Lối ra cho 'Zero Covid-19' của Trung Quốc

Đợt bùng dịch lớn nhất trong 2 năm qua ở Trung Quốc khiến băn khoăn về 'cái giá' khi theo đuổi 'Zero Covid-19', cũng như sẽ có rủi ro gì nếu thay đổi chính sách, lại xuất hiện.

Giới chức Trung Quốc đang vật lộn để hạn chế sự lây lan của biến chủng Omicron, trong bối cảnh khả năng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng rất thấp. Thượng Hải - trung tâm tài chính của đất nước - đang chịu cảnh phong tỏa, chỉ vài tuần sau khi trung tâm công nghệ Thâm Quyến cũng chứng kiến điều tương tự.

Trong những tháng tới, Trung Quốc có thể sẽ vẫn hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn virus trong cộng đồng, thay vì học cách sống chung. Tuy nhiên, khi chính sách Zero Covid-19 thách thức quy trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế, cuộc tranh luận bắt đầu chuyển hướng.

Bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc cũng sẽ gây ra tác động nghiêm trọng tới hơn 1,4 tỷ người và tới nền kinh tế thế giới vốn đang quay cuồng vì cuộc chiến ở Ukraine.

Bloomberg đã đưa ra 3 kịch bản, phân tích các tác động đến nền kinh tế và sức khỏe của người dân Trung Quốc. Đầu tiên là Trung Quốc vẫn theo chính sách Zero Covid-19, phong tỏa cục bộ để giữ các trường hợp gần bằng không. Thứ hai là mở cửa dần dần, tiêm thêm loại vaccine có hiệu quả cao hơn. Cuối cùng liên quan đến “cơn ác mộng” về đợt bùng phát trên diện rộng, khiến cả nước phải phong tỏa.

Thượng Hải phong tỏa để dập dịch

Những tuần gần đây, Trung Quốc báo cáo hàng nghìn trường hợp mỗi ngày, với “tâm chấn” bùng phát là trung tâm kinh tế Thượng Hải. Thành phố này báo cáo hơn 21.000 ca nhiễm mới vào hôm 8/4, phần lớn là ca không có triệu chứng.

Khoảng 25 triệu dân Thượng Hải đang sống trong cảnh phong tỏa. Nhiều người bắt đầu phàn nàn về những hạn chế mới này. Cư dân mạng nói về việc họ bị thiếu lương thực, hay phẫn nộ trước cảnh nhân viên y tế giết hại một con chó corgi sau khi người chủ có kết quả dương tính.

Chính quyền Thượng Hải phong tỏa thành phố theo lộ trình từng khu vực, đến nay đã hơn một tuần. Ảnh: Bloomberg.

Tác động kinh tế có thể nhìn thấy rõ. Ngành công nghiệp Trung Quốc đã phục hồi, nhưng mức tiêu thụ vẫn giảm. Việc Thâm Quyến đóng cửa đã góp phần làm thị trường chứng khoán lao dốc và các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng chao đảo theo. Foxconn - nhà cung cấp chủ chốt cho Apple - nằm trong số những công ty buộc phải đóng cửa nhà máy. Tại Thượng Hải, nhà máy của Tesla đã tạm dừng sản xuất.

Sau đó là những tác động đến xã hội. Vào tháng 11/2020, đường phố Thượng Hải chật kín những vận động viên chạy marathon khi phần còn lại của thế giới phải giãn cách - bằng chứng cho thấy sự thành công của Trung Quốc trong việc quản lý đại dịch.

Bây giờ, tình hình lại đảo ngược: Học sinh Thượng Hải quay trở lại học từ xa, trong khi gần như cả thế giới đã mở cửa.

Cơ hội và rủi ro

Kịch bản đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nền chính trị Trung Quốc. Bloomberg cho rằng có thể phải đợi đến năm 2023, Trung Quốc mới chuyển hướng chống dịch bởi Đại hội đảng diễn ra vào cuối năm nay.

Omicron đang làm cho quá trình ngăn chặn lây nhiễm trở nên khó khăn hơn, ngay cả khi đã bao phủ đủ liều vaccine cơ bản và mũi nhắc lại. Không chỉ vậy, Omicron cũng lây lan nhanh hơn nhiều so với các chủng trước đó.

Tuy nhiên, khi phong tỏa cục bộ ngày càng gây ra nhiều ảnh hưởng, việc mở cửa dần dần và có kiểm soát là con đường lý tưởng nhất, và có thể cũng sẽ là con đường mà Trung Quốc muốn thực hiện.

Omicron cũng tạo ra cơ hội cho Trung Quốc chuyển hướng chống dịch. Các chuyên gia y tế Trung Quốc lưu ý nếu trong một cộng đồng có mức độ miễn dịch từ vaccine, và có các phương pháp điều trị sẵn có, mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh sẽ thấp hơn so với làn sóng dịch các biến chủng trước.

Câu hỏi là khi nào Trung Quốc sẽ làm, và làm như thế nào. Không có lựa chọn nào mà không phải trả giá, nhưng bằng chứng cho thấy theo kịch bản này, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thậm chí có thể thấp hơn con số 88.000 người chết ở Trung Quốc vì bệnh cúm mỗi năm.

Bloomberg cho rằng nếu Trung Quốc có thêm những loại vaccine có hiệu quả cao hơn, như vaccine mRNA, thì họ có thể quản lý tốt và kiểm soát được việc mở cửa dần dần, trong khi tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Người dân Thượng Hải xét nghiệm Covid-19 hôm 28/3. Ảnh: Bloomberg.

Sau khi có loại vaccine hiệu quả cao hơn, Trung Quốc sẽ xác định một thành phố hoặc tỉnh để bắt đầu mở cửa có kiểm soát. Toàn bộ người dân địa phương sẽ được tiêm liều tăng cường.

Nếu có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền sẽ không can thiệp để kiểm soát nữa. Những phương pháp điều trị có thể đảm bảo mức độ an toàn cho nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Khi làn sóng dịch qua, người dân địa phương đó đã được bảo vệ từ vaccine lẫn miễn dịch tự nhiên. Quy trình này sẽ chuyển sang tỉnh tiếp theo, hoặc một số tỉnh cùng một lúc, cho đến khi toàn bộ đất nước được tiêm chủng, có miễn dịch và mở cửa.

Nguy cơ bùng phát toàn quốc và phong tỏa không còn nữa. Việc di chuyển quốc tế được nối lại, cuộc sống của người dân và doanh nghiệp sẽ không còn hạn chế.

Trường hợp tệ nhất là Omicron lây lan vượt tầm kiểm soát. Nhìn từ Hong Kong, tỷ lệ tử vong tại Trung Quốc đại lục trong trường hợp này có thể lên tới 50.000 người/ngày. Trung Quốc có thể quyết tâm phong tỏa toàn quốc để tránh kịch bản này.

Điều đó có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống 1,6% trong năm nay, và gây ra cú sốc cho nền kinh tế thế giới vốn đã lao đao vì chiến sự ở Ukraine.

"Tiếp theo sẽ phải làm gì?"

Có những lợi ích để Trung Quốc tiếp tục trì hoãn việc mở cửa. Nước này sẽ có thời gian để mua thêm hàng tỷ liều vaccine mRNA và thuốc điều trị, thu thập thông tin về các loại vaccine - cả nội địa lẫn nước ngoài - xem loại nào hoạt động tốt nhất, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.

Nhưng rủi ro không phải là ít. Bài học ở Hong Kong chứng tỏ rằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ không đảm bảo Zero Covid-19 sẽ thành công. Và một khi thất bại, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Nhân viên an ninh trong bộ quần áo bảo hộ đứng bên ngoài các cửa hàng thực phẩm ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Có lẽ bởi lý do đó, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét thay đổi cách tiếp cận.

Thông báo ngày 21/3 của Hong Kong về việc nới lỏng các hạn chế có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó sắp xảy ra ở đại lục. Trương Văn Hồng - cố vấn chống dịch Covid-19 cho chính quyền thành phố Thượng Hải - cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ cần đến vaccine, phương pháp điều trị và nguồn lực y tế. Đây có thể là gợi ý về cách chuẩn bị nhằm thay đổi chính sách hiện tại.

Vào tháng 3, ông Tập Cận Bình cam kết giảm tác động kinh tế từ các biện pháp phòng Covid-19. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ chuyển sang sống chung với Covid-19. Theo tính toán của chính phủ Trung Quốc, lợi ích của việc loại bỏ hoàn toàn ca nhiễm lớn hơn rủi ro khi nước này đã tránh được một triệu ca tử vong và 50 triệu ca mắc.

Nhà bình luận có sức ảnh hưởng Ren Yi từng nhấn mạnh con đường kiểm soát đại dịch của Trung Quốc được chứng minh là điều đúng đắn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc tính sẽ làm gì tiếp theo, ông viết.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-ra-cho-zero-covid-19-cua-trung-quoc-post1306576.html