Lời nhắc nhớ trầm hùng

'Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi vì nhân dân quên mình'... Giai điệu hào sảng, quen thuộc cùng tiết tấu khỏe khoắn, tươi vui ấy từ lâu đã ngấm vào các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động văn hóa văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị. Nhưng có lẽ, ít ai biết bài hát 'Vì nhân dân quên mình' của nhạc sĩ Doãn Quang Khải ra đời trong một hoàn cảnh khá thú vị. Hiện Bảo tàng Hậu cần (Tổng cục Hậu cần), đang trưng bày cây đàn ghi-ta mà nhạc sĩ sử dụng sáng tác ca khúc bất hủ này.

Trung tá, nhạc sĩ Doãn Quang Khải, sinh năm 1925, tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Trước Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia giành chính quyền ở địa phương. Khi cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia kháng chiến và đã trải qua nhiều chiến trường khốc liệt. Sau Chiến dịch Biên giới năm 1950, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn (khi ấy đang đứng chân ở Trung Quốc). Bài hát “Vì nhân dân quên mình” là sáng tác duy nhất của ông ra đời vào thời gian này.

Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Quang Khải từng cho rằng, ông không ngờ bài hát “Vì nhân dân quên mình” lại trở thành tài sản lớn trong cuộc đời mình. Theo đó, tháng 4-1951, nhà trường phát động cuộc thi sáng tác văn, thơ, nhạc, hội họa, chủ đề thể hiện tâm thế sẵn sàng ra chiến trường, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược. Vốn say mê âm nhạc từ nhỏ nhưng chưa biết sáng tác, tình cờ, ông đọc trên báo, thấy trên đó có khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ”. Thấy khẩu hiệu rất hay và rồi hai chữ “quên mình” bỗng nảy ra. Đúng quá “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Lúc đầu ông định thử sáng tác một bài thơ theo ý này, nhưng rồi quyết định chuyển sang sáng tác bài hát cho phù hợp.

Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, nảy ra được câu nào, ông lại chạy ra ngoài vườn hoa của trường, nơi có bóng đèn để ghi lại. Ghi xong lại chạy vào phòng. Cứ như vậy, đúng 3 giờ sáng, cùng với cây đàn ghi-ta, ông đã hoàn thành bài hát giọng đô trưởng, tốc độ vừa phải, với nhịp 2/4-nhịp bước đi hùng tráng. Ngay ngày hôm sau, cả trung đội hăng hái tập hát bài hát mới của học viên Doãn Quang Khải, ai cũng vui vì lần đầu tiên được hát một ca khúc chủ đề về quân đội, lại do chính học viên cùng lớp sáng tác.

Vậy là ca khúc của một chiến sĩ chưa từng học qua một lớp đào tạo âm nhạc nào, mà chỉ có niềm say mê, ngưỡng mộ những bản nhạc, giai điệu chắt ra từ thực tiễn cuộc sống, đã được cả đơn vị hát, rồi được đăng lên báo tường, phổ biến rộng rãi, trở thành tiết mục mở màn trong các chương trình văn nghệ ở đơn vị.

Bắt đầu từ đó, hơn 70 năm qua, bài hát “Vì nhân dân quên mình” luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ; khẳng định nguồn gốc “từ nhân dân mà ra”, mục đích “vì nhân dân mà chiến đấu” của Quân đội ta; ca ngợi công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu, nguyện phấn đấu, hy sinh, suốt đời học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Người.

Ngày 15-2-2019, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời tạo sự thống nhất trong toàn quân về các bài hát tập thể, truyền thống, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo phổ biến thống nhất trong toàn quân 15 bài hát quy định trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có ca khúc “Vì nhân dân quên mình” của nhạc sĩ Doãn Quang Khải.

Năm 2007, nhạc sĩ Doãn Quang Khải ra đi mãi mãi, nhưng giai điệu “Vì nhân dân quên mình” chắc chắn sẽ còn được cán bộ, chiến sĩ toàn quân cất cao nhịp điệu hùng tráng; lớp cha trước, lớp con sau và lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này sẽ còn mãi ngân vang...

MAI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/loi-nhac-nho-tram-hung-653220