Luật sư nói gì về vụ bắt Bí thư Đảng ủy xã vu khống Bí thư huyện?

Dư luận đang quan tâm đến vụ việc Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với bị can Đinh Trọng Tấn (SN 1980, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Theo những thông tin ban đầu trên báo chí, ông Tấn đã nhắn tin cho 29 người, chủ yếu là cán bộ huyện và một số xã lân cận, nội dung cho rằng ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Đảng ủy huyện Quảng Xương, có hành vi “tham ô tình dục” và bồ nhí với một nữ lãnh đạo cấp huyện, ngoài ra ông Chính còn có hành vi tham ô, tham nhũng vật chất…

Ông Đinh Trọng Tấn - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lĩnh bị bắt.

Khoản 1, Điều 122, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Như vậy để xác định hành vi phạm tội vu khống cần lưu ý: người phạm tội có hành vi bịa đặt; hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt; hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, phân tích hành vi bịa đặt là đưa ra những thông tin không đúng sự thật, tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ…Hình thức đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới những dạng khác nhau như: truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác…Và việc xác định tính khách quan của các thông tin phải do cơ quan chức năng thực hiện và đưa ra kết luận.

Hai là, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Theo quy định, để đủ yếu tố cấu thành tội phạm này thì cần chứng minh danh dự bị xúc phạm hoặc thiệt hại thực tế đã bị thiệt hại.

Như vậy, mặc dù đã có sự xác nhận của ông Trịnh Thăng Sự, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Xương về sự thật của các tin nhắn, nhưng đây không phải là cơ sở để cấu thành tội phạm vu khống đối với ông Tấn. Mà trong quá trình điều tra, cơ quan công an phải chứng minh tính xác thực của các nội dung tin nhắn mới là cơ sở để truy tố đối với ông Tấn.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư TPHCM

Nam Dương (ghi)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/luat-su-noi-gi-ve-vu-bat-bi-thu-dang-uy-xa-vu-khong-bi-thu-huyen-644867.bld