Long trọng khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024

Sáng 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Nam Đàn long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024, nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai Hắc Đế, các tướng lĩnh và giáo dục truyền thống lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân.

Màn múa rồng, múa lân và văn nghệ tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa

Tham dự lễ hội có đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Nam Đàn; một số huyện, thành, thị xã trong tỉnh; cùng các tầng lớp nhân dân huyện Nam Đàn, du khách thập phương.

Trước khi làm lễ khai mạc, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn và các tầng lớp Nhân dân đã tổ chức làm lễ đại tế theo nghi thức truyền thống tại đền thờ Vua Mai, tọa lạc tại khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn; tưởng niệm, tri ân công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh đã lật đổ ách thống trị của nhà Đường, lập nên thành Vạn An và xây dựng một quốc gia độc lập trong 10 năm (713 – 723).

Lãnh đạo và nhân dân huyện Nam Đàn tiến lễ và làm lễ đại tế tại đền thờ Mai Hắc Đế; thực hiện lễ rước từ đền thờ lên khu lăng mộ Mai Hắc Đế. Ảnh: Mai Hoa

Tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024 gắn với kỷ niệm 1311 năm diễn ra cuộc khởi nghĩa Hoan Châu , Đảng bộ và Nhân dân huyện Nam Đàn ôn lại thân thế, cuộc đời và công đức của Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và các tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu ở thế kỷ VIII.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Nam Đàn tham dự lễ khai mạc Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024. Ảnh: Mai Hoa

Mai Thúc Loan sinh năm Canh Ngọ (670). Chứng kiến cảnh Nhân dân lầm than bởi các chính sách đô hộ hà khắc, bóc lột của nhà Đường, với khát vọng giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, năm Quý Sửu 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu với 10 năm độc lập (713 – 723) có ý nghĩa vô cùng to lớn; là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc; bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc ta trước sự xâm lược, thống trị ngoại bang, có tác dụng cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các thế hệ người dân xứ Nghệ và toàn thể dân tộc Việt Nam kế thừa và phát huy trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Đồng chí Vương Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn trình bày diễn văn khai mạc lễ hội ôn lại lịch sử cuộc khởi nghĩa Hoan Châu và công lao của Vua Mai Hắc Đế cùng các tướng lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Cuộc đời, sự nghiệp của Mai Hắc Đế khởi nguồn và gắn bó chặt chẽ với mảnh đất Nam Đàn “trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”. Để ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế ((Mai Thúc Huy - con trai của Mai Hắc Đế) và các tướng sĩ, Nhân dân vùng Hoan Châu đã dựng đền thờ tại khu lăng mộ Mai Hắc Đế và đền thờ Mai Hắc Đế ở trung tâm của vùng Sa Nam xưa, nay thuộc thị trấn Nam Đàn.

Ở huyện Nam Đàn, ngoài khu lăng mộ và đền thờ Vua Mai Hắc Đế còn có các di tích: khu lăng mộ thân mẫu Vua Mai; đền thờ thân mẫu Vua Mai; đền thờ Nậm Sơn - đền Đức Ông; Miếu thờ Mai Thiếu Đế; đình Khả Lãm; di tích Thành Vạn An thuộc thị trấn Nam Đàn. Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1649, ngày 29/12/2022.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024 đánh trống khai mạc lễ hội. Ảnh: Mai Hoa

Lịch sử về Lễ hội Đền Vua Mai, theo tài liệu tiếng Pháp, tại đền thờ Mai Hắc Đế diễn ra nhiều kỳ lễ như ngày giỗ Mai Hắc Đế (17/9 âm lịch), Khai Xuân (Rằm tháng Giêng), Thanh minh (trong tháng 3 âm lịch), tết Đoan dương (5/5 âm lịch), tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), lễ Thường tân (trong tháng 10, bắt đầu mùa gặt), lễ Lạp nghi (25/12 âm lịch).

Đông đảo người dân và du khách thập phương về tham gia lễ hội. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài ra, vào những lúc hạn hán hoặc các kỳ thi 3 năm 1 khóa, đậu đạt hoặc thăng chức quan đều được lễ ở đền để trình lên Vua Mai và các tướng sĩ với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Đến nay, tại đền vẫn duy trì các kỳ lễ nêu trên nhưng được tổ chức quy mô nhất là Lễ hội Đền Vua Mai, diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tưởng niệm và tri ân công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Lễ hội Đền Vua Mai năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày từ 22 – 24/2/2024 (tức ngày 13 -15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động đặc sắc, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, trải nghiệm của người dân và du khách thập phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cùng lãnh đạo các sở, ngành viếng mộ Vua Mai. Ảnh: Mai Hoa

Lãnh đạo huyện Nam Đàn dâng hương tưởng niệm tại Lăng mộ Vua Mai Hắc Đế. Ảnh: Mai Hoa

Sau phần nghi thức khai mạc, đánh trống khai hội và lễ tế, dâng hương tưởng niệm Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và các tướng lĩnh, đã diễn ra cuộc thi đấu vật truyền thống và thi đấu bóng chuyền nam, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia cổ vũ.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/long-trong-khai-mac-le-hoi-den-vua-mai-nam-2024-post285258.html