Lòng tốt cũng cần đúng luật và an toàn

Việc cá nhân, tổ chức từ thiện không quản ngại đường xa đến tận nơi cứu trợ người dân vùng lũ là hành động hoan nghênh.Song từ thiện đúng luật, lòng tốt sẽ lan tỏa.

Tránh việc đi cứu người mà người phải cứu mình

Thông tin hai cha con một nhà tài trợ tự mang quà từ Hà Nội vào tâm lũ Thừa Thiên - Huế để cứu trợ người dân, không thông báo cho chính quyền địa phương, người cha bị lũ cuốn trôi và mất tích một lần nữa nhắc nhở chúng ta về việc từ thiện là không sai, nhưng phải đúng quy định và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn.

Là một người tham gia và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, anh Khả Anh - Chủ nhiệm CLB từ thiện Hà Nội 14 chữ - cho hay, trước khi làm gì, anh đều tìm hiểu rất kỹ về những thứ người dân thực sự cần.

“Quan điểm của tôi là cần chậm lại một nhịp để quan sát và phân tích cụ thể thông tin thu thập được nơi địa phương cần hỗ trợ, để giúp đỡ được đúng và trúng với nguyện vọng của người dân, tránh tình trạng gây lãng phí và tạo nên tiền lệ không đẹp cho cả người cho và người nhận”, anh Khả Anh nói.

Lực lượng kiểm ngư cứu hộ 6 người trong đoàn cứu trợ bị lật thuyền ở Quảng Bình.

Anh Khả Anh cũng cho rằng, việc phối hợp với chính quyền địa phương là để tăng cường an ninh. Nếu có thêm người tự ý vào vùng nguy hiểm sẽ càng gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ đang làm nhiệm vụ. Khi phối hợp tốt thì các bên có thể kiểm soát lẫn nhau để làm việc hiệu quả. Bởi vậy, anh nhấn mạnh rằng, điều đầu tiên cần ghi nhớ khi vào những khu vực nguy hiểm là phải giữ cho mình an toàn, tuân thủ theo sự hướng dẫn của tổ chức và tuân thủ quy định của địa phương, tránh việc đi cứu người mà người phải cứu mình.

Chị Ngô Thị Thanh Hùng (CLB Tình Người) chia sẻ: Từ thiện cần đúng người, đúng cách và có kế hoạch cụ thể hơn, xác định nhu cầu, đồ dùng thiết yếu ở từng thời điểm của khu vực cần cứu trợ. “Bà con cần nhất bây giờ là lương thực, thực phẩm, nước lọc đóng chai, thuốc men, quần áo, chăn màn, sách vở. Sau lũ là tiền, hạt giống, tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, để những thứ này đến được đúng tay người nhận thì người làm từ thiện không thể không tiến hành đúng cách. Phối hợp với địa phương sẽ đảm bảo được an toàn cho người nhận và nhận được hỗ trợ cần thiết từ đơn vị này”, chị Thanh bHùng cho hay.

Tránh thủ tục hành chính rườm rà

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau – nhìn nhận, khi mà nguồn lực của Nhà nước có hạn, việc khuyến khích mỗi người dân với tấm lòng tương thân tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách cùng chung tay, lan tỏa sự hỗ trợ là điều nên làm.

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc lan tỏa lan sự hỗ trợ người dân vùng lũ là điều nên làm.

Tuy nhiên, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, rất cần có sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của hoạt động cứu nạn, cứu hộ để hướng dẫn cho các cá nhân, nhóm làm từ thiện, tránh sự cố đáng tiếc. “Tôi cho rằng, các tổ chức cứu trợ hay các cá nhân có quyền không nhất thiết phải qua một trình tự thủ tục hành chính rườm rà hay phải được phép mà họ chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/long-tot-cung-can-dung-luat-va-an-toan-a494050.html