Lời nói dối của ông

Tháng Tư đến mang hương vị của những lời nói dối phảng phất đâu đây. Cái khí trời thêm se lạnh khiến lòng người như đang chợt hỏi, xuân vừa ghé qua sao lại mang cái oi ả sớm tới rồi. Người ta thường bảo, tháng Tư là tháng của những lời nói dối, nhưng có bao giờ có ai tự nghĩ rằng trong vô số những lời nói ấy, thực sự thì cũng có những lời nói dối thiện - lương?

Ngày ông mất cũng là lần đầu tiên tôi gặp người phụ nữ ấy. Đó là một người đàn bà tóc bạc và gương mặt tràn đầy phúc hậu. Người ấy đứng lặng yên bên mộ ông rất lâu. Đôi mắt của bà rất đẹp nhưng buồn, cứ như đang chịu đựng một nỗi đau nào lớn lắm nhưng không thể nào nói ra được. Và cũng rất kỳ lạ, họ hàng người thân của tôi khi thấy bà tất cả dường như cũng đều tách ra như nhường cho bà, bà cũng nhẹ nhàng đi qua tất cả tới thả một nhành hoa xuống mộ ông. Nỗi đau và nỗi cô đơn lắng đọng lại không gian xung quanh bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một người phụ nữ. Mãi cho đến khi ba tôi run rẩy tiến lại gần và quỳ xuống dưới chân bà mà khóc:

- Ba mất rồi mẹ ơi.

Thì lúc ấy trong vô thức tôi đã hiểu được, kia chính là người bà mà ông vẫn hay nhắc đến trong những câu chuyện kể. Người bà mà tôi chưa bao giờ gặp mặt và cũng là người phụ nữ duy nhất mà ông yêu thương suốt cả cuộc đời.

Ông kể điều hối tiếc nhất trong cuộc đời ông là không thể làm cho bà hạnh phúc. Những lúc ấy trái tim trẻ thơ của tôi hơi hẫng một nhịp, có lẽ vì trong tâm thức của tôi, ông là người đáng ngưỡng vọng nhất mà tôi từng được gặp, đến độ có lẽ cho đến sau này, tôi vẫn không thể hình dung được ông từng làm gì đó “sai”. Sau khi ông mất ít lâu thì ba rước bà về phụng dưỡng, tuy chỉ mới gặp bà lần đầu tiên nhưng giữa chúng tôi không hề có khái niệm gì xa lạ, vì dường như ông đã làm rất tốt với vai trò cầu nối của mình: kể cho chúng tôi về nhau dù chưa từng gặp mặt. Cứ như ông biết đoạn nhân duyên này sẽ có ngày hội ngộ, dù không phải là với ông.

Cũng nhiều lần tôi vòi ông cho gặp bà nhưng ông chỉ lắc đầu ngại nói. Một phần là vì tôi vốn học trên phố, chỉ hè mới về quê. Còn bà thì lý do như ông nói là có vài lý do bà không thể đến nhà mình được. Trẻ nhỏ không hiểu chuyện, chẳng vòi thêm.

Ông kể bà là một người… cứng đầu. Hai người lớn lên bên nhau tại làng quê nghèo và cũng yêu nhau từ khi còn trẻ. Rồi ông đi lính, rồi bà chờ đợi. Suốt những năm tháng ông chiến đấu, nhiều lúc hành quân qua làng, khoảng thời gian ngắn ngủi ấy là khoảng “hẹn hò” hiếm hoi của hai người. Tình yêu lứa đôi lớn lên cùng với tình yêu nước, những lần được bên nhau dẫu ngắn ngủi cũng là chứng nhân để ngọn lửa tình ngày thêm lớn mạnh. Từ hồi còn bé, bà đã là người mà đám trai trong làng vẫn hay gọi là “nữ cường”. Ông kể ngày bé ông thậm chí bị bắt nạt và được bà “bảo kê”, người phụ nữ lúc nào cũng cứng cỏi như đàn ông vậy mà khi ông bảo:

- Năm tháng chiến đấu còn ác liệt, hay em cứ cưới người khác đừng đợi anh.

Bà đã bật khóc làm ông sững người. Ông bảo bà còn ít nói hơn cả ông, nên những hành động của bà đủ để ông hiểu bà thương ông rất nhiều. Sau lần đó, ông lên đường hành quân tiếp, với lời ước hẹn :

- Lần về sau anh sẽ về hỏi cưới em.

Và đó là “lời nói dối” đầu tiên của ông.

Những năm chiến trường ác liệt, bà vẫn an phận ở quê đợi ông với cương vị một cô giáo làng, dẫu thanh xuân có qua đi rất nhanh đối với cô gái trẻ. Nhà bà cũng nhiều lần mai mối nhưng bà quyết từ nên dần dà gánh nặng mưu sinh với những biến đổi thời cuộc trở thành nỗi lo cuộc sống, không ai còn mảy may ép buộc bà mưu cầu hạnh phúc. Ông và bà hun đúc tình yêu bằng những cánh thư mà thường là một chiều ông gửi cho bà, còn bà đôi khi anh bưu tá về đưa kịp gửi ông chứ không hẳn là hồi đáp lại thư ông đã gửi. Vì tính bảo mật và vì ông bôn ba khắp các mặt trận. Những tưởng tình yêu rồi cứ thế chỉ chờ một đám cưới là kết quả của một mối tình hạnh phúc thì rồi biến cố xảy ra.

Ông đi biền biệt suốt mấy năm ròng không một tin tức. Thậm chí làng xóm còn kháo nhau ông đã hy sinh trong một trận càn của địch. Nghe tin, bà nhất quyết không tin và dành những năm thanh xuân của mình bôn ba khắp nơi để nghe ngóng tin tức về ông. Bà vẫn làm cô giáo đi khắp mọi nơi trên đất nước, xin dạy thời vụ ở nhiều trường dù chỉ là nghe tin ông hay quân đoàn của ông từng đi qua, cứ vài tháng sau khi nắm được thông tin không có ông ở đây rồi lại đi. Cho đến khi đôi chân mỏi mệt, bà mới quay về quê cũ, đặng nghỉ mệt trước khi bắt đầu hành trình mới.

Cứ mỗi khi bà về quê nhiều người lại ngăn cản bà tiếp tục đi, phần vì phận gái không thể cứ thế mà rong ruổi khắp tứ phương được. Nhưng tính bà vốn cương quyết, hơn nữa bà luôn tin ông vẫn còn đó, và “nếu không phải ảnh thì con không lấy người khác”. Mỗi khi kể về chuyện đó ông vẫn hay thở dài rồi nói với tôi:

- Tính bà con mạnh mẽ lắm, ai khuyên cũng không nghe, cứ nhất quyết thân gái mà bôn ba đi khắp chốn.

Ông cũng đã về, về hai năm trước, và cách đó nửa năm, sau khi đã hỏi thăm hết mọi tin tức về bà nhưng không ai biết bà đã đi đâu, dưới sức ép của gia đình, ông đã lấy vợ - một cô gái trong làng. Ngày đó trong trận càn của địch, ông bị thương nặng rồi được người dân bảo vệ, tách biệt hoàn toàn với quân đoàn, đến khi lành lặn ông mới tìm mọi cách để về với quê cũ. Ông cũng có đi tìm bà, cũng lại vác ba lô lên đường đi nhưng duyên phận chưa tới, ở những nơi hai người đặt chân qua không có giao thoa nên hai cánh hải âu bay về hai hướng. Sau khi về làng, vì là con trai duy nhất của gia tộc, dưới sức ép của gia đình, ông cưới…

Hai người lỡ hẹn một cái nửa năm mà ông thành người đã có gia đình. Mỗi khi ông nhắc về chuyện đó ông vẫn hay bảo tôi:

- Ông hứa sẽ về cưới bà, ông về thật nhưng ông đã không giữ được lời của mình.

Sau lần đó, bà không đi nữa, cũng ở lại làm một cô giáo làng, thi thoảng đi ngang qua ngõ nhà ông, nhác thấy bóng ông, bà cũng không trốn tránh, ông biết đó là tính cách của bà. Bà có thể đau lòng nhưng bà sẽ không tức giận. Sau khi kết hôn được dăm tháng, ông lại lên đường tiếp tục chiến đấu.

Bà nội ruột của tôi là bà Cả, là người đã sinh ra ba tôi, là vợ của ông. Ngày đó chiến trường ác liệt, vật chất thiếu thốn, sau khi sinh ra ba, bà Cả cũng mất vì sức khỏe yếu. Lúc đó, căn nhà nhỏ neo người khi đó, chỉ còn tiếng khóc oe oe của ba tôi, chính bà là người đã lo toan chôn cất cho bà Cả rồi bế ba đi khắp xóm xin từng chút sữa và cũng tìm người tìm cách liên lạc báo cho ông chuyện ở nhà. “Anh cứ yên tâm chiến đấu, chuyện chăm cháu đã có em lo”. “Tất cả nhờ em, khi anh về sẽ đền ơn em đủ”.

Những mẩu thư ngắn ngủi và những lời hứa lại một lần nữa trói buộc cuộc đời bà. Ngày đó thực ra nhà ông vốn neo người, chỉ có cha mẹ già, họ hàng người thân hầu như ở xa hoặc đều đã nằm xuống bởi khói lửa chiến tranh, có nhiều người thực ra cũng ác miệng nói sao bà phải vướng nợ vào thân chăm con người phụ mình. Nhưng bà vẫn nhất quyết chăm lo ba tôi đến ngày ông trở về không màng danh phận.

Thi thoảng ông về, ngôi nhà nhỏ như có thêm tiếng cười, và nếu không ai quá chú ý, sẽ không ai nỡ nói ra bà vốn không có gì ràng buộc đối với ngôi nhà này. Phần vì ngày xưa dường như ai cũng hiểu mối tình thanh mai trúc mã của ông bà, bị chia cắt bởi chiến tranh. Phần vì cái xóm này nhỏ lắm, nhỏ đến độ bước chân bà mòn đi vì tìm ông tất cả đều nhớ như in; dẫu thế nó cũng đủ lớn, lớn để đè nặng lên vai bà gánh nặng mưu sinh và cả chạy vạy khắp nơi tìm kế sinh nhai nuôi con mọn. Ba tôi cũng xem bà như mẹ, dù sau này khi ba đến tuổi trưởng thành, cũng chính bà là người đã nói rõ sự thật với ba, cũng kể với ba về bà Cả… Ba mỗi khi nói về bà với tôi luôn nói với tất cả sự yêu thương. Ba kể, bà Cả mất khi vừa sinh ba nên nếu nói thấu hiểu về tình mẹ thì chỉ có thể là tình cảm bà dành cho ba. Tình thương bà dành cho ba nhiều đến độ khi biết mình không phải con ruột của bà, ba đã rất đau đớn và thất vọng. Cũng lúc ấy, chính bà đã ôm chầm lấy ba và nói:

- Trong mắt má, con là con trai của má, con không cảm nhận được sao?

Và cũng từ đó cả hai người không nói gì về sự máu mủ này nữa.

Hòa bình lập lại, ông về đoàn tụ cùng gia đình. Nhờ những chiến công thời đi lính và cũng bởi khả năng của mình, ông được cất nhắc chức vụ cũng khá cao ở địa phương. Lúc này đây gần như bà đã bước vào tuổi gần tứ tuần, ông chỉ muốn có thể cho bà một danh phận. Bà chỉ phì cười:

- Từng tuổi này rồi cưới xin gì nữa, được thì ở với nhau, vậy thôi. Bôn ba đủ rồi.

Thế nhưng, biến cố lại ập tới một lần nữa, vì ông có chỗ đứng trong xã hội, bà cố tôi nhất quyết muốn ông đi bước nữa với một người môn đăng hộ đối chứ không cho ông lấy bà. Dường như suốt những năm tháng thanh xuân, bà hy sinh cho ông và cho gia đình này bị phủi sạch đến mức địa vị quan trọng hơn tất thảy tình người. Bà cố làm đủ mọi cách và dùng cả tính mạng ra để đe dọa ông bà, ông dù thương bà cách mấy cũng chỉ có thể hứa hẹn: “Đợi tôi thuyết phục mẹ…”. Nhưng ngay cả ông cũng biết lời nói của ông không có trọng lượng nữa. Chữ tình chữ hiếu thực ra người đời vốn không thể đặt lên bàn cân được. Với ông, đó lại là thêm một lần “ông nói dối”.

Ông không kết hôn lần nữa như một cách phản kháng lại ý của đấng sinh thành, nhưng ông cũng không thể đến bên bà vì rào ngăn cha mẹ. Bà lại dọn qua làng bên ở để tránh ngõ hẹp đụng phải mặt nhau, tiếp tục làm cô giáo làng đến khi về hưu. Bà cố tôi quá tức giận nên đã mắng bà rất nặng:

- Cô tuyệt đối không được bước chân vào nhà này lần nữa với nó.

Sau khi bà cố mất, cũng nhiều lần ông muốn rước bà về nhưng có lẽ vì sự kiêu hãnh và cả tổn thương, bà đều không một lần đặt chân vào căn nhà ấy cùng với ông…

Thi thoảng, trong suốt phần đời còn lại của mình, ông vẫn hay ghé thăm bà, cũng kể bà nghe về con cháu. Có lẽ đó là sự an ủi khi về già của cả hai người, dù không ở cùng một chỗ nhưng lúc nào cũng có thể nói chuyện, tâm sự với nhau. Ba tôi vẫn luôn xem bà như mẹ, cũng thảo hiếu đủ đầy, và như sau này bà nói, đó là niềm vui lúc về già của bà. Sau, ông mất, bà mới chịu về ở với ba để tiện bề hương khói cho ông. Có nhiều lúc khi tôi còn nhỏ thấy ông nhớ bà quá cũng nói ông rước bà về nhưng ông chỉ cười. Sau này tôi mới hiểu vì ngày đó chính bà cố đã không cho bà vào nhà, và bà đã đồng ý. Dù sau đó bà cố đã mất, nhưng vì đó là lời hứa bà vẫn kiên quyết thuận theo. Không phải vì bà cố chấp mà vì bà không muốn hành động của bà làm trái với đạo lý và sự hiếu thuận của ông. Cũng bởi thế sau khi ông mất, bà mới một lần nữa bước vào căn nhà ấy, căn nhà bà đã dành trọn cả thanh xuân để chăm nom.

Khi lớn lên, nhiều khi tôi kể lại với bà về những lần ông kể tôi nghe về bà, cũng nói ông đã “nói dối” bà rất nhiều. Bà chỉ mỉm cười hiền từ:

- Đó không phải là nói dối, đó chỉ là ước muốn mà ông không thể hoàn thành. Nếu ông vẫn tự trách mình và cho đó là lời nói dối, thì cháu hãy hiểu rằng đó là những lời nói dối lương thiện.

Lê Hứa Huyền Trân

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/loi-noi-doi-cua-ong-139985.html