm vận quốc tế từ sau thời kỳ chiến tranh Lạnh, Quân đội Triều Tiên đã phải đối mặt với sự lạc hậu về trang bị và thiếu hụt nguồn cung. Ví dụ về xe tăng của Triều Tiên, mẫu mới nhất là Phong Bão Hổ, dựa trên mẫu T-62 của Liên Xô cung cấp; khiến họ hoàn toàn thua kém các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc.

Đáp lại, Triều Tiên đã đề cao tầm quan trọng của các lực lượng đặc biệt. Hiện tại, Bình Nhưỡng duy trì 25 lữ đoàn và 5 tiểu đoàn lính đặc nhiệm; được tổ chức để đảm nhận các nhiệm vụ từ tấn công từ đường giới tuyến (DMZ), vào sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc và thực hiện các vụ ám sát.

Trong số hai trăm nghìn biệt kích của Triều Tiên, có khoảng 150 nghìn thuộc các đơn vị bộ binh hạng nhẹ, cơ động bằng sức người là chính. Nhiệm vụ của họ là xâm nhập qua các phòng tuyến của đối phương, để bao vây hoặc tổ chức các cuộc tấn công từ phía sau, vào lực lượng đối phương.

Địa hình đồi núi của Triều Tiên có lợi cho các chiến thuật như vậy, cũng như mạng lưới đường hầm, mà nước này đã đào xuyên qua DMZ ở một số nơi. Mười một trong số các lữ đoàn đặc biệt của Triều Tiên, thực chất là các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và trong các sư đoàn bộ binh, đều biên chế một tiểu đoàn đặc công.

Triều Tiên có ba lữ đoàn là đặc nhiệm đường không (38/48/58); nhiệm vụ của các lữ đoàn này giống với Sư đoàn dù 82, tiến hành các hoạt động chiến lược bao gồm các đợt đổ bộ đường không, chiếm giữ các địa hình và cơ sở hạ tầng quan trọng như các sân bay, các tòa nhà chính phủ Hàn Quốc, các tuyến đường quan trọng…

Mỗi lữ đoàn với tổng quân số là 3.500 người, được biên chế thành sáu tiểu đoàn đổ bộ đường không. Nhưng do thiếu phương tiện máy bay đổ bộ, nên các lữ đoàn đặc biệt của Triều Tiên, không có khả năng đổ bộ cấp tiểu đoàn trở lên; cũng như không thể hoạt động ngoài bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, Triều Tiên ước tính có tám lữ đoàn bắn tỉa, có trong biên chế của tất cả các quân chủng. Mỗi lữ đoàn bắn tỉa, có quân số khoảng 3.500 người, được tổ chức thành bảy đến mười tiểu đoàn bắn tỉa. Các đơn vị này thực hiện nhiều vai trò khác nhau và gần giống với Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ và Hải quân SEAL.

Các lữ đoàn bắn tỉa được đào tạo về trinh sát chiến lược và các nhiệm vụ bao gồm: ám sát, đột kích vào các mục tiêu cấp cao, các mục tiêu quân sự và kinh tế; phá hoại, phá vỡ hệ thống dự trữ của Hàn Quốc, bí mật vận chuyển vũ khí, tổ chức các hoạt động du kích chống chính phủ ở Hàn Quốc.

Những lực lượng này không sử dụng trang phục, vũ khí Quân đội Triều Tiên mà mặc quần áo dân sự, hoặc quần áo quân đội Hàn Quốc, thậm chí là quân đội Mỹ. Một lữ đoàn bắn tỉa của Lục quân, sẽ có một trung đội bắn tỉa toàn phụ nữ, quân số từ 30-40 người, được huấn luyện để tiến hành các hoạt động chiến đấu trong trang phục dân thường.

Lực lượng đặc biệt cuối cùng thuộc Cục Trinh sát quân đội, có biên chế khoảng bốn tiểu đoàn trinh sát độc lập. Lực lượng này được huấn luyện và tổ chức chặt chẽ; quân số một tiểu đoàn đặc biệt này khoảng 500 người.

Những đơn vị đặc biệt của Cục Trinh sát sẽ là những đơn vị đầu tiên vượt qua giới tuyến, khi có tình huống xung đột giữa hai miền bùng phát. Theo tình báo Mỹ, tiểu đoàn thứ năm của Cục này, được tổ chức cho các hoạt động ở nước ngoài.

Các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên thường hoạt động sau chiến tuyến của đối phương, phương tiện đưa lực lượng này đến đó rất đa dạng; nếu vượt qua đường giới tuyến DMZ có các đường hầm. Về đường biển, Bình Nhưỡng có khả năng đổ bộ 5.000 quân chỉ trong một lần, bằng các phương tiện từ tàu đổ bộ đến tàu ngầm và thậm chí là cả tàu dân sự.

Về phương tiện đổ bộ đường không, Triều Tiên có một đội bay khoảng hai trăm chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ An-2 đã rất cũ. Ưu điểm của loại máy bay này là có khả năng bay thấp và bay chậm, để tránh radar; mỗi chiếc An-2 có thể chở tới 12 lính biệt kích, hạ cánh trên những đường băng ngắn, hoặc nhảy dù xuống mục tiêu.

Triều Tiên cũng có một phi đội khoảng 250 trực thăng vận tải, hầu hết có nguồn gốc từ Liên Xô và một số trực thăng hạng nhẹ Hughes 500MD mua được của Mỹ. Nhưng để đổ bộ lực lượng đặc biệt đi xa, như tới căn cứ Okinawa của Nhật Bản, thì hiện tại Triều Tiên chưa có phương tiện.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, lực lượng đặc biệt của Triều Tiên có thể sẽ tổ chức hàng chục cuộc tấn công riêng lẻ trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc, từ DMZ đến cảng Busan phía nam. Liệu những lực lượng này có thể vượt qua các tuyến phòng thủ trên không và trên biển của Seoul hay không, lại là một câu hỏi khác.

Các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên đã phát triển từ một lực lượng nhỏ, trở thành một lực lượng chiến đấu chính, nhất là các chiến trường ở hậu phương của kẻ thù. Ngoài ra các lực lượng này có khả năng chiến đấu độc lập dài ngày, sử dụng nhiều loại vũ khí.

Thậm chí các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên đã được huấn luyện, để tấn công và phá hủy một bản sao của Nhà Xanh, nơi ở chính thức của Tổng thống Hàn Quốc. Do được huấn luyện bài bản, sự dẻo dai về thể chất và niềm trung thành tuyệt đối với chế độ, lực lượng đặc biệt của Triều Tiên thực sự là đối thủ đáng gờm, với bất kỳ lực lượng nào. Nguồn ảnh: Pinterest.

Thế giới sững sờ khi Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ. Nguồn: ABC.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/luc-luong-dac-biet-cua-trieu-tien-tinh-nhue-nhu-the-nao-1543004.html