Lời khẳng định của thầy Park trước Thái Lan

Tuyển Việt Nam tiếp tục hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup bằng 2 trận bán kết được dự đoán đầy khó khăn trước Thái Lan.

Tuyển Việt Nam đang đứng trên đỉnh Đông Nam Á, nhìn từ mọi hướng. Nhưng với Thái Lan, chúng ta vẫn cần chiến thắng trực tiếp để bảo vệ ngai vàng và xóa bỏ hoàn toàn những ám ảnh từ quá khứ.

Khi thầy Park nói về người Thái

“Họ là đội mạnh, nhưng không có gì quá nổi bật”. “Gặp Thái Lan hay đội nào khác ở bán kết thì cũng như nhau”. “Không có gì khiến tôi lo lắng cả”.

Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đang giải tỏa áp lực cho các học trò và cho cả chính mình, trước cuộc đối đầu luôn trĩu nặng với mỗi người hâm mộ Việt Nam. Không thể dối lòng, dù đã thâu tóm cả AFF Cup lẫn SEA Games, dù đang đi xa hơn người Thái trên những cung đường ngoài châu lục, các cầu thủ của chúng ta vẫn còn nguyên đó nỗi âu lo, hồi hộp mỗi khi gặp Thái Lan.

 Thái Lan dễ dàng đè bẹp các đối thủ ở bảng A tại AFF Cup 2020.

Thái Lan dễ dàng đè bẹp các đối thủ ở bảng A tại AFF Cup 2020.

Ông Park là người ngoại quốc. Với ông, tránh Thái Lan chỉ đơn giản là tránh đối thủ đáng gờm khi giải đấu còn chưa chạm đích. Mục tiêu đó nếu đạt được thì là hoàn hảo, bằng không, ông lạnh lùng bước vào cuộc so tài. Chân lý luôn là muốn vô địch, phải vượt qua bất kỳ chướng ngại nào.

Nhưng ban huấn luyện người Việt và các cầu thủ dường như không nhẹ lòng như thế. Chúng ta không thấy họ hân hoan hay kiêu hãnh vì chiến thắng 4-0 trước Campuchia, nơi tiền đạo chủ lực Nguyễn Tiến Linh đã thông nòng bằng cú đúp, nơi Nguyễn Quang Hải tìm lại cảm giác vẩy cái lòng sắc lẹm ăn bàn, nơi thậm chí một trung vệ như Bùi Tiến Dũng cũng lập công. Chúng ta chỉ thấy họ rời sân bằng vẻ mặt thẫn thờ của cậu học trò làm sai phép tính.

Khán giả Việt Nam và ngay cả một số nhà chuyên môn cũng tỏ ra hụt hẫng, thất vọng khi thầy trò ông Park đụng Thái Lan chứ không phải Singapore ở bán kết AFF Cup. Đâu đó đã vang lên những lời trách móc, rằng ông Park không tường minh, không quyết liệt trong khâu chọn đối thủ. Rõ ràng, tâm thế của chúng ta là mong ngóng cuộc đấu tay đôi với người Thái để phân ngôi định thứ, nhưng lại ước nó đừng đến sớm.

Đấy là tâm thế của đội bóng sợ thất bại vì đã triền miên trong thất bại, khao khát khẳng định mình vì hiếm khi có cơ hội khẳng định mình. Hai lần tuyển Việt Nam thắng Thái Lan ở Tiger Cup 1998 và AFF Cup 2008 đều là những bất ngờ mang tính thời điểm, và niềm vui dù tột đỉnh vẫn cứ là niềm vui ngắn hạn.

Sau những thời khắc vụt sáng đó, chúng ta lại bị tuyển Thái ném vào bóng tối, mà nỗi kinh hoàng gần nhất diễn ra ở Mỹ Đình năm 2015, khi đội quân của HLV Toshya Miura chỉ biết chịu trận nhìn Channathip, Theerathon, Dangda thêu hoa dệt gấm.

Và khi thầy Park khắc chế người Thái

6 năm đã trôi qua, những cái tên Thái ngày nào vẫn đang hiện diện ở AFF Cup 2020. Các “nạn nhân” bên phía tuyển Việt Nam hôm ấy cũng còn không ít: Thủ thành Trần Nguyên Mạnh, trung vệ Đỗ Duy Mạnh, tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Chỉ khác một điều, sao đã đổi ngôi. Tuyển Việt Nam ở tư thế bảo vệ ngôi vô địch, còn Thái Lan đi tìm lại ánh hào quang đã mất.

Từ khi Việt Nam có HLV Park Hang-seo, chúng ta là nhà vô địch Đông Nam Á, chạm đến ngưỡng á quân U23 châu Á, lọt top 4 ASIAD, top 8 Asian Cup và vẫn đang đua nốt chặng cuối vòng loại World Cup 2022. Trong quãng thời gian đó, Thái Lan chẳng có gì, có chăng là danh sách HLV đến rồi đi cứ ngày một dài thêm: Milovan Rajevac, Sirisak Yodyarthai, Akira Nishino, chưa kể Alexander Gama ở cấp độ U23.

Nhưng Thái Lan hiện tại là đội bóng hoàn toàn lột xác. Dưới tay Alexandre Polking, cũng là HLV từng bị sa thải tại giải vô địch quốc gia Việt Nam, đội tuyển xứ chùa Vàng đang thần tốc tìm về bản ngã của mình.

Lối chơi kiểm soát và phối hợp đặc trưng của Thái Lan đã trở lại, dù chưa quyến rũ như thời Kiatisuk nhưng thật sự đĩnh đạc và hiệu quả. Sự đan xen giữa lớp cựu binh (Dangda, Chanathip, Sarach…) cùng lứa U23 mới trưởng thành (Supachok Sarachat, Supachai Jaided…) mang đến cho ông Polking nhiều lựa chọn xoay tua đội hình, để Thái Lan toàn thắng vòng bảng mà không ai bị chấn thương, trong khi có đến 19 cầu thủ luân phiên đạt cảm giác thi đấu tốt.

 Tiến Linh cùng đồng đội đứng trước cơ hội chứng tỏ đẳng cấp trước người Thái.

Tiến Linh cùng đồng đội đứng trước cơ hội chứng tỏ đẳng cấp trước người Thái.

Tuyển Thái với sức mạnh vẫn còn nguyên vẹn là nguyên cớ khiến người hâm mộ Việt Nam bồn chồn thay cho thầy Park. Nhưng ông Park cũng đã lường trước mọi khả năng, và sự chuẩn bị của ông cho 2 lần chạm trán này không thể nói là bị động.

“Mano” Polking ưa thích thứ bóng đá tấn công trực diện. Đối phó với nó lại là việc mà tuyển Việt Nam đã quen làm, và làm trước những quân xanh chất lượng hàng đầu châu lục suốt 3 tháng qua.

Gặp Oman, Saudi Arabia, Nhật Bản…, thầy trò ông Park cố gắng để tập đá phòng ngự phản công. Dĩ nhiên trong nhiều thời điểm, chúng ta chỉ có thể căng mình ra phòng ngự. Yếu tố phản công thường là yếu ớt, và đó là lý do ông dành 4 trận đấu bảng AFF Cup để mài sắc thứ vũ khí này.

Pressing toàn tuyến cũng là lựa chọn được nhà cầm quân Hàn Quốc ưu tiên. Ông đã áp dụng nó thật trơn tru khi đối đầu Malaysia, và không ngạc nhiên nếu tiếp tục triển khai để khắc chế người Thái.

Gây áp lực từ giữa sân, cắt đứt nguồn cấp bóng cho tiền đạo chính là chiến thuật mà ông Park giành lấy trận hòa Thái Lan ở vòng loại thứ 2 World Cup. Nhìn tổng thể, chúng ta không nhỉnh hơn Thái ở thời điểm đó, dù phong độ của họ đang lao dốc. Nhưng chúng ta cũng không hề thua kém họ nếu xét từng vị trí trên sân, và điều quan trọng là khi thi đấu với các đối thủ khác, chúng ta chơi tập trung hơn họ.

Sự tập trung trong giai đoạn quan trọng là yếu tố quyết định giúp Việt Nam đang vượt qua Thái Lan ở các giải đấu tầm châu Á. Nhưng xét đến cùng, AFF Cup vẫn là sân chơi thường nhật của cả họ lẫn chúng ta. Ở đó, Thái Lan đang thể hiện khát khao lớn chưa từng thấy sau giai đoạn dài họ cố gắng bơi ra biển lớn bất thành, trong khi lại thờ ơ với ao làng.

Trước khát khao của đối thủ, thầy Park sẽ tính phương án an toàn ở lượt đi và định đoạt cuộc chơi ở lượt về. Với năng lực đã được thử thách của các cầu thủ Việt Nam, người hâm mộ có thể yên tâm ở khía cạnh chuyên môn, phần còn lại - tâm lý, sẽ là câu chuyện của một thế hệ đã trưởng thành.

Peter Withe: 'Tôi thất vọng khi thấy tuyển Thái Lan bị vượt mặt' Peter Withe, huấn luyện viên người Anh từng dẫn dắt tuyển Thái Lan (1998-2003), thất vọng vì "Voi chiến" không còn là thế lực thống trị bóng đá Đông Nam Á.

Quốc Bảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-khang-dinh-cua-thay-park-truoc-thai-lan-post1285048.html