Lợn đen Hòa Bình đắt hàng dịp cận Tết Nguyên đán 2024

Dịp cận Tết, thương lái tìm đến các huyện vùng cao ở tỉnh Hòa Bình 'săn lùng' lợn đen bản địa với giá hấp dẫn, phục vụ cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2024.

“Cháy hàng” dịp cận Tết

Trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình hiện đang phát triển mạnh việc nuôi lợn đen bản địa. Ghi nhận thực tế của phóng viên tại xã Đoàn Kết (huyện Đà Bắc), giống lợn đen bản địa được nuôi khá phổ biến, nhiều hộ dân trong xã tập trung phát triển nuôi giống lợn này thành mũi nhọn kinh tế chủ lực. Đặc biệt, dịp Tết năm nay giá bán lợn đen bản địa ổn định, có xu hướng “nhỉnh” hơn so với mọi năm, đầu ra thuận lợi nên người dân vô cùng phấn khởi.

Anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc vừa xuất bán 27 con lợn đen bản địa, thu được một khoản tiền lớn để trang trải cho dịp Tết

Anh Lò Văn Tuất (xóm Khem, xã Đoàn Kết) vui mừng chia sẻ: “Trước đây nhà tôi chỉ tập trung nuôi trâu, bò nhưng gặp khó khăn vì giá bán mấy năm vừa rồi xuống thấp. Năm 2023, nhận thấy nhu cầu lợn đen tăng cao, giá tốt, tôi tận dụng khoảng đồi sau nhà gần 1ha để làm chuồng, quây lưới xung quanh để nuôi lợn đen bản địa. Đến năm nay, lứa lợn nhà tôi nuôi vừa rồi được thương lái đến tận nhà đặt mua với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình”.

Theo anh Tuất, ở xã Đoàn Kết có nhiều điều kiện thích hợp để nuôi lợn đen, tuy giống lợn này chậm lớn, nuôi 1 năm chỉ đạt khoảng 20 - 40kg, nhưng nhờ nuôi bằng nguồn thức ăn có sẵn như cây chuối, ngô, sắn… nên chi phí đầu tư thấp, tính ra hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thuận lợi, thậm chí có nhà còn không có lợn bán, “cháy hàng” dịp Tết. Như gia đình anh vừa rồi xuất bán 27 con lợn đen, trung bình đạt khoảng hơn 20kg/con thì đã có được một khoản lớn để trang trải cuộc sống, sắm Tết đủ đầy.

Theo chị Xa Thị Lan, xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, chưa năm nào gia đình chị cung cấp đủ lợn đen cho khách hàng ở Hòa Bình, Hà Nội

Tương tự, chị Xa Thị Lan (xóm Mới, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc) chia sẻ, năm 2015, gia đình chị mua 3 con lợn đen nái về nuôi, nhờ thời tiết thuận lợi, mỗi năm đàn lợn đẻ 2 lứa, mỗi lứa được 8 - 10 con lợn con. Sau gần 1 năm chăm sóc, chị Lan xuất bán 30 con lợn thịt, thu về khoảng 50 triệu đồng. Với cách nuôi bán chăn thả, lợn chị Lan nuôi có chất lượng thịt thơm ngon nên rất hút khách. Lợn khi mới đẻ đều đã được các đầu mối gọi điện đặt hàng, chưa năm nào gia đình chị cung cấp đủ lợn cho khách hàng ở Hòa Bình, Hà Nội.

Chú trọng mở rộng chăn nuôi lợn đen bản địa

Trên địa bàn huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cũng có nhiều hộ đang chú trọng nuôi các giống lợn đen bản địa. Như gia đình chị Vũ Thị Nga (xóm Trung Hoa, xã Phú Lai) đã đầu tư trang trại chăn nuôi lợn đen, lợn rừng khoảng 2 năm nay với số lượng vài trăm con/năm.

Người dân ở huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) nhờ nuôi lợn đen bản địa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, có thương hiệu trên thị trường

Theo chị Nga, việc tiêu thụ lợn của gia đình khá thuận lợi, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết do nhu cầu khách hàng ngày càng tăng cao. Trang trại của gia đình chị Nga hiện nuôi 20 con lợn nái, đồng thời là nguồn cung con giống để chị nuôi lợn thương phẩm. Thời điểm này, trang trại nhà chị đã cung cấp lợn cho một số khách hàng đặt mua trước, dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ bán ra thị trường 100 con lợn thương phẩm.

Chị Nga cho biết, thị trường lợn Tết năm nay khá sôi động, việc tiêu thụ lợn thuận lợi, giá bán ổn định. Hiện nay, giá lợn đen bản địa, lợn rừng dao động từ 100 - 150 nghìn/kg lợn hơi, tùy vào độ tuổi của lợn cũng như khu vực khách hàng mua lợn ở gần hay xa. Không chỉ bán cho khách đến mua tại trang trại, gia đình chị còn ship hàng tận nơi cho những khách đặt ở xa và các tỉnh lân cận.

Lợn đen bản địa ở huyện Đà Bắc được nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên nên có chất lượng thịt thơm ngon, rất hút khách

Theo ông Trần Tiến Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình, các giống lợn đen bản địa được nuôi phổ biến trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã vùng cao. Nhờ thuận lợi về nguồn thức ăn và điều kiện chăn thả, giá bán lợn đen có xu hướng ổn định nên đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện trong tỉnh đã có một số hợp tác xã chăn nuôi lợn đen, liên kết với các hộ dân để bao tiêu đầu ra sản phẩm nên rất thuận lợi cho bà con.

Ông Trường đánh giá, lợn đen bản địa Hòa Bình hiện đã có thương hiệu trong nước, được khách hàng ưa chuộng nên tỉnh rất chú trọng mở rộng chăn nuôi ở quy mô nông hộ, nhất là những khu vực vùng cao có những điều kiện tương thích. Ngoài ra, dịp cận Tết này, giá lợn trắng cũng dần tăng ở mức hơn 60.000 đồng/kg ở trang trại, 58.000 đồng/kg ở nông hộ. Với giá bán như vậy là tín hiệu đáng mừng đối với người chăn nuôi trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.

Dần Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lon-den-hoa-binh-dat-hang-dip-can-tet-nguyen-dan-2024-301296.html