Luật Đất đai năm 2024: Kỳ vọng ' cởi trói' cho du lịch sinh thái rừng

Một số doanh nghiệp, hộ dân làm du lịch sinh thái (DLST) vườn, rừng kỳ vọng Luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 sẽ 'cởi trói' cho ngành du lịch.

Một điểm đến được cải tạo trên vườn cây kém hiệu quả đã thu hút khách du lịch tại huyện Định Quán. Ảnh: N.Liên

Theo Luật Đất đai năm 2024, một số loại đất như: đất nông nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất ở, đất có mặt nước… được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh…

* Còn e dè trong đầu tư điểm đến

Những năm gần đây, Đồng Nai phát triển khá mạnh loại hình DLST vườn, du lịch trải nghiệm, khám phá rừng, hồ… Đây là những sản phẩm được cho là thế mạnh của Đồng Nai những năm qua, phát triển dưới hình thức du lịch cắm trại, trải nghiệm thực tế, thu hút lượng lớn khách du lịch. Những mô hình DLST rừng, vườn đã trở thành động lực phát triển kinh tế, nhất là những hộ gia đình nâng cao được năng suất, giá trị kinh tế cho những vườn cây ăn trái, quảng bá văn hóa, đặc sản của vùng đất Đồng Nai đến du khách trong nước và quốc tế.

Anh Phan Văn Tài, chủ quán cà phê Lưng Chừng Mây khá nổi tiếng tại xã La Ngà (huyện Định Quán), chia sẻ điểm đến của anh được cải tạo từ một vườn cây cho năng suất kém, địa hình đồi dốc khó khăn cho việc trồng trọt, thiếu nước tưới sản xuất. Nhiều năm liền, vườn cây gần như không mang lại giá trị kinh tế. Với ý tưởng biến đất cằn trở nên có giá trị, anh Tài cùng bạn bè bắt đầu bằng việc mở quán cà phê. Điểm đến của anh đã mang lại việc làm và thu nhập đáng kể cho nhiều người, dần trở thành điểm đến nổi tiếng của Đồng Nai, thu hút khách du lịch tuyến Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh và những khách du lịch từ các vùng lân cận tìm đến thưởng thức cảnh đẹp và sử dụng dịch vụ ăn uống của quán.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển điểm đến, quán cà phê của anh bị vướng các quy định khiến anh không thể mạnh dạn đầu tư.

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp, đất rừng… có thể được sử dụng kết hợp đa mục đích như: thương mại, dịch vụ, giao rừng, cho thuê rừng; hay hoạt động xây dựng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Anh Tài cho hay: “Để phục vụ du khách, chúng tôi rất cần đầu tư hạng mục nhà vệ sinh, các hạng mục, tiểu cảnh theo nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, lâu nay mọi hạng mục đều chỉ làm cầm chừng do vướng các quy định của Luật Đất đai. Nếu những quy định được mở thoáng hơn, tôi sẽ có cơ hội đầu tư thêm hạng mục tốt hơn, thu hút khách du lịch đến ngày càng đông hơn. Chúng tôi sẵn sàng cam kết giữ nguyên hiện trạng đất đúng mục đích ban đầu, không làm phá vỡ cảnh quan, trạng thái sử dụng đất sau khi kết thúc công việc kinh doanh điểm đến”.

Bên cạnh những khó khăn đối với mô hình DLST vườn của các hộ gia đình, nhiều dự án có quy mô lớn, nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh cũng đang gặp khó vì các quy định.

Phó trưởng phòng Quản lý thể thao và du lịch (Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) Nguyễn Văn Hậu cho biết, các quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp khiến cho các dự án kéo dài thời gian thực hiện như: Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú, giai đoạn 2021-2030 ở huyện Định Quán; Khu phức hợp DLST, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le thuộc huyện Xuân Lộc…

* Cơ hội cho DLST rừng, vườn

Trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, nhiều hộ gia đình, thậm chí những dự án phát triển DLST rừng có quy mô lớn tại các địa phương: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh… đều vướng những quy định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho biết, trong năm 2023, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, người dân về việc muốn khai thác du lịch từ vườn cây trái có sẵn nhưng lại vướng quy định về đất đai, xây dựng. Hiệp hội đã tổng hợp các ý kiến gửi lên cơ quan quản lý cấp trên với mong muốn được tạo điều kiện để khai thác các giá trị du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, các bộ, ngành đang tham mưu Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024; sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp năm 2017. Đây sẽ là những “cánh cửa” mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch trong việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích thương mại dịch vụ, du lịch, cho thuê môi trường rừng…

Ông Lê Văn Gọi chia sẻ: “Khi các nghị định được ban hành, sở sẽ dựa trên những quy định mới kết hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu lãnh đạo tỉnh những giải pháp cụ thể. Luật Đất đai năm 2024 mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp gắn với các mô hình du lịch để khai thác lợi thế nâng cao giá trị”.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/luat-dat-dai-nam-2024-ky-vong-coi-troi-cho-du-lich-sinh-thai-rung-89a69e6/