Lợi nhuận khởi sắc hơn nhưng nợ xấu vẫn nặng gánh

Một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tốp trung, không có vốn nhà nước chi phối vừa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quí 3-2016 trong tuần qua. Điểm chung là lợi nhuận của nhóm ngân hàng này đa phần đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước (dù mức độ khác nhau) trong khi việc xử lý nợ xấu có sự phân hóa nhất định giữa các ngân hàng.

Giao dịch tại Techcombank. Trong chín tháng đầu năm, ngân hàng này đạt 2.290 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 90% so với cùng kỳ. Ảnh: THÀNH HOA

Trường hợp của Techcombank, nhờ chi phí hoạt động được tiết giảm và dự phòng rủi ro cũng thấp hơn, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng này trong quí 3 lần lượt đạt 1.276 tỉ đồng và 1.022 tỉ đồng, tăng tương ứng 146% và 253% so với cùng kỳ 2015. Theo đó, lũy kế chín tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế đạt 2.864 tỉ đồng và 2.290 tỉ đồng, tăng 84,6% và 90% so với cùng kỳ. Chiến lược của Techcombank tập trung rất rõ vào mảng bán lẻ khi dư nợ cho vay cá nhân chiếm 43,5% tổng danh mục cho vay của ngân hàng và tăng đến 54% trong quí vừa qua. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn cũng tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện ở mức khá thấp (1,81% trên tổng dư nợ).

Đối với ACB, ngân hàng này đã có sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận nhờ chi phí dự phòng nợ xấu giảm. Tính riêng trong quí 3, chi phí dự phòng của ACB giảm hơn 40%, xuống còn 192 tỉ đồng, qua đó giúp lợi nhuận sau thuế đạt gần 334 tỉ đồng, tăng 18%. Lũy kế chín tháng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.244 tỉ đồng, tăng 14%. Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 17% trong khi tiền gửi huy động tăng 15,5%. Theo ACB, sở dĩ dự phòng rủi ro giảm là do ngân hàng đã nỗ lực xử lý, thu hồi được trên 2.000 tỉ đồng nợ xấu trong thời gian qua và đang nỗ lực trong quí cuối năm. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu sau chín tháng đầu năm của ACB chỉ còn chiếm 1,13% tổng dư nợ cho vay, giảm nhẹ so với mức 1,31% tại thời điểm đầu năm.

MBB thể hiện được sự chắc chắn trong hoạt động kinh doanh của mình khi vẫn tăng trưởng đều về lợi nhuận và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng giảm. Tính riêng trong quí 3, lợi nhuận trước và sau thuế của MBB ở mức 926 tỉ đồng và 735 tỉ đồng, đều tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Sau ba quí đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 2.788 tỉ đồng, tăng trưởng 9% và tương đương 78% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.243 tỉ đồng, tăng 11%. Đáng chú ý, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này chỉ ở mức 3% trong khi tăng trưởng cho vay lên tới 20% so với đầu năm. Chênh lệch lớn giữa tăng trưởng cung và cầu vốn có thể sẽ khiến MBB gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất. Điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu của MBB giảm từ 1,6% hồi đầu năm xuống chỉ còn 1,34% vào cuối quí 3, riêng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 10%, chỉ còn hơn 975 tỉ đồng.

Còn tại Eximbank (EIB), trong quí 3 vừa qua, việc chi phí hoạt động giảm 6%, xuống 500 tỉ đồng và chi phí dự phòng giảm 21%, về 261 tỉ đồng đã tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh khác cũng có kết quả khởi sắc hơn, như lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 81 tỉ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối gần 38 tỉ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần 12 tỉ đồng... giúp EIB đạt 123 tỉ đồng lãi trước thuế, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù hoạt động kinh doanh đã có phần khởi sắc, song Eximbank vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Điển hình nhất là tỷ lệ nợ xấu sau chín tháng đầu năm chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với mức 1,85% của thời điểm đầu năm nhưng đã giảm so với mức 5,3% vào thời điểm cuối quí 2. Lũy kế chín tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của EIB là 202 tỉ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ 2015. Nhìn chung so với quí 2, tình hình kinh doanh tại Eximbank đang có sự chuyển biến tích cực cả về lợi nhuận lẫn kiểm soát rủi ro tín dụng nhưng nợ xấu vẫn còn ở mức cao so với trung bình toàn hệ thống sẽ là trở ngại không nhỏ để EIB có thể sớm lấy lại đà tăng trưởng.

SHB cũng là ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn về nợ xấu. Báo cáo tài chính của SHB cho biết lợi nhuận sau thuế quí 3 của ngân hàng đạt 203 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015; lũy kế chín tháng lãi ròng đạt 627 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của SHB cũng tăng khá cao, lên mức 2,24%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 45% so với đầu năm; nợ nhóm 3 tăng 74%; nợ nhóm 4 tăng 40%. Nợ xấu tăng lên làm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng cao: ở mức 244 tỉ đồng trong quí 3, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2015; lũy kế chín tháng dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 482 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Sacombank (STB) là ngân hàng duy nhất trong nhóm thống kê có lợi nhuận quí 3 giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận của STB giảm do thu nhập lãi thuần giảm mạnh tới 951 tỉ đồng khi tiền gửi và chi phí trả lãi tăng. Trong quí 3 năm nay STB đã chi thêm hơn 1.425 tỉ đồng để trả lãi tiền gửi cho khách hàng so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động của STB trong quí 3 là 132 tỉ đồng, nhờ được hoàn nhập dự phòng 54 tỉ đồng nên ngân hàng lãi trước thuế 187 tỉ đồng và sau thuế là 150 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng STB lãi trước thuế 550 tỉ đồng và sau thuế 459 tỉ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Sacombank có hoạt động tuyển dụng nhân sự mới khá mạnh trong chín tháng đầu năm (527 người), đưa số lượng nhân sự của ngân hàng hiện lên hơn 17.000 người, đứng thứ 4 trong hệ thống chỉ sau Agribank, BIDV và VietinBank.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153620/loi-nhuan-khoi-sac-hon-nhung-no-xau-van-nang-ganh.html/