Lời hịch trước đợt tiến công thứ hai

Chiều 30-3-1954, đợt tiến công thứ 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Để bảo đảm cho đợt tiến công thắng lợi, các đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể, chuẩn bị chu đáo thế trận, lực lượng và mọi mặt công tác. Đặc biệt, lời căn dặn, động viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần tăng thêm sức mạnh chính trị, tinh thần, cán bộ, chiến sĩ hừng hực khí thế ra trận, quyết chí lập công...

Tấn công các điểm cao phòng ngự phía Đông của địch

Trong khi bộ đội ta đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên cánh đồng Mường Thanh thì từ ngày 25 đến 27-3-1954, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức hội nghị cán bộ để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2. Hội nghị nhận định: Sau những chiến thắng đầu tiên, các đơn vị tham chiến đã chấn chỉnh xong lực lượng; gần 100km giao thông hào đã được đào... Qua đó, nhằm hạn chế viện binh địch, gây khó khăn cho việc tiếp tế của chúng, ta phát huy các loại hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp tung thâm địch, đồng thời thắt chặt vòng vây, tạo điều kiện để tiếp cận và tiến công quân địch.

Về phía quân Pháp, qua đợt đầu bị ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, chúng đã nhanh chóng bổ sung quân số và hỏa lực. Trong hệ thống phòng ngự của tập đoàn cứ điểm, phân khu trung tâm là nơi phòng ngự chủ yếu, chỗ mạnh của phân khu này là ở những điểm cao phía Đông, nếu bị tiêu diệt thì phân khu trung tâm sẽ không đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.

Từ nhận định trên, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ 2 là đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía Đông của phân khu trung tâm, biến những điểm cao này thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; trong đó có một số đơn vị cơ động, tạo điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên sa bàn tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 312 được phối thuộc 5 đại đội sơn pháo và pháo cối, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao E, D1, D2 (thuộc trung tâm đề kháng Dominique); sử dụng một số đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí của pháo binh địch cùng quân cơ động thuộc Tiểu đoàn Dù ngụy số 5 ở phía trong.

Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn) được phối thuộc 6 đại đội sơn pháo và pháo cối, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao A1, C1, C2 (thuộc trung tâm đề kháng Eliane).

Đại đoàn 308 có nhiệm vụ cho một đơn vị thọc sâu đánh vào Tiểu đoàn Dù ngụy số 3 và vị trí pháo binh, đồng thời cho lực lượng tích cực quấy rối các cứ điểm 106, 311 và bố trí đánh quân địch nhảy dù xuống phía Tây, chặn quân viện từ Hồng Cúm lên.

Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) được phối thuộc một số đơn vị, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo địch ở Hồng Cúm, hạn chế hoạt động của chúng, chặn viện binh địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh địch nhảy dù ở phía Nam Hồng Cúm.

Đại đoàn 351 dùng toàn bộ hỏa lực yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm E, D1, D2, C1, C2, A1; đồng thời kiềm chế, phá hủy một phần pháo binh địch, tiêu hao quân cơ động ở trung tâm Mường Thanh.

Trung đoàn Pháo cao xạ 367 yểm hộ cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Chiều 30-3-1954, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đợt 2.

Động viên của Tổng Tư lệnh trước ngày nổ súng tiến công đợt 2

Ngày 29-3-1954, trước một ngày nổ súng tiến công đợt 2, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia tiến công vào khu Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong thư, đồng chí Tổng Tư lệnh nêu rõ 3 mục đích của cuộc tiến công đợt 2, đó là: (1) Tiêu diệt thật nhiều địch trong nhiều cuộc chiến đấu liên tiếp; muốn đạt mục đích đó thì không những phải đánh nhiều điểm một lần mà còn phải có những đơn vị vô cùng anh dũng, quả cảm, đánh sâu vào tung thâm của địch, làm cho địch rối loạn, tiêu diệt thật nhiều sinh lực và một số cơ quan chỉ huy của chúng. (2) Phá hủy và đánh chiếm một bộ phận các trận địa hỏa lực, làm cho chúng mất chỗ dựa, rồi dùng ngay trận địa hỏa lực ấy bắn vào đầu chúng. (3) Đánh chiếm những địa hình có lợi, dùng làm trận địa của ta để tiến tới một bước uy hiếp thật mạnh bọn địch còn lại.

Đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Tổng tư lệnh quyết định đánh một trận quan trọng như thế? Đại tướng Võ Nguyên Giáp lý giải: Vì Bộ nhận định rằng, quân ta có 4 điều kiện tất thắng: a) Chúng ta lần này tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực cũng như hỏa lực, nhất là do các cỡ súng cối của ta đều có thể bắn thẳng và bắn ngay vào khu vực tung thâm của địch. b) Ta có một trận địa tiến công và bao vây khá vững, như vậy trong cuộc chiến đấu này, quân ta vẫn nắm vững phương châm đánh chắc, tiến chắc. c) Bộ đội ta trải qua các cuộc chiến đấu thắng lợi vừa qua, lại trải qua việc xây dựng trận địa thành công, đã có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm hơn trước, tin tưởng nhất định đánh được và có quyết tâm đánh cho kỳ được. d) Tinh thần của địch ở trong vòng vây ngày càng kém sút, thương binh nhiều, tiếp tế khó khăn, ngày càng mong máy bay bắn phá được các trận địa hỏa lực của ta và sát thương bộ đội ta, nhưng vô hiệu quả, chúng càng lo lắng, hoang mang. Đó là 4 điều kiện để ta thắng.

Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nêu ra một số khó khăn, đó là: Một số đồng chí không nhận rõ tình hình địch-ta, sinh ra chủ quan khinh địch, do đó lơ là việc tổ chức chiến đấu, dễ đưa đến thất bại. Một số đồng chí lại chưa nhận rõ tính chất quan trọng của cuộc chiến đấu sắp tới, do đó không cố gắng đến tột bậc, dễ coi thường nhiệm vụ. Khó khăn thứ hai là việc tổ chức chiến đấu. Đánh điểm thì phải tổ chức việc đột phá cho nhanh, đừng mắc phải những khuyết điểm trước đây. Đánh thọc sâu vào tung thâm của địch thì phải tổ chức bộ đội cho mạnh và gọn, đủ bộc phá, đủ các thứ vũ khí nhẹ, đủ xung lực. Ngoài ra còn những khó khăn khác nữa về tổ chức chiến đấu như tiến quân ban ngày, hay làm thế nào để tránh ùn, nắm vững thông tin liên lạc...

Trả lời câu hỏi làm thế nào để bảo đảm được thắng lợi? Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: Chỉ cần làm đúng một yêu cầu là tất cả cán bộ và chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ và đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều làm gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế rất lớn, không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là khiếp sợ. Tất cả đều phải có một quyết tâm như vậy, đều phải thi đua nêu cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch.

Cuối thư, đồng chí Tổng Tư lệnh căn dặn: Đánh thắng trận này, chúng ta sẽ làm cho địch tổn thất rất nặng, tạo điều kiện đầy đủ để tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Đánh thắng trận này, quân ta sẽ tiến bộ một bước mới, đi từ chỗ tiêu diệt từng tiểu đoàn địch trong một trận công kiên đến chỗ tiêu diệt mấy tiểu đoàn luôn trong một trận. Đây là một cuộc thử thách lớn đối với toàn thể các đồng chí cán bộ cũng như chiến sĩ. Toàn quân ta trên các mặt trận, đồng bào ta ở khắp toàn quốc đang mong chờ tin chiến thắng này. Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng mong chờ tin chiến thắng này. Tất cả các đồng chí, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng đều phải nêu cao quyết tâm, hoàn thành cho kỳ được nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...

Thượng tá NGÔ HOÀI ĐÔNG, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/chuyen-o-chien-truong/loi-hich-truoc-dot-tien-cong-thu-hai-770548