Lợi thế của doanh nghiệp khi lập quỹ phát triển KH&CN

Sáng ngày 10/11, Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới – Neptech thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo “Tổ chức hoạt động nghiên cứu phát triển và sử dụng quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp”.

Hội thảo được tổ chức nhằm mang đến cho doanh nghiệp một cái nhìn tổng quát hơn về quỹ KH&CN cũng như cách quản lý và chi tiêu quỹ hiệu quả.

Tại hội thảo, tiến sĩ Hồ Thị Minh Hương, chuyên gia của Neptech chia sẻ, qua các khảo sát về hoạt động R&D ở các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, khi nhắc đến nguồn lực bên trong doanh nghiệp để thực hiện hoạt động R&D thì nguồn lực về tài chính đang là vấn đề gây trăn trở nhiều nhất.

TS Hồ Thị Minh Hương – Chuyên gia của Neptech phát biểu tại hội thảo

“Khi chúng tôi hỏi đến các hoạt động R&D trong doanh nghiệp, thì rất nhiều doanh nghiệp trả lời với chúng tôi rằng: ‘chúng tôi không có tài chính’. Thực tế mà nói thì hầu như hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng thông thường từ 5 – 10% lợi nhuận sản xuất kinh doanh cho hoạt động R&D, còn đối với doanh nghiệp lợi nhuận thấp trong sản xuất hầu như đều nói rằng họ không có kinh phí cho hoạt động R&D", tiến sĩ Hương nhấn mạnh.

Để có nguồn tài chính cho việc thực hiện hoạt động R&D, doanh nghiệp nên thành lập quỹ phát triển KH&CN vì theo công thức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần trích lập quỹ KH&CN sẽ được trừ ra. Tiến sĩ Hương cho rằng đây là một lợi thế mà các doanh nghiệp nên tận dụng.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay việc thành lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN không dễ dàng nên chưa có nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM có quỹ này, hoặc dù có nhưng chưa biết cách trích lập cho hiệu quả. Các báo cáo viên tại hội thảo cho rằng Thông tư liên tịch số 12 do Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (TT 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC) gần đây sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thành lập quỹ, đặc biệt là về định mức chi tiêu.

Nếu như theo quy định cũ, các doanh nghiệp phải xin ý kiến của Sở KH&CN, Sở Tài chính và cơ quan thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thành lập quỹ và quản lý quỹ, thì theo quy định của thông tư mới, các doanh nghiệp có thể gần như hoàn toàn tự chủ.

Riêng về vấn đề quản lý tài chính quỹ đầu tư phát triển KHCN, ông Lê Phan Hoàng Chiêu – Giám đốc Neptech cũng chia sẻ một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt về việc sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ là những quy định về xử phạt, về thu thuế nếu doanh nghiệp sử dụng quỹ không đúng mục đích.

Ông Lê Phan Hoàng Chiêu – Giám đốc Neptech

Ông Chiêu cho rằng, các doanh nghiệp nếu thực sự muốn đầu tư cho hoạt động R&D thì lời khuyên của ông là nên quan tâm đến nội dung chi cho phát triển KH&CN của mình là gì để chi cho đúng, chứ đừng quá đặt nặng về quy định tài chính.

Một điểm quan trọng khác cũng theo ông Chiêu là các doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ về luật chuyển giao công nghệ khi đầu tư đổi mới công nghệ, cụ thể là mua trang thiết bị mới. Ví dụ, khi mua một dây chuyền sản xuất, thiết bị mới thì doanh nghiệp phải xem xét liệu có yếu tố chuyển giao công nghệ hay không.

“Khi có yếu tổ chuyển giao công nghệ thì anh phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ, và hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ quay lại chỗ cơ quan quản lý nhà nước để xác nhận, chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ đó. Theo tôi đó là một điểm ở Thông tư 12 sẽ làm khó cho doanh nghiệp vì anh rất khó ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ, đặc biệt là từ nước ngoài", ông Chiêu chia sẻ.

Hoàng Nguyên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loi-the-cua-doanh-nghiep-khi-lap-quy-phat-trien-khcn-c7a466585.html