Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) nên định danh rõ người đại diện của người bệnh

Tại Điều 13, khoản 1, Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có nhắc đến vai trò của người đại diện người bệnh khi người bệnh bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người chưa thành niên.

Thế nhưng, lại chưa có quy định rõ ai là người đại diện của người bệnh. Điều này sẽ gây khó về mặt pháp lý khi áp dụng thực tiễn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Là bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối cho khu vực phía Nam, mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 1 có từ 5.000 – 6.000 bệnh nhân khám ngoại khoảng 1.500 bệnh nhân điều trị nội trú.

Trong đó, không ít trẻ không có cha hoặc mẹ - là người đại diện hợp pháp - đi cùng.

Bác sĩ CKII CAO MINH HIỆP, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM: “Khi làm những thủ thuật, phẫu thuật, rất nhiều trường hợp ba mẹ không có ở quê thì ông bà phải được ký thay.”

Việc không định danh người đại diện của người bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh cũng đang gây khó cho các bệnh viện trong việc cung cấp thông tin bệnh nhân.

Bác sĩ CKII PHẠM THANH VIỆT, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy: “Người ta muốn cần thông tin đó để đi nơi khác điều trị. Cung cấp không? Cung cấp! Ai lại đây xin? Toàn là người nhà! Rồi bệnh nhân nằm mê, đâu tự quyết định được! Vậy ai quyết định? Phải đại diện pháp luật!”

Theo Luật dân sự hiện hành, với người bệnh trên 18 tuổi, người đại diện pháp luật là người được tòa án nhân dân từ cấp huyện trở lên chỉ định. Thế nhưng, thực tiễn không thể áp dụng.

Thạc sĩ, luật sư NGUYỄN HỮU KIM, Phụ trách tư vấn pháp chế bệnh viện Đa khoa Hoàn mỹ Sài Gòn: “Ngay lúc chúng tôi cần 1 chữ ký để mổ hoặc giải quyết khiếu nại, hoặc để giải quyết yêu cầu về chi phí thì không thể có giấy tờ để chứng minh giám hộ.”

Bác sĩ CKII PHẠM THANH VIỆT, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy: “Nên thành ra trong luật cần phải xác định lại ai được phép thay thế bệnh nhân quyết định chuyện đó. Ví dụ mối quan hệ gia đình, như cha, mẹ, anh, chị, em, ông, bà...”

Thực tiễn thời gian qua, nhiều vấn đề pháp lý phát sinh khi khó xác định được người đại diện của người bệnh và quyền của họ. Nếu được quy định cụ thể trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các cơ sở y tế trong quản lý và điều trị cho người bệnh.

Thực hiện : Phương Thảo Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-kham-chua-benh-sua-doi-nen-dinh-danh-ro-nguoi-dai-dien-cua-nguoi-benh