Lợi ích từ trồng mây ở Nam Đông

Khoanh nuôi và phát triển các loài mây có ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế và môi trường sinh thái.

Người dân Nam Đông thu hoạch mây

Những diện tích mây trồng từ năm 2014 với 174ha tại các xã Thượng Nhật, Thượng Lộ; năm 2015 trồng tại các xã Thượng Lộ, Thượng Quảng bước đầu cho thu hoạch khoảng 25% diện tích. Tuy năng suất không cao so với mây cùng tuổi trong tự nhiên, song năng suất mây trồng cũng đạt khá cao ước 30 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 225 tấn. Với giá hiện nay, mỗi kg mây 5.000 đồng, tổng doanh thu khoảng 1,1 tỷ đồng từ thu hoạch mây.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Lê Thanh Hồ thông tin, tổng diện tích các loài mây đã trồng trên địa bàn huyện khoảng 720ha/1.200ha theo kế hoạch. Các loài mây trồng chủ yếu là mây nước, phù hợp với diện tích, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương cũng như thị trường tiêu thụ. Diện tích trồng mây chủ yếu tập trung tại các xã Thượng Quảng, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Thượng Long, Hương Lộc, Hương Phú.

Qua kiểm tra, đánh giá cây mây sau khi trồng cho thấy, vùng phù hợp với các loài mây có liên quan khá rõ nét với môi trường sống như trạng thái cấu trúc của cây gỗ, thực vật ngoài tầng, địa hình và nguồn nước trên địa bàn huyện Nam Đông. Thực tế, cây mây phù hợp ở độ cao dưới 700m so với mực nước biển, điều này cũng đòi hỏi kỹ thuật trồng phải đảm bảo như phát luỗng, xử lý thực bì, mật độ trồng và chất lượng cây giống.

Cùng với việc trồng bổ sung cây mây dưới tán rừng, công tác khoanh nuôi, tái sinh các loài mây trong tự nhiên cũng được cộng đồng, nhóm hộ quan tâm thực hiện. Một số dự án Trường Sơn Xanh, Carbi đã hỗ trợ nhóm hộ, cộng đồng các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật thiết lập một số vùng khoanh nuôi, tái sinh và khai thác mây theo hướng bền vững với diện tích 600ha. Vì vậy, trữ lượng và sản lượng khai thác hằng năm được duy trì và ổn định.

Ông Lê Thanh Hồ đánh giá, trồng mây, khoanh nuôi, tái sinh loài cây này góp phần nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo tồn và phát triển loài mây. Phát triển loài mây còn góp phần tạo việc làm, thu nhập, cải thiện sinh kế cho một bộ phận người dân sống dựa vào rừng.

Đa phần các loài mây có thời gian thu hoạch ngắn nên các nhóm hộ, cộng đồng hưởng ứng tích cực. Bước đầu, một số cộng đồng đã có nguồn thu nhập từ khai thác mây. Nguồn thu nhập tuy chưa lớn nhưng đã tạo động lực trong việc kết hợp giữa khai thác và công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, hạn chế việc khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Tuy nhiên, bên cạnh một số cộng đồng thực hiện tốt việc trồng và chăm sóc mây qua các năm thì vẫn còn một số cộng đồng, nhóm hộ thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Sau khi trồng, người dân thiếu quản lý, bảo vệ và chăm sóc nên mây phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp như cộng đồng thôn 3 và 4 (xã Hương Sơn), nhóm 2, thôn Cha Măng và cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ). Các địa phương, ban ngành đang triển khai các biện pháp tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mây tốt hơn nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/loi-ich-tu-trong-may-o-nam-dong-134916.html