'Lợi ích kép' từ chuỗi cung ứng nông sản Việt có phát thải thấp

Từ những thay đổi chiến lược có tính 'bền vững' của CTCP Tập đoàn Lộc Trời hay việc hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp đối với công ty gạo A An, sẽ thấy đó là điều cần làm có tính khẩn cấp đối với chuỗi cung ứng có phát thải thấp trong ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông sản Việt nói chung. Bởi lẽ điều này mang lại 'lợi ích kép' khi vừa giúp doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra trên thị trường xuất khẩu và vừa giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân, nâng giá trị nông sản.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) lớn trong trong ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Lộc Trời, cho biết lúa gạo vừa là “nạn nhân” vừa là “thủ phạm” góp phần vào việc biến đổi khí hậu. Việc trồng và chế biến lúa gạo đang tạo ra lượng khí thải nhà kính (GHG) đáng kể.

Tính khẩn cấp cho ngành lúa gạo

Đơn cử như từ việc trồng lúa, hàng năm các cánh đồng ở khu vực Mekong, Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, thói quen phơi khô lúa sau thu hoạch theo cách truyền thống (như phơi lúa trên đường, trên sân ở nông thôn) và hiệu quả xay xát gạo thấp (định mức thu hồi gạo xay xát so với đầu vào của lúa) làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này.

Ngành hàng lúa gạo Việt cần hướng tới áp dụng các biện pháp sản xuất phát thải thấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước việc sản xuất lúa gạo đang không “bền vững” như vậy và tính khẩn cấp của việc “phát triển bền vững” cũng như giảm phát thải, vị tổng giám đốc của Lộc Trời nhấn mạnh đến những thay đổi mang tính chiến lược từ trên đồng ruộng cho đến các nhà máy chế biến và khâu quản lý, kiểm soát

“Nhờ đó mà chúng tôi là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt điểm SRP100, được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo thế giới IRRI và các cơ quan kiểm định độc lập quốc tế và đã đạt số điểm tối đa này 4 năm liên tục kể từ 2020. Chứng nhận SRP100 này cũng mang đến cơ hội có tín chỉ carbon được xác nhận có thể giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế”, ông Thuận chia sẻ.

Còn ở một diễn biến khác, thông tin đưa ra vào ngày 13/11 từ IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết sẽ sẽ hỗ trợ một DN lúa gạo của Việt Nam là CTCP Lương thực A An (thành viên của Tập đoàn Tân Long) để phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững. Hoạt động này sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân và các nhà máy trong chuỗi cung ứng của công ty và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.

Cụ thể, khi tham gia vào hoạt động hỗ trợ này, hàng nghìn nông dân trồng lúa và nhà máy xay xát lúa gạo sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ hư hại và thất thoát, và thực hành các biện pháp trồng lúa phát thải thấp hơn. Nhờ đó, chi phí sản xuất có thể giảm tới 15% và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm xuống một nửa, dưới 8% vào năm 2030.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long cho biết với sự hỗ trợ như vậy của IFC sẽ giúp cho công ty xây dựng chiến lược sản xuất gạo bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu cung cấp tới năm triệu tấn gạo sạch, xanh và chất lượng cao trong vòng mười năm tới.

“Là một nhà sản xuất, phân phối và xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, chúng tôi sẽ tập trung áp dụng các biện pháp sản xuất phát thải thấp theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phần giảm lượng khí thải của ngành lúa gạo và nâng cao khả năng chống chịu trước các tác động kinh tế và khí hậu của nền kinh tế Việt Nam,” ông Bá chia sẻ.

Đảm bảo lợi nhuận cho nông dân

Ngoài ra, xét về hoạt động sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, từ những thay đổi mang tính chiến lược của Tập đoàn Lộc Trời hay việc hỗ trợ của IFC đối với gạo A An là điều mà các DN trong ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam rất mong muốn để đạt các tín chỉ carbon thấp nhằm trao đổi hoặc bán. Đây cũng là lĩnh vực rất mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới trong lĩnh vực trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng.

Chính vì vậy, theo giới chuyên gia, khi triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (bắt đầu ngay từ vụ đông xuân 2023 - 2024 sẽ triển khai trước khoảng 180.000ha) thì một trong những giải pháp chính để giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030 là bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa phát thải thấp.

Nhất là khi phía WB đã cam kết mua tín chỉ các bon ở mức 10 USD/tấn. Trong khi đó 1ha lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn các bon, tương đương với 100 USD. Cho nên, điều kỳ vọng là việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Và nhất là giá trị hạt gạo Việt sẽ được nâng lên gấp nhiều lần.

Từ đó có thể thấy hoạt động hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp của IFC với DN trong ngành hàng lúa gạo Việt như nêu trên là rất cần thiết. Như chia sẻ của ông Riccardo Puliti, Phó Chủ tịch IFC Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, việc hỗ trợ này không chỉ giúp củng cố chuỗi cung ứng lương thực của Việt Nam mà còn góp phần giảm phát thải từ nông nghiệp.

Cũng theo ông Puliti, việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua cải thiện sản xuất, giảm thất thoát và nâng cao tính an toàn, chất lượng và bền vững sẽ là yếu tố quan trọng. Điều này giúp ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam.

Không chỉ riêng ngành hàng lúa gạo, với góc nhìn về xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhấn mạnh thách thức đối với ngành hàng nông sản Việt hiện nay là rất lớn khi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo bà Hiền, thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và để tiếp tục giữ vững, phát triển thị trường thì việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu cho nông sản Việt. Nhất là khi xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Bởi lẽ, như lưu ý của bà Hiền, ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những DN đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra. Trong đó có yêu cầu về giảm phát thải carbon, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Cho nên, đây là lúc mà các DN trong ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông sản Việt nói chung cần phải có những chiến lược về phát triển chuỗi cung ứng làm sao để giảm phát thải trong canh tác, chăn nuôi và sản xuất. Nhất là mỗi mắt xích trong chuỗi đều cần có những cải tiến nhằm kéo giảm phát thải xuống thấp nhất có thể so với hiện nay. Có như vậy sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho DN khi xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/loi-ich-kep-tu-chuoi-cung-ung-nong-san-viet-co-phat-thai-thap-1096582.html