Lớp học kích não biến con trở thành thiên tài: Phản khoa học, gây rối loạn não bộ

Trái với hy vọng của nhiều phụ huynh, phương pháp “kích hoạt não giữa” dạy trẻ em thành thiên tài được các học giả uy tín của Ấn Độ nhận định là trò lừa đảo, hoang đường.

Theo nhật báoThe Hindu, MidBrain Activation - "kích hoạt não giữa" - được cho là chương trình đào tạo nhằm giúp trẻ em cảm nhận được vật chất mà không cần nhìn. Tuy nhiên, các nhà khoa học Ấn Độ khẳng định đây chỉ là trò lừa bịp, hoang đường.

Họ cho rằng các tổ chức cung cấp chương trình này đã lôi kéo một số phụ huynh nhẹ dạ, khiến họ tin rằng “kích hoạt não giữa” sẽ giúp trẻ cải thiện trí nhớ, tập trung bằng cách kích thích một số bộ phận của não.

Ông Madhava Rao - nhà tâm lý học thần kinh người Ấn Độ - nhận định não giữa không liên quan trí thông minh, mà chỉ có mối liên hệ với các phần não khác.

Nhiều trung tâm quảng cáo phương pháp "kích hoạt não giữa" sẽ giúp trẻ em cảm nhận được vật chất mà không cần nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, các nhà khoa học bác bỏ điều này. Ảnh: Midbrain Activation Info.

Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ - Narendra Nayak - cho hay không ít phụ huynh nước này đang trả số tiền rất lớn cho những tổ chức lừa đảo với ảo vọng biến con em mình thành thiên tài.

Tờ Times of India đưa tin năm 2015, ông Narendra Nayak hứa trả một khoản tiền khá lớn cho tổ chức nào chứng minh trẻ em có khả năng bịt mắt đọc sách sau khi được đào tạo bằng phương pháp "kích thích não giữa".

Lời thách thức sau đó được một giám đốc trung tâm cung cấp chương trình giáo dục này có tên Vinoj Surendran chấp nhận, mà không đòi hỏi bất cứ khoản tiền nào.

Tuy nhiên, hai ngày trước khi tổ chức buổi thử nghiệm khả năng siêu việt của những học viên tại trung tâm mình, ông Surendran tuyên bố rút lui.

"Các bậc cha mẹ không muốn mang con em mình ra làm thí nghiệm", ông giải thích. Người này cũng cho hay trí não trẻ em được kích hoạt bằng phương pháp "nada-yoga" truyền thống.

Sự kiện trên khiến các học giả Ấn Độ củng cố nhận định "kích hoạt não giữa" là chương trình lừa đảo.

Chủ tịch Hiệp hội Các tổ chức duy lý Ấn Độ - Narendra Nayak - cho rằng các bậc phụ huynh nước này đang trả số tiền rất lớn cho ảo vọng biến con em mình thành thiên tài. Ảnh: Wikipedia.

Thậm chí, ảo thuật gia nổi tiếng tại bang Kerala (Ấn Độ) - Gopinath Muthukad - còn cho hay các nhà tổ chức sử dụng thủ thuật “X-ray Vision” dạy con trẻ cách nhìn trộm khi bị bịt mắt, rồi cho đó là kết quả của kích hoạt não.

Các tổ chức bài trừ mê tín dị đoan là Maharashtra Andhashraddha Nirmulan Samiti (MAN) và Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ (FIRA) cũng phát động chiến dịch chống lại những lớp học "kích hoạt não giữa" tại nhiều thành phố ở Ấn Độ.

Họ cho rằng phụ huynh cần được cảnh tỉnh để không bị mê muội bởi những "khả năng kỳ diệu" mà chương trình này đem lại cho con mình.

Chương trình "kích hoạt não giữa" chỉ được giới thiệu tại một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Thông tin về chương trình giáo dục đặc biệt này hầu như không tìm thấy trên các trang web, báo chí, cổng thông tin của các tổ chức y khoa, giáo dục uy tín của các quốc gia phương Tây.

PGS.TS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Tâm thần học TP Hồ Chí Minh: “Kích não có thể gây rối loạn tư duy và rối loạn hành vi”.

Trong phạm vi hiểu biết của tôi, tôi thấy đây chỉ là một hình thức kinh doanh, không có cơ sở khoa học nào và không mang lại lợi ích gì. Tôi đọc trên báo thì thấy, các trung tâm quảng cáo là “giúp con bạn trở thành thiên tài” nhưng tôi cho rằng, các quảng bá này chỉ khiến phụ huynh tốn tiền mà thôi.

Não bộ có những khu vực đặc biệt, phức tạp nên áp dụng những phương pháp thiếu cơ sở khoa học trên đây, tôi nghĩ chỉ là một cách để các trung tâm lừa đảo những gia đình giàu có hoặc thiếu hiểu biết để kiếm tiền mà thôi.

Học sinh đang nhận biết màu sắc và con số tại một lớp kích não

Theo tôi được biết, trong chuyên khoa tâm thần, có những liệu pháp như thôi miên để chữa các bệnh liên quan đến bệnh lý, không hề liên quan đến giáo dục. Não bộ của con người qua quá trình phát triển phải hài hòa với tự nhiên, được hoàn thiện nhờ tự nhiên trong môi trường kiến thức và xã hội. Não bộ trẻ em cũng vậy, phải được phát triển và gắn với môi trường thực tế. Phụ huynh hoặc giáo viên chỉ mang tính định hướng và động viên để trẻ thích học, thoải mái tinh thần. Chẳng có ai đi can thiệp nhân tạo đến vùng trung não để kích thích con cái thành thiên tài bởi như thế quá nguy hiểm và không biết sẽ để lại di chứng sau này.

Tôi không hiểu ở các trung tâm, người ta dùng cách gì để kích thích não bộ của trẻ em nhưng tìm hiểu một số thông tin trên báo chí và qua một số đơn vị quảng cáo, tôi thấy lo ngại. Nếu áp dụng cách thức như kiểu thôi miên để người bịt mắt làm theo, đứa trẻ sẽ bị tự kỉ ám thị rất cao. Khi bị ám thị như thế, sẽ sinh ra bất thường bởi thông tin đưa vào trong trạng thái mê hoặc như thế sẽ để lại vết hằn rất sâu sắc.

Mọi phương pháp đều phải qua nghiên cứu, phải được khoa học chứng minh và có tổng kết quá trình nghiên cứu. Việc can thiệp thô thiển vào não bộ- nhất là với trẻ em là hoàn toàn không nên và khó lường được hậu họa. Đặc biệt, nếu phương pháp này áp dụng kiểu đại loại kiểu như thôi miên mà sai thì gây tẩu hỏa nhập ma, rối loạn tư duy và rối loạn hành vi.

BS Lâm Hữu Tài, Trưởng Phòng khám Tâm thần Quận 1, TP Hồ Chí Minh: “Hoàn toàn phản khoa học, gây rối loạn não bộ”

Tôi nghĩ đây là một trò bịp bợm, lừa đảo và chưa có nghiên cứu về mặt khoa học, chưa được khoa học chứng minh nên có thể nói, trò này chỉ có thể lừa được những người nhẹ dạ hoặc các gia đình giàu có. Trong giới khoa học chúng tôi hoàn toàn không ủng hộ vì sai với khoa học.

Học sinh tại lớp kích não

Nói sâu về nhi học cơ sở, mọi người sinh ra trên đời này, trong bộ não ai cũng có 14 nghìn tỉ tế bào não. Trong quá trình mang thai đến 6 tuổi, nếu đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt, đúng khoa học, được bổ sung đủ vi ta min và chất dinh dưỡng trong cả quá trình này, 14 nghìn tỉ tế bào não sẽ phát triển đến 6 tuồi thì ngừng. Như vậy, đứa trẻ đạt được bao nhiêu nghìn tế bào não, và con người có chỉ số IQ khác nhau đều ảnh hưởng bởi quá trình này.

Việc kích não vừa phi khoa học vừa chỉ là trò lừa đảo, vừa hại phụ huynh mất tiền, vừa hại đứa trẻ phải chịu một sự rèn luyện trái với khoa học. Việc này chắc chắn sẽ rất ảnh hưởng bởi việc kích thích này sẽ để lại một vết hằn sâu làm ảnh hưởng tới chức năng ghi nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của đứa trẻ. Do đó, hoàn toàn không nên cho con em tham gia kích não bởi đến các nước phát triển cũng không sử dụng phương pháp này. Tôi nghĩ, phương pháp này chỉ do một nhóm nào đó thực hiện và mang tính bịp bợm.

Về mặt y học, bất kì tế bào nào chết đi, trước khi chết, nó sẽ có một bảng sao chép gen để khi tế bào đó chết đi, thì tổng hợp ra một tế bào mới giống hệt tế bào cũ cả về cấu trúc lẫn chức năng.

Trong quá trình phản ứng sinh tổng hợp này, cần có các men xúc tác như vi ta min (A, B, C, D...) và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, chì...). Nhưng một khi con người không có đủ các vi ta min và nguyên tố vi lượng trên đây, sẽ không phát triển bình thường. Do đó, điều đầu tiên là phải bổ sung đủ các vi ta min còn việc kích não thế nào, phải khoa học và đúng với sự phát triển của tế bào mới hiệu quả.

Đối với trẻ em, các tế bào này rất non nớt, chưa kể vi ta min, nguyên tố vi lượng và a xít a min chưa đủ mà dùng kích thích, chẳng khác gì việc ép cây con phát triển theo hình thù mà không biết rõ sẽ như thế nào. Do vậy, nếu ức chế thần kinh hoặc não hoàn toàn phản khoa học và dễ dẫn tới việc rối loạn não bộ cho trẻ, gây xáo trộn về lâu về dài cho thần kinh các em.

Ngọc Anh (TH)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/me-va-be/lop-hoc-kich-nao-bien-con-tro-thanh-thien-tai-phan-khoa-hoc-gay-roi-loan-nao-bo-101251/