Lừa đảo trên mạng đã thành tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia

Không chỉ lừa đảo trực tuyến, các nhóm tội phạm mạng còn tổ chức các hoạt động mua bán người, mại dâm, buôn bán ma túy, vật liệu nổ.

Tại Tọa đàm phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng vừa tổ chức, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho hay, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian qua và dự báo trong thời gian tới vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, việc người dân sử dụng không gian mạng để hoạt động, phát triển kinh tế, xã hội ngày càng gia tăng. Hiện khoảng 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet. Đây là môi trường hoạt động thuận lợi của các đối tượng tội phạm lừa đảo.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, gần đây xuất hiện loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, lợi dụng những kẽ hở như vị trí địa lý ở khu vực giáp ranh các nước để hoạt động. Không chỉ lừa đảo, loại tội phạm này còn tổ chức các hoạt động mua bán người, mại dâm, buôn bán ma túy, vật liệu nổ. Để đối phó, cần sự phối hợp của nhiều quốc gia.

Hình thức lừa đảo của các đối tượng này ngày càng hoàn hảo, liên tục thay đổi phương thức để “bẫy” người dùng. Trong khi, người dân còn mơ hồ về nhận thức, thiếu cảnh giác, thiếu nhiều kỹ năng nên nhiều người bị rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sản.

Tọa đàm phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Minh Sơn

Tọa đàm phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Minh Sơn

Ở phía cơ quan chức năng, hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ, công tác đấu tranh, phối hợp với các doanh nghiệp xuyên biên giới thường có độ trễ, dẫn đến khó ngăn chặn dòng tiền của những kẻ lừa đảo.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, thời gian tới, Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ phối hợp cùng Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước, nhà mạng và các doanh nghiệp để tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức chủ động ứng phó với các loại tội phạm mạng.

Song song đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ người dân, nghiên cứu các giải pháp để hạn chế hoạt động của tội phạm mạng.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ sở pháp lý về Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân; Nghị định lý xử phạt vi phạm hành chính trên không gian mạng và điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên không gian mạng.

Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng chuyên trách đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Trung ương và địa phương để tổ chức phương án đấu tranh với các loại tội phạm này.

Trong thời gian tới, A05 sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ xuyên biên giới, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nhanh nhất các vụ việc xảy ra. Đồng thời, công tác quản lý đối tượng, phát hiện, điều tra, xác minh cũng sẽ được tăng cường đấu tranh xử lý nhằm răn đe, quản lý, hạn chế đến mức thấp nhất.

Trong quá trình đấu tranh với các loại tội phạm, một trong những điều cần làm là phải huấn luyện, đào tạo các lực lượng chức năng, nâng cao nhận thức của từng tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phải có sự phối hợp, hợp tác quốc tế để cùng ngăn chặn.

Khi có vấn đề phát sinh, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể báo cáo ngay với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức, điều tra, xác minh, xử lý.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lua-dao-tren-mang-da-thanh-toi-pham-co-to-chuc-xuyen-quoc-gia-2281756.html