Luật mới ban hành: Luật Thú y thay thế Pháp lệnh Thú y

QĐND - Động vật, sản phẩm động vật của nước ta rất phong phú, đa dạng; là nguồn lợi quý của đất nước, có giá trị kinh tế và có ý nghĩa xã hội lớn; đồng thời cũng là nguồn thực phẩm quan trọng cho nhân dân trong nước và xuất khẩu. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về thú y, năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thú y. Sau hơn 10 năm thi hành, pháp lệnh này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống, khống chế dịch bệnh động vật, góp phần ổn định phát triển chăn nuôi an toàn, cung cấp sản phẩm động vật bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thú y cũng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước về thú y. Chính vì vậy, ngày 19-6-2015, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thú y để thay thế cho Pháp lệnh Thú y.

Tại buổi họp báo công bố luật mới đây, thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, Luật Thú y gồm có 7 chương, 116 điều. Trong đó có các chương về: Phòng, chống dịch bệnh động vật; Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y; Quản lý thuốc thú y; Hành nghề thú y...

Đáng chú ý, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về thú y hiệu lực và hiệu quả, tạo cơ sở cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm, tại Điều 13 của luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thú y, như: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật; khai báo, lập danh sách, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi; không thực hiện việc thông báo, công bố dịch bệnh động vật trong trường hợp phải thông báo, công bố theo quy định; thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, vấn đề kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y cũng được quy định chi tiết tại Chương IV. Điểm mới trong nhóm các quy định về kiểm soát thú y đối với giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật là đã bổ sung khâu chế biến sản phẩm động vật vào quy trình kiểm soát để phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Tại Điều 64 của Luật Thú y đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: Động vật phải khỏe mạnh; có trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình. Việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung. Trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.

Luật Thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

NHẤT NGÔN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/luat-moi-ban-hanh-luat-thu-y-thay-the-phap-lenh-thu-y/372545.html