Luật sư phạm tội hình sự nếu không tố giác khách hàng?

Nếu không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự…

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Thảo luận tại Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam cho rằng, quy định này làm đảo lộn giá trị nghề LS trong xã hội, vì bản chất của nghề LS là bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến.

Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng phát biểu của ĐBQH Nguyễn Văn Chiến:
Theo quy định tại Điều 19 Dự thảo Luật: “…Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”. Tôi đề nghị loại bỏ chủ thể LS ra khỏi điều luật vì nhiều các lẽ sau:
Thứ nhất, LS bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật LS quy định. Khác với bào chữa viên, người khác không chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức LS Việt Nam. Không thể đánh đồng LS với chủ thể là bố mẹ, anh chị em người phạm tội như dự thảo.
Thứ hai, đưa chủ thể LS vào xử lý hình sự không khảo sát, đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự? Hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự?
Thứ ba, quy định này đẩy LS không những vi phạm điều cấm đối với LS của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), vi phạm Luật Luật sư mà còn vì phạm Quy tắc đạo đức nghề LS, cấm LS tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.
Thứ tư, quy định này vi hiến, và xung đột với Bộ luật TTHS. Cụ thể, Điều 73 Bộ luật TTHS quy định: Người bào chữa “không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa” nhưng Điều 19 BLHS quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa. Quy định này hoặc đẩy LS vi phạm Điều 73 Bộ luật TTHS, hoặc Điều 19 BLHS chỉ là “quy định luật trên giấy”, vì LS khi tham gia tố tụng bắt buộc phải thực hiện Điều 73 Bộ luật TTHS vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. Pháp luật chưa giải quyết được quy định xung đột thì không thể áp dụng chế tài hình sự với LS khi họ tuân thủ đúng Bộ luật TTHS.
Điều 19 BLHS chỉ có tính khả thi với chủ thể LS khi BLHS sửa đổi có hiệu lực cần tiếp tục sửa Điều 73 Bộ luật TTHS và Luật LS. Do Bộ luật HS và Bộ luật TTHS là hai luật nội dung và hình thức song hành không tách rời nhau. Việc sửa luật này kéo theo sửa nhiều luật khác sẽ tiêu tốn tiền ngân sách, tiền thuế của dân, làm giảm uy tín của Quốc hội. Nếu BLHS này muốn có tính khả thi có phải sửa Bộ luật TTHS hay không? Nếu không thì tại sao?
Kỹ thuật làm luật đòi hỏi các luật không xung đột với nhau, dễ hiểu và dễ áp dụng. Chúng ta phải rút kinh nghiệm để chất lượng làm luật được nâng lên, tránh tình trạng luật chưa ráo mực đã phải sửa gây lãng phí.
Thứ năm, Điều 19 còn làm đảo lộn giá trị nghề LS trong xã hội vì bản chất nghề LS là bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. LS đi tố giác thân chủ khác nào “Cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội”. Chỉ một vụ LS tố giác thân chủ, xã hội còn tin để nhờ LS bào chữa bảo vệ quyền của họ hay không? Trên thế giới có bao nhiêu nước coi hành vi không tố giác thân chủ là tội phạm hay họ chỉ bằng quy phạm đạo đức điều chỉnh.
Sau khi BLHS được thông qua, LS tranh tụng sẽ đứng giữa dòng: Nếu LS không thực hiện Điều 19 BLHS thì LS có thể phạm tội hình sự. Nếu thực hiện Điều 19, tố giác thân chủ thì LS có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống. Quy định này còn đẩy LS từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ đúng luật, bỗng dưng trở thành người bị tình nghi phạm tội sang chung vị trí cùng thân chủ vì bị xác minh xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm.
Ngoài ra, quy định tại Điều 382 BLHS còn bất cập vì chức năng của LS bào chữa là gỡ tội. Điều 73 Bộ luật TTHS quy định, người bào chữa có quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp hoặc tự mình thu thập để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng mà họ cho là có thể gỡ tội cho thân chủ.
Vào thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, LS không thể xác định được tài liệu đó là sai sự thật hay không và sai đến đâu. Quá trình xác định sự thật khách quan còn phụ thuộc vào việc xem xét, đánh giá chứng cứ của Tòa án. Toàn bộ chứng cứ do điều tra viên, kiểm sát viên và LS thu thập, cung cấp đều được đánh giá bình đẳng như nhau nhưng trách nhiệm hình sự lại không bình đẳng, chỉ LS chịu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, để xác định chứng cứ là thật, giả, ở mức độ nào phải căn cứ kết quả giám định sao buộc LS phải biết để chịu trách nhiệm hình sự nếu chứng cứ được kết luận là không thật. Các chứng cứ còn phải thẩm tra công khai tại phiên tòa và phải được HĐXX đánh giá, quyết định theo Luật TTHS.
Mặt khác, nếu một người cố ý cung cấp chứng cứ sai sự thật cũng cần phải xem tính liên quan, giá trị chứng minh và hậu quả của chứng cứ đó có gây hậu quả hay không, ở mức độ nào để xác định mức nguy hại cho xã hội của hành vi đến mức phải xử lý hình sự hay hành chính. Không thể quy định chung chung như dự thảo luật. Đây là tội cấu thành vật chất nên hậu quả là yếu tố bắt buộc nhưng điều luật chỉ mô tả hành vi khách quan để buộc trách nhiệm hình sự là không bảo đảm về mặt khoa học pháp lý.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luat-su-pham-toi-hinh-su-neu-khong-to-giac-khach-hang-288848.html