'Lửa hồng'… phố huyện Đak Đoa

Hiện nay, nghề rèn thủ công đang dần mai một, người theo nghề cũng vơi dần. Thế nhưng, trên đường Wừu (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn còn nhiều hộ gia đình tâm huyết với nghề. Bởi nghề rèn không chỉ giúp họ có thu nhập ổn định mà còn là niềm tự hào của gia đình.

Giữ lửa nghề rèn

Giữa rất nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, một cơ sở lò rèn với vẹn nguyên những nét xưa cũ vẫn đang tồn tại trên đường Wừu, thị trấn Đak Đoa. Chủ nhân của lò rèn này là ông Lê Ngọc (SN 1975) đã gắn bó với nghề 33 năm qua. Bên bếp lò đỏ bừng ánh lửa, từng động tác nung sắt, đập búa, tạo hình chiếc dao cạo mủ cao su được ông Ngọc thực hiện một cách thuần thục.

Ông Lê Ngọc, sinh năm 1975 đã gắn bó với nghề rèn suốt 33 năm qua. Ảnh: Đinh Yến

Tranh thủ lúc nghỉ tay, nhấp ngụm trà nóng, ông Ngọc-cho hay: Năm 1991, lúc ấy tôi 16 tuổi đã quyết định chọn nghề rèn để lập nghiệp. Mặc dù, gia đình tôi lúc ấy không ai theo nghề. Tôi được giới thiệu về Cơ sở lò rèn của ông Hồ Duy Hoàng (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) học nghề. “Ông Hoàng là người giỏi nghề, rất có tâm truyền dạy nghề cho những ai muốn học. Nhờ vậy, chỉ sau một năm, tôi đã biết làm nghề. Tôi làm ở cơ sở rèn của ông Hoàng cho đến năm 2010 thì ra mở cơ sở riêng”-ông Ngọc chia sẻ.

Theo ông Ngọc, ngày mới ra mở cơ sở riêng cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm yêu nghề, tay nghề vững nên chỉ sau vài năm, ông đã mua được đất để mở Cơ sở rèn với tên: Ngọc (ở 259B, đường Wừu, thị trấn Đak Đoa) và duy trì đến nay. Nhờ chăm chỉ làm lụng, uy tín cơ sở ngày càng tăng, ông đã có thu nhập ổn định, nuôi được con cái ăn học nên người.

Ông Ngọc-cho biết: Thời kỳ hưng thịnh của nghề rèn là từ năm 2005 đến 2015. Lúc ấy, dọc con đường Wừu này có đến hơn 30 hộ làm nghề rèn. Tất cả sản phẩm rèn từ dao, búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, cuốc, rựa, xẻng, dao cạo mủ cao su… được nhiều người tìm đến mua. Khách hàng không chỉ trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên mà cả các tỉnh Nam Bộ cũng tìm về mua. Những năm ấy, nhiều doanh nghiệp trồng cao su của tỉnh Gia Lai sang đầu tư tại Lào, Campuchia tìm về làm hợp đồng đặt cuốc, xẻng, việc làm không xuể.

"Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, khi máy móc công nghiệp phát triển, nhu cầu về nông cụ thủ công giảm, nhiều cơ sở rèn phải tắt bếp. Nhưng với quyết tâm giữ lấy nghề rèn, chúng tôi cố gắng duy trì nghề. Hiện “phố” lò rèn đường Wừu này chỉ còn 7 hộ vẫn còn đỏ lửa nhưng thu nhập chỉ đủ chi phí qua ngày"-ông Ngọc chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm làm nghề, ông Ngọc cho hay: Trong các khâu từ sản phẩm sắt để rèn ra dụng cụ nông nghiệp, quan trọng nhất là “nước tôi”. Nghĩa là cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lạnh (nước tôi). Sau khi nhúng xong, người thợ mang đi mài lần cuối để hoàn chỉnh sản phẩm. Nước tôi già hay non ảnh hưởng đến độ sắc bén của dụng cụ. Ưu điểm nữa của nước tôi là dù sau thời gian sử dụng, sắt bị mài mòn dùng bị cùn thì vẫn có thể đem dụng cụ đến lò rèn để sửa chữa lại.

Ông Lê Ngọc dùng máy búa đập bằng điện để tạo ra sản phẩm dao cạo mủ cao su. Ảnh: Đinh Yến

Trước đây, thành phẩm từ sắt, thép thô, người thợ đều làm bằng tay, rất vất vả mà 1 ngày chỉ làm ra được 3-4 sản phẩm, tùy loại. Bây giờ, có máy búa đập bằng điện nên cũng nhàn hơn. Dùng máy đập nhiều lần tạo hình và mài thủ công từng chi tiết đến khi cho ra thành phẩm, mỗi ngày cũng rèn được 7-8 sản phẩm.

Kỳ vọng hồi sinh làng nghề

Ông Phạm Văn Hường bên các loại dao cạo mủ cao su do mình chế tạo ra. Ảnh: Đinh Yến

Rời nhà ông Ngọc, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Hường (SN 1951) cũng trên đường Wừu, thị trấn Đak Đoa. Vừa đến cửa tiệm, đã nghe âm thanh chan chát của búa với đe nện vào nhau. Cơ sở rèn của ông Hường chỉ rộng 25 m2, ông Hường ngồi bên bếp lửa đỏ rực, miệt mài với công việc. Ông thuần thục đưa lưỡi cuốc vào lò nung, thỉnh thoảng lại nâng búa đập liên tục xuống lưỡi cuốc đã nung đỏ đặt trên đe.

Dừng tay, quệt dòng mồ hôi ướt đẫm trán, ông Hường chia sẻ: “Trước đây, con đường Wừu này dài hơn 4 km thì các cơ sở làm nghề rèn cũng kéo dài đến gần 2 km. Vì vậy, tiếng búa chan chát quanh năm với hình ảnh chồng đánh búa, vợ mài dao rất quen thuộc. Vài năm trở lại đây, ít người tìm mua dụng cụ lao động từ lò rèn thủ công do các loại máy móc hiện đại thay thế, các hộ làm nghề cũng thưa dần. Nhiều gia đình bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với thị trường”-ông Hường cho hay.

Ông Phạm Văn Hường đã gắn bó với nghề rèn 31 năm qua. Ảnh: Đinh Yến

Gắn bó với nghề cũng đã 31 năm nên ông Hường tâm niệm phải cố gắng giữ gìn và phát huy nghề rèn của gia đình. Trước đây, ông thường làm cuốc, xẻng, dao, liềm, bồ cào… nhưng do nhu cầu của thị trường nên hiện nay ông chỉ làm cuốc, xẻng, các vật dụng để phơi cà phê và dao cạo mủ cao su.

Ông Hường-cho biết: “Để rèn ra một chiếc dao cạo mủ cao su phải trải qua các công đoạn như cắt sắt tạo hình, nung lửa, dùng búa đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc và làm chuôi cầm. Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm làm công nghiệp có kiểu dáng, kích thước đa dạng, giá thành rẻ nhưng sử dụng không được bền. Điểm khác biệt của dao cạo mủ cao su mà tôi làm là chỉ có khâu dập mới làm bằng máy, tất cả công đoạn còn lại đều làm thủ công nên có độ sắc bén, sử dụng lâu bền, được khách hàng ưa chuộng hơn sản phẩm làm bằng máy”.

Trung bình một ngày, ông Hường làm được 7-8 dao cạo mủ cao su. Sản phẩm được bán cho các tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn huyện, các nông trường, công nhân cạo mủ cao su trong, ngoài tỉnh với giá từ 110-250 ngàn đồng/dao, tùy theo kích thước. Được biết, mỗi tháng, sau khi trừ các loại chi phí, ông Hường thu được lợi nhuận khoảng 8-10 triệu đồng từ nghề rèn.

Anh Nguyễn Ngọc Tươi-công nhân cạo mủ cao su Tổ 4 (Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang), dù cách các lò rèn ở đường Wừu, thị trấn Đak Đoa hơn 15 km nhưng nhiều năm qua, anh thường xuyên mang dao cạo đến chỉnh sửa hoặc làm mới. Anh Tươi chia sẻ: “Tôi biết các lò rèn này từ hơn 10 năm qua. Tôi thường xuyên mang dao cạo đến sửa, đầu mùa thì đặt làm mới 5, 6 dao cạo cho gia đình dùng và còn mua giùm hàng xóm làm nghề cạo mủ cao su nữa”.

Thực tế cho thấy, nghề rèn rất vất vả nhưng lợi nhuận không nhiều, chủ yếu lấy công làm lời. Thế nhưng, với ông Hường, ông Ngọc, việc “giữ lửa” nghề truyền thống không bị mai một theo năm tháng vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mình. Hạnh phúc hơn nữa, con trai đầu của ông Hường là Phạm Văn Hường (SN 1977) học theo nghề rèn của cha đã mở cơ sở lò rèn ở thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cũng thu hút khá đông khách hàng tìm đến mua, sửa chữa đồ dùng. Hay anh Trần Quang Lưu (SN 1983) học nghề rèn từ bố là ông Trần Quang Ánh từ năm 15 tuổi cũng đã mở cơ sở rèn trên đường Wừu, thị trấn Đak Đoa. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy nghề rèn truyền thống của quê hương.

Anh Trần Quang Lưu được cha truyền nghề cũng đang lưu giữ nghề truyền thống của gia đình. Ảnh: Đinh Yến

Theo ông Hường, lớp trẻ hiện giờ ít học nghề rèn truyền thống. “Chỉ người già, người lớn tuổi như chúng tôi là còn gắn bó, vì nghề rèn cũng đã gắn bó với tôi quá nửa đời người. Tôi tin rằng, bằng sự yêu nghề và hy vọng thời gian tới, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, thế hệ trẻ sẽ lại đam mê, nối nghiệp nghề rèn của gia đình. Và nghề rèn truyền thống ở “phố” huyện Đak Đoa sẽ được hồi sinh, đỏ lửa như trước”-ông Hường bộc bạch.

Những sản phẩm anh Trần Quang Lưu làm ra. Ảnh: Đinh Yến

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lua-hong-pho-huyen-dak-doa-post263074.html