Lũ nhỏ, mưu sinh mùa lũ ở Long An thất thu

Lũ về chậm, lượng nước trên đồng không nhiều làm nguồn thủy sản không nhiều so với những năm trước, khiến người dân mưu sinh mùa lũ các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An thất thu.

Thời điểm này, nước lũ đã về, trên những cánh đồng ruộng ngập trắng xóa là lúc người dân ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An tranh thủ mưu sinh mùa lũ bằng nhiều cách như giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt dớn…

Mùa lũ năm nay, mực nước còn thấp hơn so với mọi năm. Tâm trạng nhiều người dân vùng lũ luôn mong ước con nước lên cao hơn để có nhiều cá, tôm, có thêm thu nhập lo cho cuộc sống.

Thất thu vì lũ nhỏ

Năm này lũ muộn, người dân ở huyện biên giới của tỉnh Long An gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa từ tháng 7 âm lịch đã ngóng lũ.

Việc mưu sinh mùa lũ bắt đầu khi nước lũ đã tràn đồng, việc đánh bắt sẽ thuận lợi và có nhiều loại thủy sản. Để có thêm thu nhập, người đánh bắt phải vất vả khi làm việc cả ngày lẫn đêm, không kể nắng mưa.

Sản vật mùa nước nổi luôn phong phú như cá lăng, cá linh, cá bống, cá chạch... mang đến nguồn thu nhập kha khá cho người dân sau những chuyến rong ruổi thả lưới, giăng câu.

Trước đây, lũ về sớm và lớn, mang theo nguồn lợi thủy sản dồi dào. Năm nay nước lũ về muộn, con nước lại thấp nên lượng thủy sản khan hiếm. Trong khi giá cả không tăng bao nhiêu.

Anh Nguyễn Văn Nhanh (Xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cho biết “Năm nay nói chung là khó khăn hơn tại lượng cá ít hơn so với hàng năm Một mùa lũ đẹp như năm vừa rồi thì một mùa cá khoảng 40- 50 triệu đi, còn năm nay chắc được phân nửa, tại năm mùa rồi cá thu rất ít so với hàng năm”

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân ở Đồng Tháp Mười, Long An năm nào cũng ngóng lũ. Nước lũ không cao đồng nghĩa với nguồn lợi thủy sản vơi dần, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vùng sông nước.

Nghề ăn theo mùa nước nổi

Dọc trên các tuyến đường quốc lộ 62, kênh 79…không khó để bắt gặp hình ảnh người dân mưu sinh mùa nước nổi.

Dưới đồng ruộng mênh mông thì cảnh đẩy côn, giăng lưới, trên bờ thì bày bán các sản phẩm từ mùa nước nổi.

Đặt lợp cũng là nghề mưu sinh để người dân kiếm thêm thu nhập mùa nước nổi.

Vợ chồng của Chị Huỳnh Thị Toại ( xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) quanh năm sống bằng việc trồng lúa, khi mùa lũ về, không thể canh tác nên việc mưu sinh mùa lũ là chính. Bên cạnh đó, vợ chồng chị Toại cũng có thêm nhiều việc làm để ăn theo mùa nước nổi để kiếm thêm thu nhập.

Chị Toại cho biết: “Chồng tôi thì giăng câu thả lưới, bắt được bao nhiêu thì tôi đem lên cặp quốc lộ 62 bán cho khách, ngoài ra tôi còn buôn bán thêm bông súng, mắm. Du khách có nhu cầu du lịch mùa nước nổi thì tôi và các chị em cùng xóm bơi xuồng đi cho họ chụp ảnh, tham quan… từ đó tăng thu nhập cho gia đình một ngày cũng được vài trăm ngàn”.

Còn đối với Anh Ngô Phương tính cùng xã Tân Lập, công việc của anh trầm mình từ 5h30 sáng đến 10h30 để kiếm tiền bằng việc nhổ ngó sen.“Tận dụng mùa nước nổi, gia đình tôi trồng sen để kiếm thêm thu nhập, trung bình mỗi ngày nhổ khoảng 50 kg ngó sen. Chi phí trồng sen không đáng kể, chỉ tốn vài ký phân bón cung cấp cho cây sinh trưởng tốt đã lấy được ngó và đặc biệt là ngó sen được thị trường ưa chuộng, bao giờ cũng có thương lái thu mua, ngó sen luôn giữ ở mức ổn định 18.000 đồng - 30.000 đồng/kg nên cũng đủ trang trải cuộc sống”.

Năm nay, dù lượng cá, tôm…giảm đáng kể nhưng người dân vẫn rất phấn khởi vì hoạt động đánh bắt thủy sản mùa lũ không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà đây còn là nhịp sống quen thuộc của cư dân Đồng Tháp Mười mỗi khi mùa lũ về.

Chợ cá đồng, người dân trở thành tiểu thương

Lượng thủy sản trong những năm gần đây càng giảm dần nhưng vào mùa lũ hoạt động buôn bán cá đồng tại các chợ vùng đầu nguồn Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An vẫn được duy trì.

Chợ cá đồng vừa là nét sinh hoạt đặc trưng vùng bưng biền mùa nước nổi, vừa giúp không khí chợ huyện thêm nhộn nhịp, rộn ràng. Thời điểm nhộn nhịp nhất là vào khoảng gần sáng, người dân mang cá đồng đến các chợ để bán cho các điểm thu mua.

Trước đây, có rất nhiều điểm thu mua cá đồng phân phối về các chợ đầu mối ở TPHCM, Tp.Tân An, nay chỉ còn 2 điểm do lượng cá ít. Các điểm thu mua lớn tuy giảm dần nhưng đổi lại, các điểm bán lẻ cá đồng lại tăng lên.

Trời càng về sáng cũng là lúc các điểm bán lẻ bắt đầu hoạt động, người đánh bắt bỗng trở thành tiểu thương. Tại chợ Bàu Sậy huyện Vĩnh Hưng, mỗi sáng có 25-30 người dân tự bày bán cá đồng do gia đình đánh bắt được. Trung bình mỗi người chỉ có khoảng trên dưới 10kg tôm, cá, cua các loại. Mỗi kg thủy sản bán lẻ, người dân sẽ có thêm 10-20 ngàn đồng tiền chênh lệch so với bán cho thương lái.

Chị Hồ Thị Hồng (huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Tôi thường đem ra đây bán, một ngày bắt từ 5 đến 7 kg số lượng cũng không nhiều, tôi đem ra chợ bán thì giá cũng thêm tiền hơn so với mình bán cho lái”.

Năm nào lũ đẹp, chợ cá đồng sẽ đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn. Riêng năm nay lũ về muộn và nhỏ nên người dân ước chừng chỉ có thể đánh bắt và bày bán thủy sản hơn 2 tháng, mỗi ngày kiếm được 200-400 ngàn đồng. Tuy ngắn, nhưng chỉ cần có lũ là người dân Đồng Tháp Mười có thêm thu nhập./.

Nguồn PLO: https://plo.vn/lu-nho-muu-sinh-mua-lu-o-long-an-that-thu-post762415.html