Luật sư chỉ được dự phiên tòa để “hỗ trợ” đồng nghiệp?

Luật sư (LS) Nguyễn Minh Long (Cty Luật Dragon, Đoàn LS Hà Nội) vừa gửi đơn đến báo PL&XH, phản ánh TAND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không tuân thủ đúng quy định của Luật Tố tụng dân sự và Luật LS, khi ông đã nộp đầy đủ giấy tờ để cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn theo qui định nhưng chỉ được chủ tọa phiên tòa cho phép “hỗ trợ” cho đồng nghiệp.

Gây khó cho luật sư

LS Long cho biết, ngày 12-9-2016, LS Nguyễn Trung Tiệp (Cty Luật Dragon, Đoàn LS Hà Nội) đến TAND thị xã Bỉm Sơn làm thủ tục cho LS Nguyễn Minh Long tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Lê Thị Phương Lan trong vụ án Ly hôn mà chị Lan là bị đơn, do chồng là anh Ngô Đức Tuân khởi kiện.

Thư ký tòa, đồng thời là thư ký xử vụ ly hôn của chị Lan đã nhận các giấy tờ để làm thủ tục cấp chứng nhận người bảo vệ quyền lợi cho LS Long và thông báo cho thẩm phán Ngô Xuân Sang, chủ tọa phiên tòa biết. Sau đó, LS Tiệp được thẩm phánSang cho biết, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS Long sẽ được tiến hành tại phiên tòa với sự đồng ý của chị Lan, theo đúng qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại phiên tòa diễn ra chiều ngày 16-9-2016, khi chị Lê Thị Phương Lan đề nghị có thêm LS Nguyễn Minh Long bảo vệ quyền lợi cho mình thì thẩm phán Ngô Xuân Sang chỉ đồng ý để LS Long tham gia phiên tòa với tư cách “hỗ trợ” cho LS Tiệp. LS Long cho biết, khi ông hỏi vì sao chỉ được hỗ trợ đồng nghiệp, trong khi đã nộp đủ các giấy tờ theo qui định, thì chủ tọa trả lời nguyên do là “sẽ mất thời gian phải làm lại thủ tục phiên tòa”. Việc “hỗ trợ” đồng nghiệp ở đây được vị thẩm phán giải thích là “LS Long không được tham gia thủ tục hỏi, tranh luận...” và thực tế khi LS này xin phát biểu ý kiến, xin hỏi tại phiên tòa thì đã không được HĐXX cho phép.

Theo Điều 27 Luật LS thì “khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, LS xuất trình Thẻ LS và giấy yêu cầu LS của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi LS xuất trình Thẻ LS và giấy yêu cầu LS của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của LS, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

Đồng thời, Điều 76 khoản 1 Luật Tố tụng dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 cũng nêu rõ người bảo vệ quyền lợi của đương sự được tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự. Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

LS Nguyễn Minh Long khẳng định HĐXX đã vi phạm tố tụng khi chỉ cho phép ông được hỗ trợ đồng nghiệp tại tòa.

Ảnh: Nam Phong

Quyền lợi của bị đơn có được đảm bảo?

Như vậy, việc TAND thị xã Bỉm Sơn chỉ cho LS Long ngồi sự phiên tòa để hỗ trợ cho đồng nghiệp là đã vi phạm tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chị Lê Thị Phương Lan vì không có LS bảo vệ.

Tại phiên tòa, chị Lan trình bày, từ sau khi kết hôn, cuộc sống của vợ chồng chị diễn ra êm ả, cho đến khi anh Tuân có quan hệ tình cảm với chị Phạm Thị Thu H. Vài tháng gần đây khi biết chuyện anh Tuân có con riêng, họ vẫn sống chung nhà, nhưng không hỏi han nhau. Mong muốn con cái có đủ cha mẹ, thấy mình vẫn còn tình cảm và có thể tha thứ cho chồng, chị Lan đề nghị tòa bác đơn xin ly hôn của anh Tuân để vợ chồng chị đoàn tụ.

Chị Lan đã cung cấp cho HĐXX những bản gốc thư viết tay giữa anh Ngô Đức Tuân và người tình, cùng đơn trình báo có sự xác nhận của tổ dân phố, nơi chị H sinh sống về việc anh Tuân thường xuyên qua lại ăn ở, sinh hoạt tại nhà chị H để chứng minh hai người đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Đồng thời, chị Lan cũng có đơn đề nghị tòa án thị xã Bỉm Sơn ra quyết định giám định ADN giữa anh Ngô Đức Tuân với cháu Phạm Ngô Quang T, con của chị H để làm rõ mối quan hệ giữa anh Tuấn và cháu bé. Tuy nhiên, đề nghị này không được HĐXX chấp nhận.

Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX không chấp nhận và bác đơn xin ly hôn của anh Ngô Đức Tuân. Tuy nhiên, quan điểm của đại diện VKS và bị đơn đều không được chấp thuận, HĐXX đã tuyên cho anh Tuân được ly hôn với chị Lan và giao hai con chung cho chị Lan trực tiếp nuôi dưỡng.

Chị Lan cho rằng, việc HĐXX không cho LS bảo vệ tại tòa, không xem xét đầy đủ các chứng cứ về mối quan hệ giữa chồng chị và chị H đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, xử cho chồng chị được đơn phương ly hôn là chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ba mẹ con chị. Vì vậy, chị Lan đã kháng án, đề nghị TAND tỉnh Thanh Hóa hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Nhóm PVBĐ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/luat-su-chi-duoc-du-phien-toa-de-ho-tro-dong-nghiep-119219