Luật chung chung, công chức dễ làm khó DN

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự thảo Luật Hải quan sửa đổi sáng 16-4 (Hà Nội).

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội Luật gia Hà Nội, cho rằng dự luật còn quá nhiều điều chung chung, thiếu cụ thể khiến nội dung của dự luật thiếu sức thuyết phục. Chẳng hạn cụm từ theo quy định của pháp luật xuất hiện đến 63 lần.

Cụ thể, tại khoản 8 Điều 19 về nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan quy định: Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. “Quy định mở như vậy là không thể chấp nhận và trái với nguyên tắc công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Hơn nữa, khái niệm quy định của pháp luật đang được hiểu khá rộng, không chỉ trong văn bản quy phạm pháp luật mà cả văn bản khác như công văn hướng dẫn. Mở như vậy sẽ tạo điều kiện để quy định thêm một cách tùy tiện về quyền hạn của công chức hải quan… Đề nghị bỏ những quy định mở như vậy” - luật gia Tiền nói.

Mặt khác, “Dự thảo có 50 trang nhưng có đến 37 điểm cần có quy định cụ thể (26 điểm chờ nghị định, 6 điểm chờ thông tư hướng dẫn và 5 điểm chờ quyết định). Cần giảm thiểu con số này, đồng thời bổ sung tối đa nội dung cụ thể để tránh tình trạng “chờ” như hiện nay” - trọng tài viên Vũ Chu Hiền, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, góp ý.

Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Luật sư Đào và cộng sự còn cho rằng dự luật vẫn thể hiện một số hạn chế về thủ tục hành chính. “Điều 24 dự luật quy định hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, giấy phép xuất nhập khẩu… Thực tế khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan hải quan thường yêu cầu phải xuất trình các chứng từ gốc và có dấu tươi. Nhưng hiện nhiều DN giao dịch xác nhận qua email hoặc điện thoại mà không có chứng từ gốc và dấu tươi…” - vị này dẫn chứng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự luật quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan 10 năm là quá dài dễ tạo ra tâm lý tùy tiện cho cán bộ hải quan khi kiểm tra cho thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho DN. Cụ thể như các lô hàng tạm nhập tái xuất, DN chỉ giữ chứng từ chứng minh hàng tạm nhập đã thực xuất với hải quan, khi giải quyết xong, DN không giữ chứng từ nữa. Nếu vậy những chứng từ cách 10 năm mà hải quan yêu cầu nộp lại để kiểm tra sau thông quan như quy định thì DN khó đáp ứng được.

THU HẰNG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130417124228411p1014c1070/luat-chung-chung-cong-chuc-de-lam-kho-dn.htm