Luật Quy hoạch có thực sự cấp thiết ban hành vào lúc này?

Theo VTV.vn, sáng 10/01/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Mặc dù dự luật này đã được cho ý kiến từ Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 2 khóa XIV. Tuy nhiên, khi lần thứ 2 đưa ra thảo luận tại Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành đều nêu ra những ý kiến trái chiều, không đồng nhất với các nội dung trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Quy hoạch đã được thảo luận tại nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và còn nhiều ý kiến trái chiều. (Ảnh: Dantri.com.vn)

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đại diện Chính phủ trình Dự luật này đã bày tỏ sự bất ngờ khi nhận được các ý kiến chưa thống nhất khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi trước đó các ý kiến đều tương đối đồng tình. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng khi xây dựng luật, các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt cho xã hội hơn.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thống nhất nguyên tắc làm việc. Theo ông, dự thảo Luật Quy hoạch đã đầy đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghĩa là đã được Chính phủ thông qua.

“Khi đã trình ra Thường vụ Quốc hội thì ý kiến của đại diện các Bộ chỉ có tính chất tham khảo, không phải chính thức. Vì Chính phủ trình Dự thảo Luật ra Thường vụ Quốc hội rồi, mà đại diện các Bộ ngành lại nói ngược, nói khác thì trái với nguyên tắc” - Ông Dũng nhấn mạnh ý kiến trên.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Quy hoạch do Chính phủ chuẩn bị nhưng khi đưa ra lấy ý kiến Thường vụ Quốc hội, Bộ nào cũng bức xúc chứng tỏ chưa ổn. Chỉ ra một nguyên tắc còn thiếu trong Dự thảo Luật là nhân dân góp ý và giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo phải lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình làm luật để khi luật ra đời khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán và lãng phí trong quy hoạch.

Về quy hoạch cấp quốc gia, sau khi nghe lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài Nguyên và Môi trường nêu quan điểm của Bộ liên quan đến quy hoạch cấp Quốc gia về ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị rà soát thêm khi còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi Chính phủ trình Dự thảo Luật cần phải thảo luận. “Lần nào đưa ra các Bộ, ngành đều không thống nhất, tức là nó chưa ổn”, “Nếu làm luật như thế này thì chất lượng không đảm bảo, đã ra tới đây thì tất cả ý kiến của thành viên Chính phủ khác nhau phải nêu ra. Chính phủ trình nhưng rõ ràng từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất với nhau…”.

Ai nhìn thấy “Quy hoạch tổng thể quốc gia”

Qua theo dõi ngay từ Dự thảo ban đầu, tôi thấy các Bộ, Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Quốc hội mất khá nhiều thời gian để bàn thảo về Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo. Trong thảo luận ai cũng nói việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết, là cấp thiết, ai cũng bảo thế giới nước nào cũng có “Quy hoạch tổng thể quốc gia”. Nước nào cũng có Luật Quy hoạch. Những chuyên gia nào mà nói ngược lại “Luật Quy hoạch chưa cần thiết lúc này” thì đều không được mời tham gia tiếp! Vậy có thực hiện việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết, là cấp thiết vào lúc này không? Vậy có thật trên thế giới này nước nào cũng có “Quy hoạch tổng thể quốc gia”, cũng có Luật Quy hoạch không? Đã có ai nhìn thấy tận mắt “Quy hoạch tổng thể quốc gia” của một nước nào chưa? Tôi dám chắc rằng chưa. Chẳng có một nước nào người ta lại cho đoàn tham quan khảo sát của ta xem bản quy hoạch tổng thế đó, mà họ làm gì có mà cho xem! Trong tiếng Pháp cũng như trong tiếng Anh từ “Plan” (planning, planificatino) có nhiều nghĩa, nhưng trong đó có hai nghĩa: Kế hoạch, Quy hoạch. Còn đối với ta Quy hoạch và Kế hoạch là hai phạm trù khác nhau.

Dự thảo Luật Quy hoạch có tham vọng làm “quy hoạch tổng thể quốc gia”, bao gồm cả không gian ba chiều, tích hợp tất cả các bản quy hoạch thành một bản quy hoạch cho thống nhất. Thật là ảo tưởng và chẳng hiểu gì về quy hoạch cả! Cơ quan nào sẽ đứng ra làm văn bản quy hoạch này? Tích hợp như thế nào, bằng biện pháp gì? Tích hợp nội dung gì? Không hiểu người ta sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tỷ đô la để làm cho được quy hoạch này?! Mà quy hoạch này làm xong thì ai phê duyệt? Quốc hội hay Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến khi điều chỉnh thì ai sẽ phê duyệt điều chỉnh? Mà làm chưa xong thì đã phải điều chỉnh rồi, bởi thế giới xung quanh ta đầy biến động.

Thật không công bằng khi nghĩ rằng các Bộ Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…. có ý kiến trái chiều với Dự thảo vì muốn bảo vệ quyền lợi của Bộ mình. Nếu nghĩ vậy người ta cũng có thể nghĩ rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn trở thành “siêu” Bộ - Bộ trên tất cả các Bộ khác, rằng họ muốn làm “Nhạc trưởng”. Ai muốn làm quy hoạch đều phải qua họ. Họ quên rằng lâu nay họ chỉ có kinh nghiệm làm Kế hoạch chứ làm gì có kinh nghiệm làm Quy hoạch.

Tôi xin cam đoan rằng, trên thế giới này không phải nước nào cũng có Luật Quy hoạch theo kiểu như bản dự thảo của ta, không phải nước nào cũng có “Quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Không chỉ riêng tôi mà còn có rất nhiều nhà quy hoạch có tên tuổi họ phản đối bản dự thảo với nội dung như vậy. Họ phản đối không phải vì lợi ích nhóm. Họ phản đối bởi bản dự thảo này là không tưởng, không thể thực thi. Nếu cố tình thực thi thì nó sẽ là một tai họa cho đất nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn có cái lo lắng không phải không có căn cứ rằng: “Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn ở cấp vùng, cấp tỉnh; 10.000 quy hoạch cấp xã. Ngoài ra, việc dự thảo quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn quy hoạch lớn, quy hoạch của thành phố, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, tỉnh….”.

Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn ở cấp vùng, cấp tỉnh. (Ảnh minh họa)

Cơ quan soạn thảo cho rằng các Bộ không chịu đổi mới cách làm ăn, rằng có tư duy cố hữu bám vào cách làm ăn cũ kỹ, trì trệ..., thật là một nhận định rất hồ đồ.

Chúng ta đã có cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ xây dựng XHCN, chúng ta đã có Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như nghị quyết Đại hội Đảng của các địa phương cho từng thời kỳ 5 năm, những thứ mà các nước khác không thể có. Vậy các ngành, các cấp căn cứ vào đó mà lập quy hoạch. Tôi không hiểu vì động cơ gì mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cố xin để thông qua Luật này cho bằng được?

Không nên nói dự thảo này đã được người này người kia đồng ý hoặc không đồng ý. Cái quan trọng là phải tìm cho ra chân lý của vấn đề ở góc nhìn biện chứng và khoa học và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Thực trạng và giải pháp xử lý các quy hoạch

Tôi thừa nhận rằng công tác quy hoạch của ta còn nhiều yếu kém, còn chồng chéo, còn mâu thuẫn, còn tràn lan và gây tốn kém tiền của, có nhiều quy hoạch còn bị “treo”, làm khổ nhân dân. Nhưng chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng cách cho ra đời một Luật làm đảo lộn hết nền nếp làm ăn của ta hiện nay, và nếu Luật Quy hoạch dự thảo theo kiểu này thì kéo theo rất nhiều Luật khác mà Quốc hội cũng mới thông qua vài năm nay phải sửa đổi theo. Đó mới thật là một sự lãng phí thời gian và tiền của đến kinh khủng.

Vậy ta phải chấn chỉnh sự yếu kém của công tác quy hoạch hiện nay bằng cách nào? Theo tôi rất đơn giản! Chỉ cần một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xuống các Bộ ngành, các địa phương:

1. Yêu cầu rà soát, xóa bỏ các loại quy hoạch về sản phẩm với các sản phẩm không cần quy hoạch, trừ những sản phẩm thiết yếu đảm bảo an ninh quốc gia. Rà soát tất cả các quy hoạch khác, cái nào cần cái nào không cần. Các Bộ, ngành và địa phương sẽ tự biết họ phải làm gì.

2. Các Bộ, ngành ở Trung ương ngồi bàn bạc với nhau xem các quy hoạch chuyên ngành của họ hiện có, có gì mâu thuẫn với nhau, nếu tự điều chỉnh với nhau được thì tốt, nếu không thì Thủ tướng Chính phủ giải quyết. Các Sở, ban, ngành ở địa phương cũng làm như vậy, nếu có mâu thuẫn không tự giải quyết được với nhau thì Chủ tịch tỉnh, thành phố đứng ra giải quyết.

3. Khoán kinh phí làm quy hoạch cho Bộ, ngành và cho các địa phương để họ tự biết cái gì cần quy hoạch, cái gì bỏ để không làm quy hoạch tràn lan.

Nếu làm được như vậy thì Thường vụ Quốc hội đỡ mất thời gian. Còn Luật Quy hoạch nên dừng lại, chưa cần thiết phải ban hành.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng.

Hải Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/luat-quy-hoach-co-thuc-su-cap-thiet-ban-hanh-vao-luc-nay.html