Lỗi thuộc về Công ty Xuất khẩu lao động

(PL&XH) - Qua tìm hiểu của chúng tôi thì có hơn 20 người lao động (NLĐ) bị cảnh sát Malaysia bắt giữ đợt này, đều do hai Cty XKLĐ Hiteco và Cty XKLĐ Airseco đưa đi XKLĐ.

Họ là những nông dân, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã thế chấp nhà cửa vay quỹ tín dụng để đi xuất khẩu lao động(XKLĐ) tại Malaysia với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng mới nhập cảnh được 24 ngày thì bị cảnh sát nước bạn bắt giữ vì "Lao động bất hợp pháp".

Chị Hoàng Thị Hằng, ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn được Cty Airseco - văn phòng đại diện tại Nghệ An (văn phòng đại diện tại địa chỉ số 2, ngõ 31, đường Nguyễn Tiềm,TP Vinh, Nghệ An) làm thủ tục đi XKLĐ với chi phí gần 25 triệu đồng. Ngày 17-1-2012 chị và nhiều lao động khác sang Malaysia làm việc. Nhưng đến ngày 31-1-2012, cảnh sát ập vào nhà máy nơi các chị đang làm và bắt giữ, bởi họ không có đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của nước họ.

Người nhà NLĐ bị bắt giữ ở nước ngoài đang trình bày với PV. Ảnh: Thế Sơn

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thảo và chị Nguyễn Thị Hiên ở xóm 18, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đến Cty Hiteco (văn phòng đại diện tại Nghệ An số 75 đường Trường Chinh, TP Vinh) đăng ký đi XKLĐ Malaysia với tổng chi phí là 26 triệu đồng/người. Ngày 6-1-2012 xuất cảnh, ngày 2-2-2012 thì bị cảnh sát Malaysia bắt giữ.

Tại nhà anh Nguyễn Công Chính, chồng chị Nguyễn Thị Hiên có rất đông người đợi ở đây để nghe ngóng tin tức của các chị. Anh Chính nói "Sau khi bị bắt mấy ngày, vợ tôi có gọi điện về khóc và nói tôi gửi tiền sang nộp phạt để cứu vì họ hành hạ và đối xử với vợ tôi khổ lắm. Nhưng gia đình có biết ai đâu để mà gửi tiền sang".

Theo trình bày của gia đình chị Thảo và chị Hiên thì sau khi nghe tin người thân bị cảnh sát Malaysia bắt giữ, gia đình đã nhiều lần tới văn phòng đại diện Cty Hiteco gặp ông Phan Văn Giáp, Trưởng văn phòng đại diện tại Nghệ An- để yêu cầu giải quyết sự việc. Ông Giáp chỉ hứa " Trong tuần này sẽ về" nhưng đến nay vẫn không thấy người thân của họ về.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì có hơn 20 người lao động (NLĐ) bị cảnh sát Malaysia bắt giữ đợt này, đều do hai Cty XKLĐ Hiteco và Cty XKLĐ Airseco đưa đi XKLĐ.

Ông Phan Quang Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên cho biết: "Theo nguyên tắc, các Cty XKLĐ muốn tuyển dụng LĐ tại xã thì phải đăng ký tuyển dụng theo quy định. Cty XKLĐ Hiteco chưa đăng ký tuyển dụng tại xã Hưng Thắng nên trong trường hợp này xã không can thiệp được".

Chúng tôi gọi vào số máy điện thoại ở Malaysia mà chị Hiên đã gọi về cho gia đình, đầu dây bên kia người phụ nữ Việt tên Hà cầm máy và gặp được ông Phan Văn Giáp, Trưởng văn phòng đại diện Cty XKLĐ Hiteco tại Nghệ An nói: "Tôi mới sang Malaysia tối qua, mọi việc đã được môi giới phía Malaysia lo xong rồi, những lao động này bị bắt là do chưa kịp làm thẻ lao động cho họ". Khi chúng tôi hỏi là trong tuần này những LĐ bị bắt có được thả không? Ông Giáp nói "Đang hy vọng".

Rõ ràng những gì ông Phan Văn Giáp nói là hoàn toàn sai với quy trình đưa NLĐ đi XKLĐ tại Malaysia. Bởi theo quy định, sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định đơn hàng LĐ, Cty XKLĐ tiến hành tuyển dụng và gửi hồ sơ (gồm bản sao hộ chiếu, ảnh và phiếu khám sức khỏe) sang cho chủ LĐ (hoặc Cty môi giới) nước sở tại. Nhận được hồ sơ, nơi tiếp nhận LĐ sẽ đưa hồ sơ lên Cục Di trú Malaysia, đóng tiền bảo hiểm, LEVY (dạng tiền thuế lao động, 1200 RM).

Sau đó, Cục Di trú sẽ cấp Calling Visa cho các hồ sơ LĐ hợp pháp. Khi nhận được Calling Visa, Cty XKLĐ sẽ đưa hộ chiếu NLĐ kèm theo Calling Visa đến đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, để xin cấp Visa cho NLĐ. Sau khi nhập cảnh vào Malaysia NLĐ được phép đi làm ngay và cư trú hợp pháp tối thiểu 1 tháng. Thời gian này, chủ sử dụng LĐ sẽ đưa LĐ đi kiểm tra sức khỏe, nếu đạt sẽ được cấp thẻ LĐ cho NLĐ. Nếu vì lý do nào đó chưa xin được thẻ LĐ, thì phía Malaysia cho phép làm special visa gia hạn thêm 1 tháng. Nên việc ông Giáp trả lời "Chưa kịp làm thẻ nên dẫn đến NLĐ bị bắt" khi họ mới nhập cảnh chưa được 1 tháng là hoàn toàn không đúng với những quy định của Malaysia đối với NLĐ nước ngoài,

Chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng quản lý lao động, ông Dương cho biết: "Đã nhận được đơn của gia đình các LĐ bị bắt giữ tại Malaysia gửi tới kêu cứu. Sở LĐ-TB&XH Nghệ An sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra hai Cty Hiteco, Airseco về vấn đề này". Qua trao đổi, ông Dương nói: "Có thể các LĐ này bị đưa đi LĐ theo con đường du lịch, nên trở thành LĐ chui và bị bắt", ông Dương nói thêm.

Qua sự việc các LĐ đang bị bắt giữ tại Malaysia kể trên, đề nghị các cơ quan chức năng và hai Cty Hiteco, Airseco nhanh chóng vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải giải quyết. Suy cho cùng, lỗi thuộc về hai Cty XKLĐ khi đưa LĐ sang nước ngoài không đúng quy định.

Thế Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2012031609046582p0c1002/loi-thuoc-ve-cong-ty-xuat-khau-lao-dong.htm