Lợi ích tự học trong đời sống hàng ngày

Tự học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng tự học sẽ giúp ích cho kho tàng tri thức, trí tuệ của mỗi người, làm cho mỗi người trở nên thông tuệ hơn.

Tự học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng tự học sẽ giúp ích cho kho tàng tri thức, trí tuệ của mỗi người, làm cho mỗi người trở nên thông tuệ hơn.

Tác giả: Diệu Linh

Như chúng ta đều biết, ngoài những kiến thức được học từ nhà trường, xã hội, cơ quan, hay bạn bè, thì dù già hay trẻ đều phải có ý thức tự giác trong việc tự học. Tự học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng tự học sẽ giúp ích cho tri thức, trí tuệ mỗi người trở nên thông tuệ hơn.

Điều này đúng với mọi người, mọi giai cấp trong xã hội, kể cả những bậc danh nhân đến người lao động chân tay, người giúp việc hay thậm chí là cả tù nhân hay người tu hành việc tự học là bình đẳng như nhau.

Ảnh: St

Ở nước Việt Nam ta, từ ngàn đời xưa việc hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mạc Đĩnh Chi vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam về câu chuyện vượt khó vươn lên trong học tập.

Nguyễn Ngọc Ký được biết đến là một nhà giáo ưu tú Việt Nam với nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh khó khăn của số phận.

Trong sử sách nước ta đã lưu danh một cậu học trò nghèo với lòng hiếu học đã đỗ đầu 3 kỳ thi đó chính là cụ Nguyễn Khuyến (1835 -1909).

Lương Thế Vinh là một hiền tài nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với tư chất thông minh cùng sự hiếu học, ông đã tìm tòi và học hỏi được rất nhiều điều hay.

Nguyễn Hiền là vị trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Với những thành công như vậy, ông đã khiến người đời nể phục lòng hiếu học của ông. Cuộc sống thuở nhỏ của Nguyễn Hiền cũng rất khó khăn khi cha ông mất sớm và cùng với mẹ ở một ngôi chùa.

Đức Phật, Ngài cũng đã trải qua việc tự học mà lĩnh ngộ ra chân lý của phật pháp mà giác ngộ thành Phật, để giảng dạy cho chúng sinh, giáo hóa chúng sinh làm sao để giác ngộ và giải thoát. Trong kinh Trường Bộ, kinh Đại Niết Bàn, đức Phật cũng có căn dặn Tôn giả A Nan rằng:

“ Này A Nan, pháp và luật ta đã giảng dạy, và trình bày sau khi ta diệt độ, chính pháp và luật ấy sẽ là đạo sư của các người. Này A Nan, những ai sau khi ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chính pháp làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp gì khác. Những vị ấy, này A Nan, là những vị tối thượng hàng Tỷ kheo của ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”.

Tự học là quá trình người học chủ động tiếp cận và tiếp thu các kiến thức. Đó có thể là kiến thức trên trường lớp, kiến thức xã hội hay trong một lĩnh vực cụ thể mà họ quan tâm. Tự học là tự chủ, tự quản lý và sắp xếp việc học của mình nhằm lĩnh hội các kiến thức.

Việc tự học thường đi kèm với sự sáng tạo và khả năng quyết định. Từ đó, người học sẽ rèn luyện được những kỹ năng mềm, phương pháp học mới cùng với kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định. Đối với Phật giáo, việc này lại càng được khuyến khích bởi đạo hạnh của mỗi người con Phật tùy thuộc vào việc tu tập, giác ngộ của họ. Mà muốn có được điều này, bản thân mỗi người phải tự giác chủ động trong việc đi tìm tri thức, nâng cao trí tuệ.

Lợi ích trong việc tự học

Lợi ích thứ nhất đó là giúp trau dồi kiến thức

Việc tự học sẽ giúp bạn mở rộng thêm nhiều kiến thức thông qua việc đọc sách và tìm kiếm thông tin. Khi tự học bạn sẽ lĩnh hội được rất nhiều kiến thức và kỹ năng cho bản thân ở những lĩnh vực mà bạn quan tâm. Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn trong quá trình học tập của mình. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự thành công học tập lẫn công việc tương lai của bạn sau này.

Tự học giúp hình thành sự sáng tạo

Tự học khuyến khích bạn sáng tạo. Bạn sẽ tìm ra những phương pháp học mới phù hợp với bản thân. Đồng thời, bạn cũng sẽ tự do trong việc khám phá một chủ đề nào đó. Từ đó, bạn sẽ có những góc nhìn mới mẻ mà không bị áp đặt trong tư duy và suy nghĩ của bất kỳ ai. Điều này cực kỳ quan trọng và giúp bạn hình thành sự sáng tạo trong việc học và cả việc tiếp thu các kiến thức xung quanh mình.

Tự học giúp bạn biết sắp xếp thời gian và chủ động hơn trong đời sống

Thay vì phải học theo thời gian của các lớp học thêm và phải tốn hàng giờ cho mỗi môn học, thậm chí bạn còn tốn thời gian di chuyển giữa các lớp. Tự học giúp bạn tự chủ hơn với thời gian của mình. Bạn sẽ biết cách phân bổ thời gian sao cho phù hợp với những môn học mình cần học và thời gian vui chơi, nghỉ ngơi của mình. Điều này dần dần tạo thành thói quen và khả năng quản lý thời gian cho bạn. Kỹ năng này rất quan trọng trong cuộc sống và cả trong công việc tương lai sau này của bạn.

Tự học giúp bạn rèn luyện kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm là một yếu tố rất quan trọng trong công việc tương lai của bạn. Những kỹ năng mềm mà bạn sẽ rèn luyện được trong quá trình tự học như: kỹ năng nghiên cứu thông tin, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng sắp xếp công việc, kỹ năng làm việc độc lập,… Những kỹ năng này sẽ là hành trang vững chắc và giúp bạn có ưu thế hơn trong công việc tương lai.

Tự học giúp bạn tự chủ

Tự học giúp bạn lĩnh hội tri thức một cách chủ động, toàn diện một cách hứng thú. Đồng thời, tự học giúp bạn có tư duy không ỷ lại hay phụ thuộc vào người khác. Người có tinh thần tự học là người luôn chủ động và tự tin trong cuộc sống. Tự học giúp bạn tự biết tự bổ sung những khiếm khuyết của mình để tự hoàn thiện bản thân. Đây là con đường ngắn nhất để biến ước mơ và mục tiêu của bạn thành hiện thực.

Ngoài ra, việc tự học cũng rất cần sự sáng tạo. Không sáng tạo, gò bó vào những điều được coi là kinh điển, là sách vở, là tiêu chuẩn, là quy ước rất nguy hiểm. Tuổi trẻ bao giờ cũng ngập tràn năng lượng, cũng nông nổi, làm gì cũng muốn xông vào làm ngay rồi rút nhanh. Đó chính là lý do khiến cho các bạn trẻ nhanh thất bại.

Là phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu đạo Phật để thực hành cho đúng đắn nhưng Phật giáo thật mênh mông như lá cây trong rừng, trong vô vàn những kiến thức ấy, ta phải tự tổng hợp, đúc kết để áp dụng sao cho phù hợp với bản thân, hoàn cảnh sống thực tiễn mỗi người để giáo lý của Ngài được sử dụng làm phương pháp chính xác, đúng đắn nhất. Việc tự học không chỉ tốt trong đời sống mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình tu tập Phật pháp của mỗi người con Phật.

Ngay từ việc giữ gìn 5 giới cơ bản (không sát sinh, không tà dâm, không cờ bạc rượu chè, không trộm cắp, không nói dối) cũng là cách tự học để trau dồi tích lũy sự hiểu biết, kinh nghiệm để làm sao hiểu đúng, thực hành đúng, lâu bền trọn đời là việc không dễ dàng, không phải ai cũng làm được. Việc này người khác cũng không thể làm thay ta được bởi nó phụ thuộc vào tính tự giác cũng như tam quan của mỗi người, ứng dụng Phật giáo một cách linh động, nếu làm được thì sẽ rất tốt, diệu dụng.

Một chút nỗ lực là một chút giác ngộ, một chút tự mình học hỏi,…bạn sẽ đến gần hơn với sự thành công. Thành công được tạo nên từ nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng đó là tự học và những lợi ích đến từ tự học. Bất kỳ ai cũng có thể tự học, đây là kỹ năng mà bạn cần phải rèn luyện ngay từ hôm nay, cùng với việc tu tập theo giáo lý của đạo Phật mỗi ngày một chút sẽ tạo nên động lực giúp bạn có thể tự học, trở thành người học xuất sắc.

Tác giả: Diệu Linh

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/loi-ich-tu-hoc-trong-doi-song.html