Lớp học xóa mù chữ của anh công an xã

Tại làng Kret Krot, xã H'Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, một lớp học xóa mù chữ được mở ra từ cuối năm 2023. Đây là sáng kiến của Trung úy Lê Tuấn Thành, Công an xã H'Ra, huyện Mang Yang. Chiến sĩ trẻ này tự nguyện đứng lớp với mong muốn dạy chữ để bà con dân tộc thiểu số Ba Na ở đây biết đọc, biết viết.

Cứ đều đặn vào tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, lớp học xóa mù chữ tại làng Kret Krot, xã H’ra, huyện Mang Yang lại sáng đèn, vang tiếng đánh vần của các học viên. Lớp học đặc biệt này có hơn 40 người, từ trẻ em đến các ông bố, bà mẹ là người Ba Na của làng Kret Krot.

Trung úy Lê Tuấn Thành và lớp học xóa mù chữ cho bà con tại làng Kret Krot

Sau một ngày làm việc vất vả, chị Sen (45 tuổi), đã đến lớp đúng giờ để học viết chữ. Như nhiều chị em khác, chị Sen lấy chồng từ sớm, gia đình khó khăn, không được học hành. Giờ lớp dạy xóa mù chữ mở ra, chị quyết tâm đi học vì coi đây là cơ hội cho bản thân.

“Tôi không biết chữ, muốn đi học để biết chữ để biết viết tên của mình, đi đâu đó thì biết viết cái tên của mình”.

Trung úy Lê Tuấn Thành tận tình chỉ bảo cho các học sinh trong lớp.

Tương tự, chị Mah (29 tuổi) người cùng làng cũng đến lớp học sau một ngày đi làm lúa rẫy. Bàn tay thô cứng của người chỉ quen với cuốc, gùi, nay cặm cụi uốn theo từng chữ - số. Dù khó khăn, chị Mah quyết tâm học chữ vì tin rằng việc biết chữ sẽ giúp ích nhiều cho bản thân, gia đình.

“Tôi muốn học để biết chữ để mai mốt mình đi đi đâu đó, mình biết chữ cũng dễ hơn. Chứ như giờ mình không biết chữ đi đâu người ta cũng la, như hôm rồi đi bệnh viện con bị đau người ta bảo viết tên mà mình không biết nên bác sĩ la nên giờ sợ lắm. Giờ chỉ muốn đi học để biết chữ để sau này đi đâu đó cũng sướng hơn”- chị Mah nói.

Lớp học xóa mù chữ với nhiều độ tuổi từ trẻ em đến người lớn

Tiếp xúc với bà con ở cơ sở, Trung úy Lê Tuấn Thành - cán bộ Công an xã H’Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai hiểu rõ thiệt thòi của bà con. Không biết chữ nên bà con gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính ở cấp xã. Chính vì vậy, được sự đồng ý của cấp trên, cấp ủy chính quyền địa phương, Trung úy Thành tay ngang trở thành giáo viên để giúp các hộ dân biết chữ, biết đếm, từ đó từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế.

“Thời gian đầu còn khó khăn là do bà con còn ngại ngùng, ngại ngùng việc đi học chữ. Bà con là người Ba Na nên việc trao đổi với bà con hơi khó khăn một chút vì rào cản ngôn ngữ, cảm thấy xa lạ vì chưa thấy được sự quan trọng. Để duy trì lớp học dài hạn thì gắn kết với hệ thống chính trị, các thôn trưởng, công an viên, gắn với việc học và đạt thành tích sẽ có những phần quà, phần thưởng đến cho người học”.

Chữ viết trên bảng của những ông bố, bà mẹ sau một thời gian tham gia lớp học.

Xã H’ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có 9 thôn, làng, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 2/3, chủ yếu là người Ba Na. Ông Dung - Phó Chủ tịch UBND xã H'ra cho biết, việc thầy giáo Lê Tuấn Thành vừa dạy chữ vừa lồng ghép, tuyên truyền và vận động nhân dân, giúp Công an cơ sở gắn kết hơn với quần chúng nhân dân, thực hiện tốt công tác dân vận.

“Học chữ bà con hiểu biết hơn, khi mình làm công tác tuyên truyền thì cũng dễ dàng hơn, sau này bà con tiếp cận với các việc làm ăn, lao động sản xuất, mua phân bón, thuốc men để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương tổ chức phát động quần chúng như tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì bà con dễ tiếp cận hơn. Mong muốn lớp học này được mở tại làng Kret, Krot thì sau này sẽ nhân rộng ra các làng khác nữa”- ông Dung nói.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lop-hoc-xoa-mu-chu-cua-anh-cong-an-xa-post1078583.vov