Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam

Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?

Sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH-CN), đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn... đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến giáo dục đại học thế giới nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.

Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó IT (phần mềm) là một trong 3 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Việc thiếu hụt nhân lực đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và nhà trường. Trong số sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được ngay yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng, số còn lại cần được đào tạo lại.

Tiết học về công nghệ số tại Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM - Ảnh: Tú Viên

Trong năm 2023, một khảo sát cho thấy chỉ khoảng 41% doanh nghiệp ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội đạt 100% chỉ tiêu tuyển dụng. Tiềm năng, nhu cầu tuyển dụng ở cả hai thị trường lao động chính này vẫn rất lớn, như kinh doanh - bán hàng (chiếm 39,3%) và IT (chiếm 13,2%) vẫn tiếp tục là những nhóm ngành thiếu nhân lực.

Ông Thái Hoàng Danh, Giám đốc sản xuất phần mềm Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển phần mềm Larion cho biết hiện lực lượng lao động ngành CNTT cả nước khoảng 530.000 người, số sinh viên theo ngành CNTT nhập học hằng năm tại các trường cao đẳng và đại học trong nước khoảng 50.000 - 57.000 người (dựa trên báo cáo tuyển sinh).

Theo ông Danh, trung bình số lượng sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp hằng năm khoảng 16.000 người, tuy nhiên hầu như phải đào tạo lại ít nhất từ 3 - 6 tháng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 73% công ty IT Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng để mở rộng hoạt động trong năm 2024. Dự kiến số lượng nhân sự mà các công ty còn thiếu trong năm để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường lên tới 170.000 người.

Do đó, cần phải có những giải pháp để tháo gỡ giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa, đáp ứng kịp thời yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế. Giáo dục đại học đang chịu tác động không nhỏ từ sự phát triển của KH-CN.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, nhất là AI đã qua giai đoạn nghiên cứu, khám phá, bước vào giai đoạn ứng dụng, thực hành. Giai đoạn khám phá cần tinh hoa. Giai đoạn ứng dụng cần nhiều kỹ sư ứng dụng. Giai đoạn ứng dụng cũng chính là giai đoạn mang lại nhiều giá trị nhất cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

“Chúng ta đang cần rất nhiều kỹ sư công nghệ số mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trình độ đại học về số và sự đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay. Chính phủ nên có quyết sách thật mạnh mẽ về đại học số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hùng cho biết Bộ TT-TT có thể hỗ trợ các trường đại học bằng cách ra báo cáo hằng năm về nhu cầu nhân lực, về sử dụng nhân lực CNTT, công nghệ số và gửi báo cáo này cho các trường. Thêm vào đó, tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, rồi hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài chinh phục thị trường toàn cầu, biến Việt Nam thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu.

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài: Viettel đã có doanh thu từ nước ngoài trên 3 tỉ USD, FPT trên 1 tỉ USD, doanh nghiệp có doanh thu từ nước ngoài hàng trăm triệu USD khá nhiều. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực công nghệ số được trả lương cao để các trường đại học tổ chức đào tạo.

Bộ TT-TT cũng sẽ tạo ra gắn kết của hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số với các trường đại học; kêu gọi một số doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển của 2 Đại học Quốc gia.

Đồng thời, bộ đề xuất Chính phủ một số chính sách thí điểm về phát triển công nghệ số tại đại học. Ví dụ, Nhà nước đầu tư các phòng thí nghiệm quốc gia, hiện đại về công nghệ số rồi giao đại học vận hành. Phòng thí nghiệm hiện đại sẽ là thỏi nam châm quan trọng để thu hút sự nghiên cứu về các trường đại học.

Như vậy, cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, thuận lợi hơn trong việc trao đổi thông tin, hàng loạt các công việc offline được thay bằng hình thức online, dân chủ hơn... là những cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam khi KH-CN phát triển, đồng thời giáo dục đại học cũng phải đối diện với những thách thức như: sự cạnh tranh quyết liệt hơn, các công trình công bố phải đáp ứng được yêu cầu điều kiện mới, phương pháp và hình thức giảng dạy phải thay đổi...

5 trường tham gia mô hình đại học số

Hiện nay, đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục đại học số trong đào tạo nhân lực công nghệ số đang được xúc tiến.

Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì (phối hợp với các cơ sở giáo dục khác như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.

ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.

Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số. Thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến. Phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến...

Đề án này đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.

Các chuyên gia cho biết chuyển đổi số trong giáo dục ĐH đã có những bước tiến lớn trong thời gian qua, từ việc mở rộng đào tạo theo hình thức trực tuyến tới hoàn thiện các hệ thống quản trị đại học trên nền tảng số.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/loi-giai-bai-toan-thieu-nhan-luc-so-tai-viet-nam-216254.html